Vẽ tranh thủy mặc bằng… ngón tay

16/11/2015 11:05 GMT+7

Ngón tay chấm vào mực tàu rồi thoăn thoắt quệt ngang phết dọc, trong chốc lát, bức tranh tre trúc, một dòng tranh thủy mặc dần hiện ra trên giấy.

Ngón tay chấm vào mực tàu rồi thoăn thoắt quệt ngang phết dọc, trong chốc lát, bức tranh tre trúc, một dòng tranh thủy mặc dần hiện ra trên giấy. Lối vẽ độc đáo này được ông Nguyễn Tiến Tặng thực hiện suốt 5 năm qua.

Ông Tặng vẽ tranh tre trúc bằng tay - Ảnh: T.TÔng Tặng vẽ tranh tre trúc bằng tay - Ảnh: T.T
Pha mực tàu trong nghiên xong, ông Nguyễn Tiến Tặng (63 tuổi, ở phố Quang Trung, TP.Hải Dương, Hải Dương) ngồi nhìn chằm chằm vào tấm giấy dó một lúc, rồi bắt đầu chăm chú vẽ tranh. Ngón trỏ, ngón út bàn tay phải của ông nhúng mực “múa” liên tục lên mặt giấy những hình thù lộn xộn. Thật khó có thể tượng tưởng ra đó là bức tranh tre trúc đẹp mắt nếu không chờ đợi khoảng 20 phút. Dù vẽ bằng tay nhưng những chiếc lá trúc, đôi chim sẻ đang bay vẫn sắc nét, cảm giác gần gũi.
Ông Tặng cho biết, bút lông chỉ được dùng khi đề thơ và tô vào một số chi tiết rất nhỏ như mắt chim sẻ, các đầu mấu trên thân cây trúc. “Tôi điều chỉnh độ đậm nhạt các họa tiết để bức tranh có chiều sâu. Những câu thơ, danh ngôn, tục ngữ, ca dao… được viết theo kiểu thư pháp sau khi vẽ giúp cho bức tranh trở nên ấn tượng, có ý nghĩa”, ông Tặng nói.
Năm 2010, thấy một số họa sĩ vẽ tranh bằng bút lông, bút gỗ, ông Tặng nảy ra ý tưởng vẽ tranh bằng ngón tay vì “muốn tạo ra phong cách riêng độc đáo” và bắt đầu tập luyện. Nhiều lần vẽ hỏng, bị vợ con phàn nàn nhưng ông không bỏ cuộc, chăm chỉ luyện tay vẽ hằng ngày. Sau nhiều năm vẽ tranh sơn dầu, tranh kính, ông quyết định theo đuổi tranh tre trúc, một dòng của tranh thủy mặc mà ông yêu thích. Theo ông Tặng, tranh thủy mặc vẽ trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, nét nào “chết” nét đó, không thể sửa lại được nên phải tính toán đường nét, bố cục trước khi vẽ.
“Người vẽ tranh thủy mặc hiện nay rất ít. Nếu không kiên trì rèn luyện để có kinh nghiệm hoặc chỉ tính đến lợi nhuận sẽ không thể vẽ được loại tranh đòi hỏi tính nghệ thuật cao này”, ông Tặng chia sẻ.
Đam mê mỹ thuật từ năm lên 6 tuổi, Nguyễn Tiến Tặng ước mơ trở thành họa sĩ và thi vào Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1970. Ước mơ dang dở khi chàng trai này lên đường nhập ngũ, nhưng vẫn giữ sở thích vẽ tranh. Xuất ngũ, ông Tặng theo học Trường ĐH Tài chính và làm kế toán cho một công ty xây dựng, rồi làm xưởng in ấn. Trong thời gian đi học, ông đi vẽ truyền thần để kiếm sống. Cụ thân sinh ông Tặng là thầy giáo thông thạo chữ Hán nên từ nhỏ ông được rèn luyện viết chữ đẹp. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông đi học lớp dạy chữ Hán Nôm ở Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
Ông Tặng chia sẻ ông muốn gìn giữ nét độc đáo trong văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập ngày nay. Vào những dịp lễ hội đầu xuân, ông thường vẽ tranh thủy mặc, thư pháp Việt, đặc biệt, năm 2014 ông đã vẽ 25 bức tranh gắn liền với chủ đề biển đảo Tổ quốc, trong đó có lời phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển nước ta và trưng bày tại Thư viện tỉnh Hải Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.