VCCI đề xuất cơ chế duyệt phim mới, bãi bỏ phim nhà nước đặt hàng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/10/2019 19:17 GMT+7

Theo góp ý dự thảo luật Điện ảnh của VCCI, nên có cơ chế duyệt phim mới và bãi bỏ phim nhà nước đặt hàng.

Phim lãng phí

Ngày 1.10, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố văn bản góp ý dự thảo luật Điện ảnh. Trong đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, VCCI cũng đề nghị một cơ chế kiểm duyệt phim khác vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế.

Về phim sử dụng ngân sách nhà nước, VCCI cho biết nhận được nhiều phản ánh việc này lãng phí mà chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Rất nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng không có hoặc có rất ít người xem. Mục tiêu của chính sách này là thực hiện việc tuyên truyền thông qua tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, nếu không có người xem thì mục đích tuyên truyền không đạt được.

Chính vì vậy, theo quan điểm của VCCI, “điện ảnh vốn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, đầu tư cho sản xuất phim về phương diện nào đó không khác gì đầu tư mạo hiểm. Ngân sách Nhà nước không nên được sử dụng để đầu tư cho những lĩnh vực nhiều rủi ro và không đo đếm cụ thể được hiệu quả như vậy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước”.

Yêu cầu chỉnh sửa thái quá

Bên cạnh đó, theo VCCI, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh phản ánh thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp. Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim, chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch…

Cũng theo văn bản của VCCI, cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang là độc quyền. Theo luật Điện ảnh trước đây, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ VH -TT- DL, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình.

Theo VCCI, về lâu dài, việc thẩm định phim qua Hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí, sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả. Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim, thì 1 năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Kể cả khi thành lập thêm các hội đồng ở Hà Nội và TP.HCM thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước, cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới.

Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim mới. Theo đó, luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim. Luật cũng nên giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim, còn Bộ VH-TT-DL tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim.

Theo VCCI, phim chỉ nên được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.

“Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hoá sang cơ chế uỷ quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và Nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực, như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…”, VCCI dẫn chứng cho đề xuất của cơ quan này khi góp ý dự thảo luật Điện ảnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.