Về tiền "đầu tư chiều sâu", nhà thơ Ý Nhi: Tôi không nhận số tiền này!

06/01/2008 22:56 GMT+7

Bài Trại sáng tác - một tàn dư của thời bao cấp đăng trên Thanh Niên ngày 31.12.2007 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ. Nhà thơ Ý Nhi cũng cho biết bà đã từ chối nhận số tiền đầu tư 25 triệu đồng từ Hội Nhà văn Việt Nam.

* Phần lớn văn nghệ sĩ đều không dư dả gì. Vì thế, tâm lý chung là nếu được Nhà nước hỗ trợ cũng vẫn tốt hơn không… Thế vì sao bà từ chối?

- Thực ra tôi đã "đi chỗ khác chơi" - theo cách nói của nhà văn Trang Thế Hy - từ lâu rồi. Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của một nhân viên Hội Nhà văn Việt Nam báo tin tôi được "đầu tư chiều sâu" 25 triệu đồng và xin địa chỉ để gửi tiền vào sáng 31.12.2007. Tôi trả lời là tôi rất cám ơn nhưng xin không nhận tiền. Lý do đơn giản thôi.

 "Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết mình được "đầu tư chiều sâu" vì tôi không còn sinh hoạt ở Hội và không còn làm thơ. Cả hai điều này tôi đã nhiều lần "công bố" trên các báo trong nước. Lúc còn viết nhiều đã không nhận. Hà cớ gì lại nhận vào lúc này? Mặc dù 25 triệu là số tiền rất lớn với một người đã nghỉ hưu như tôi"

 Nhà thơ Ý Nhi

Cuối năm 1998, khi nhận thông báo đăng ký kế hoạch sáng tác để nhận trợ cấp, tôi đã viết thư cho nhà văn Ma Văn Kháng, Trưởng ban sáng tác của Hội: "Tôi nghĩ, mỗi nhà văn phải tự lo lấy đời sống cũng như công việc viết lách của mình. Tôi không nghĩ lao động nhà văn là cái gì đặc biệt đến độ chúng ta có quyền hưởng số tiền có được từ lao động của hàng triệu người khác, từ thuế của những người nông dân nghèo khó, những người buôn thúng bán bưng... Tôi không nhận số tiền này cũng như bất cứ số tiền nào đầu tư cho sáng tác". Cuối năm 2000, một lần nữa tôi phải viết thư cho ông Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội đồng tài trợ sáng tác của Hội Nhà văn để xin không nhận 3 triệu đồng.

* Nhưng có ý kiến cho rằng hỗ trợ, đầu tư cho sáng tác là thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đông đảo văn nghệ sĩ, cũng là một cách đề cao văn hóa "nền tảng của đời sống tinh thần"?

- Tôi không hiểu rõ lắm việc đầu tư bảo trợ này. Tôi chỉ hành xử theo nhận thức của riêng tôi mà thôi.

* Nếu bà có một bản thảo tốt, và bà muốn công bố, nhưng lại không có tiền để xuất bản và cũng không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào thì bà có cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước?

- Hiện tôi có một bản thảo đã được phép của Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM. Tôi đang nhờ họa sĩ trình bày và sẽ tự lo việc in ấn. Sách in xong, tôi sẽ tìm cách phát hành. Tôi phải dè xẻn chi tiêu để in sách.

* Tức là bà cho rằng "nhà văn cầm tiền của Nhà nước là không lương thiện" - như cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc?

- Tôi vẫn kiên trì với quan niệm Hội Nhà văn cần được tổ chức như một hội nghề nghiệp thực sự. Các nhà văn phải tự nuôi sống mình, tự bảo vệ thành quả lao động của mình.

* Lâu nay không ít văn nghệ sĩ, kể cả những bậc "lão làng" vẫn than rằng: tại kinh phí eo hẹp mà không sáng tạo "ra tấm ra món" được…

- Ai cũng biết, kinh phí là phần không thể thiếu cho việc làm tác phẩm, đặc biệt là các tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Nhưng nếu tác phẩm yếu kém thì nguyên nhân đầu tiên không phải do thiếu tiền. Ở các liên hoan điện ảnh lớn, nhiều tác phẩm độc lập tốn rất ít tiền mà vẫn có giá trị, vẫn đạt giải cao. Ở ta, tôi đọc báo, thấy có những tác phẩm điện ảnh được chi nhiều tiền lắm, nghe đâu tới hàng chục tỉ nhưng chất lượng kém. Cảm giác của tôi khi đọc những thông tin này là rất xấu hổ. Riêng phần mình, tôi thấy làm thơ là công việc rất ít tốn kém.

* Có một lập luận phổ biến: văn học nghệ thuật là loại hàng hóa đặc biệt, chứ không phải hàng hóa thuần túy. Vì thế, nếu "thả nổi" mặt hàng này thì sẽ khó tránh khỏi xu hướng thương mại hóa, chạy theo thị hiếu dễ dãi. Do vậy, Nhà nước cần phải là những "mạnh thường quân". Không riêng Việt Nam mà trên thế giới, có một số loại hình nghệ thuật vẫn được Nhà nước bảo trợ. Bà nghĩ sao?

- Vậy thì tiền đâu mà lo cho xuể? Tôi được biết ở các nước, ngay cả ở những nước giàu, nhà nước cũng chỉ có thể đầu tư để bảo vệ một số công trình nghệ thuật, một số loại hình nghệ thuật cổ điển, có giá trị đặc biệt thôi. Tôi đọc ở đâu đó thấy nghệ thuật Kabuki của Nhật Bản được đầu tư rất lớn để bảo vệ, phát triển nó và giáo dục cho người Nhật hiện đại biết thưởng thức nó. Số người đi xem loại hình nghệ thuật này ngày một nhiều. Ở ta, nghệ thuật Hát bội cũng cần được đầu tư như vậy. Cùng với nó là Chèo, là Cồng chiêng, là Quan họ. Còn chuyện tác phẩm văn học - nghệ thuật khi đã là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt, nó cũng phải theo quy luật cung - cầu. Vấn đề ở chỗ phải nâng cao trình độ người đọc để họ biết lựa chọn hàng có chất lượng.

 * Nhưng dư luận thì dường như quá nóng lòng, quá sốt ruột mong đợi những "tác phẩm đỉnh cao"…

- Sốt ruột, nóng lòng cũng không được. Chúng ta chưa có nhà văn lớn vào lúc này. Phải chờ đợi thôi. Tôi tin một ngày nào đó, văn học Việt Nam sẽ có tác phẩm xứng tầm như người ta thường nói. Mà chắc, ông (hay bà) nhà văn này không cần "đầu tư chiều sâu" gì đâu.

* Theo bà, hình thức đầu tư, hỗ trợ (nếu có) thì nên theo phương thức nào để có hiệu quả cho tác giả?

- Đây là việc của các nhà quản lý, tôi không dám lạm bàn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu có nhà văn gặp khó khăn về kinh tế hay đau ốm nặng, nên tài trợ như tài trợ cho một công dân. Còn tác phẩm thì họ sẽ tự lo.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.