Vì sao Hoàng thành bị chôn vùi?

27/09/2010 23:24 GMT+7

Trong vòng 2.300 năm nay, biển đã dâng thêm 6 mét. Nếu tính từ thời điểm Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đến nay biển dâng thêm gần 3 mét. Do cha ông ta đã thích ứng với tình trạng này và vì thế Hoàng thành cũ đã bị vùi xuống đất với một độ sâu tương ứng...

Từ những khai quật khảo cổ học về Hoàng thành Thăng Long trong mấy chục năm qua, nhất là cuộc khai quật điển hình là tại 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ học và văn hóa xác định:

Ở độ sâu khoảng 1 mét trở lên: chủ yếu là các di tích có từ thế kỷ 19 - 20, gồm các hiện vật thời nhà Nguyễn cùng với một số hiện vật thời Pháp thuộc xen trộn lẫn nhau.

Ở độ sâu từ 1 đến 2 mét: là tầng văn hóa thời Lê - Mạc nằm trong thời gian khoảng 4 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18), có pha trộn một ít di chỉ thời Lý Trần và thời Nguyễn, tuy nhiên đó là hiện tượng thường thấy trong khảo cổ học.

Ở độ sâu  từ 2 đến 3 mét: là tầng văn hóa Lý - Trần, kéo dài cũng 4 thế kỷ (từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14), đây là đặc trưng của Văn hóa Thăng Long, giữa văn hóa thời Lý và văn hóa thời Trần được kết nối tương đồng chặt chẽ.

Ở độ sâu từ 3 đến 4 mét: là tầng văn hóa tạm gọi là Văn hóa Đại La, có những di chỉ thuộc văn hóa thời Đường bên Trung Quốc, tương ứng với thời kỳ nước ta bị nhà Đường đô hộ.

 Di tích Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Như vậy là, cách mặt đất hiện nay trên dưới 4 mét trở lên, chúng ta đã phát hiện được 4 tầng văn hóa. Tuy có đan xen nối tiếp, nhưng những công trình của thời kỳ sau xây chồng lên những công trình của thời kỳ trước, xưa nhất là thời kỳ Đại La và gần nhất là thời nhà Nguyễn.

Và như vậy cũng có thể nói, cái thành Đại La mà vua Lý Thái Tổ đến tiếp quản để xây dựng và phát triển nên Thăng Long - Hà Nội bây giờ, nay đã bị vùi sâu hơn 4 mét. Còn các phế tích của các cung điện do ông xây dựng thì đã nằm sâu 3 mét dưới mặt đất. Dĩ nhiên đó là cách tính ước lệ dựa trên những khai quật một phần Hoàng thành tại 18 Hoàng Diệu.

Vì sao có sự chôn vùi đó?

Trước hết hãy nói đến những cái hồ của Hà Nội. Hệ thống hồ của Hà Nội tạo thành một bản sắc văn hóa rất riêng, vừa thơ mộng dịu mát vừa trầm mặc sâu lắng, nó là một phần “hồn vía” của thủ đô. Tiến sĩ địa chất học Hoàng Ngọc Kỷ cho biết, Hà Nội hiện nay có khoảng 110 cái hồ lớn nhỏ. Nhưng theo ông Kỷ thì trừ hồ Tây ra còn hầu hết đều là hồ nhân tạo, vì Hà Nội là khu vực ven sông, mà theo địa chất học thì trầm tích khu vực ven sông không thể tạo ra các hồ tự nhiên, trừ hồ móng ngựa. Hệ thống hồ nhân tạo này có liên quan đến việc Hoàng thành bị chôn vùi.

 

 Những di vật tìm thấy từ Hoàng thành - Ảnh: L.Q.P

Cách đây không lâu Thanh Niên có đăng loạt bài Dựng nước sau cơn đại hồng thủy, trong đó có giới thiệu những kết quả khảo sát địa chất do tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ công bố cho thấy diện mạo đất nước thay đổi cùng với quá trình biển tiến và biển thoái trong thời kỳ địa chất đệ tứ của Việt Nam. Quá trình này là cũng tác nhân sâu xa làm biến đổi khu vực Hoàng thành.

Sau khi biển tiến đột biến làm mực nước dâng lên 6 mét so với trước đó, tức là cao hơn 3,5 mét so với mực nước biển hiện nay và “nằm lì” trong khoảng thời gian 1.015 ± 80 năm, biển bắt đầu thoái. Sau khi thoái đột biến rồi xuống dần đến cực tiểu vào thời gian cách đây 2.300 năm với mực nước - 6 mét so với mặt biển hiện nay, biển bắt đầu tiến, tiến mãi cho đến ngày nay. Điều này có nghĩa là trong khoảng 2.300 năm qua, nước biển đã dâng thêm 6 mét. Ngày nay, thế giới đang đối phó với tình trạng biển dâng, tình trạng này không có gì khác là quá trình biển tiến bắt đầu từ 2.300 năm trước đang nối tiếp.

Những cái hồ của Hà Nội chính là hệ quả của việc lấy đất đắp đê và lấy đất tôn nền mà có. Thời gian qua đi, công trình sau được xây chồng lên công trình trước. Đó là lý do khiến cho Hoàng thành bị chôn vùi, biến thành 4 tầng văn hóa xếp chồng lên nhau như đã thấy.

Với tốc độ như vậy có thể ước tính được là vào thời điểm Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, mực nước biển thấp hơn bây giờ khoảng gần 3 mét, tức là đã dâng thêm hơn 3 mét so với giai đoạn cực tiểu. Đồng bằng Bắc Bộ cũng rộng hơn đáng kể so với hiện nay.

Vì vậy, nhận xét của Lý Công Uẩn về thành Đại La: “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm” là hoàn toàn chính xác. Do mực nước biển thấp nên đáy sông Hồng cũng thấp xa so với hiện tại. Lũ lụt tuy có xảy ra (vì trong quá trình biển tiến) nhưng tần suất thấp. Đọc lịch sử thời Lý ta ít thấy lũ lụt. Gần 100 năm sau khi dời đô đến Thăng Long, đến đời Lý Nhân Tông (1107), con đê đầu tiên - đê Cơ Xá, mới được đắp.

Sang thời Trần, lũ lụt xuất hiện với tần số cao hơn. Ngay từ thời Trần Thái Tông, vào năm 1236, lũ đã tràn vào cung Lệ Thiên. Năm 1238, lũ tràn vào cung Thưởng Xuân. Năm 1245, vỡ đê Thanh Đàm, “nước sông tràn ngập, rắn, cá chết nhiều”. Đến đời Trần Thánh Tông, năm 1265, vỡ đê Cơ Xá, “người và súc vật chết đuối nhiều”. Năm 1271 “nước to, các đường phố ở kinh đô phần nhiều phải đi lại bằng thuyền bè”... Do đó, Từ thời nhà Trần, việc đắp đê và hộ đê được chú trọng. Năm 1248, Trần Thái Tông đã đặt ra cơ quan Hà đê, có chánh, phó sứ. Hệ thống đê quai vạc được coi là bước ngoặt trong lịch sử thủy lợi Việt Nam, được bắt đầu đắp từ triều đại này. Ngoài việc đắp đê ngăn nước sông được mở rộng ra khắp các vùng đồng bằng, nhà Trần còn bắt đầu cho đắp đê ngăn nước mặn để bảo vệ mùa màng của dân.

Đến thời Lê, Nguyễn, công việc đắp đê tiếp tục được mở rộng. Hệ thống đê điều là công trình vật chất vĩ đại nhất được tiền nhân để lại cho hậu thế, là kết quả của biết bao tâm sức trách nhiệm của nhiều thế hệ. Ngày nay, sự an nguy của thủ đô Hà Nội trước thiên tai đang phụ thuộc rất lớn vào hệ thống đê điều được xây dựng từ ngàn năm trước.

Riêng đối với thành Thăng Long - Hà Nội, ngoài hệ thống đê bảo vệ, cha ông ta còn từng bước nâng cao mặt bằng để thích nghi với thiên nhiên.

Những cái hồ của Hà Nội chính là hệ quả của việc lấy đất đắp đê và lấy đất tôn nền mà có. Thời gian qua đi, công trình sau được xây chồng lên công trình trước. Đó là lý do khiến cho Hoàng thành bị chôn vùi, biến thành 4 tầng văn hóa xếp chồng lên nhau như đã thấy.

Theo tính toán, tốc độ biển dâng bình quân trong 2.300 năm qua là 2,6 mm/năm. Biển dâng tạo trầm tích sông, khiến cho lòng sông cao dần lên, sinh ra lũ lụt.

Cha ông ta không hề biết mình đang sống trong quá trình biển tiến, nhưng những gì mà tiền nhân đã làm chính là việc ứng phó khá hữu hiệu với tình trạng biển dâng mà ngày nay nhân loại đang tiến hành bằng các chương trình quốc tế tốn nhiều tiền của.

Nghìn năm trước để lại cho nghìn năm sau một di sản đồ sộ cùng những bài học, những vấn đề để cho con cháu giải quyết, tiếp bước... 

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.