Vào rạp xem phim, phải chứng minh tuổi?

02/01/2017 07:00 GMT+7

Hôm qua, trang Facebook của CGV - hệ thống rạp chiếu lớn nhất VN hiện nay - đăng thông báo: Khán giả xem phim C13, C16, C18 cần mang theo giấy tờ tùy thân hoặc hình ảnh của giấy tờ tùy thân có ảnh nhận diện và ngày tháng năm sinh.

Đây là động thái “nhắc nhở” của hệ thống rạp này khi tiêu chí phân loại phim mới gồm 4 loại: P, C13, C16 và C18 đã bắt đầu được áp dụng tại rạp chiếu toàn quốc từ hôm qua 1.1.2017.
“Chúng tôi có thể gặp rủi ro, khán giả có thể chọn những rạp chiếu khác để xem phim một cách dễ dàng hơn. Nhưng đây là cách quản lý của chúng tôi, để kiểm soát được độ tuổi theo đúng quy định”, ông Vương Thế Phong, Quản lý khu vực phía nam của cụm rạp CGV, nói.
Trước đó, Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh đã phổ biến Thông tư Ban hành quy chế thẩm định, phân loại và cấp phép phổ biến phim, trong đó đưa ra tiêu chí phân loại phim mới đã được phổ biến tới tất cả hệ thống các cụm rạp. Với tiêu chí phân loại mới, các bộ phim sẽ được quy định để đáp ứng với nhiều độ tuổi khác nhau: P (phim được phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18). Tuy nhiên, không có văn bản quy định hay hướng dẫn cụ thể về việc kiểm soát độ tuổi của người xem, mà việc này phụ thuộc vào từng rạp chiếu.
Nhìn mặt đòi… xem giấy
Chiều qua, chúng tôi có mặt tại một trong những cụm rạp lớn nhất của Hà Nội. Hiện tại, chưa có bộ phim nào loại C18 và C13 chiếu tại rạp. Thông tư vừa được ban hành, hầu hết các bộ phim đang chiếu được phân loại theo tiêu chí cũ (phim phù hợp với mọi đối tượng khán giả hoặc phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi). Gần chục bộ phim cấm khán giả dưới 16 tuổi đang được chiếu: Liên minh sát thủ, Sát thủ bóng đêm, Người du hành, Thế giới ngầm - trận chiến đẫm máu (Mỹ); Biệt đội mãnh hổ (Trung Quốc), Vệ sĩ Sài Gòn, Ba vợ cưới vợ ba, Chạy đi rồi tính (VN). Hàng dài khán giả xếp hàng mua vé các phim này, nhưng không ai cần phải chứng minh đã đủ tuổi xem phim hay chưa. Nhân viên của rạp chiếu giải thích: “Chỉ khi nào thấy nghi ngờ chúng tôi mới yêu cầu khán giả xuất trình chứng minh thư hoặc giấy tờ tùy thân”. Chúng tôi tiếp tục tới một rạp chiếu khác, nhân viên bán vé cũng không hỏi tuổi hay tìm cách xác minh độ tuổi người mua vé. “Mua vé xem phim cấm khán giả dưới 16 tuổi không cần phải đưa chứng minh thư hay giấy tờ gì”, nhân viên này cho hay và nói thêm: “Nhìn mặt người mua mà “non” quá, chúng tôi mới kiểm tra”.
Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) chưa thể đưa ra cách kiểm soát độ tuổi của khán giả với tiêu chí phân loại mới. Trước đây, khi tiêu chí phân loại chỉ gồm loại dành cho mọi đối tượng và cấm khán giả dưới 16 tuổi, trung tâm dùng thước đo chiều cao để kiểm soát độ tuổi người xem. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng chiếu phim Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội), nhìn nhận: “Đây chỉ là cách làm tương đối vì nhiều đứa trẻ phát triển sớm, có khi ở lứa tuổi dậy thì đã cao hơn anh chị 16 tuổi. Chỉ khi nào nghi ngờ, chúng tôi mới yêu cầu kiểm tra”. Trước đó, khi chờ thông tư mới được ban hành, ông Cường đã đề xuất: “Nên có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các rạp chiếu, bởi chúng tôi đang loay hoay về việc kiểm soát độ tuổi khán giả sao cho đúng”.
Hồi hộp cảnh “nóng”
Nhiều nhà làm phim và công chúng còn chờ đợi, với tiêu chí phân loại mới, việc thẩm định cảnh “nóng” hay những cảnh có yếu tố bạo lực, kinh dị... sẽ được “mở”, không còn bị “cắt”, “sửa” như từng áp dụng với tiêu chí phân loại cũ.
Khi được hỏi về việc này, ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục Điện ảnh, trả lời rằng không thể nói là “mở” hay không “mở”. “Việc thẩm định phim phụ thuộc vào hội đồng thẩm định. Căn cứ vào từng bộ phim cụ thể, hội đồng mới xem xét, thẩm định theo đúng với quy định đã được đưa ra”, ông Duy Anh nói. Về yếu tố cảnh “nóng”, theo quy định, phim C18 không chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, trừ khi phù hợp với nội dung của phim; không chấp nhận các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ các trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim và không có thời lượng kéo dài.
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia, nhìn nhận: “Việc phân loại phim theo độ tuổi trên và dưới 16 tuổi đã lạc hậu, không còn phù hợp. Tiêu chí phân loại mới với 4 loại đáp ứng nhu cầu thực tế nhiều hơn và giúp việc thẩm định có hiệu quả hơn”.
Như vậy, từ thông tin của những “người trong cuộc”, có thể hiểu thông tư vừa mới ban hành nên chưa thể biết phim C18 ra rạp có được “mở” hơn trong các cảnh “nóng”, bạo lực, kinh dị… hay không.
Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) đưa ra hệ thống phân loại phim như sau: PG 13 - không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi, R - không dành cho người dưới 16 tuổi, NC-17 - không dành cho người xem dưới 17 tuổi. Khán giả xem phim phải mang thẻ căn cước đi kèm.
Tại Úc, có phân loại phim MA 15+ cấm khán giả dưới 15 tuổi và R 18+ cấm khán giả dưới 18 tuổi. Với những bộ phim được phân loại MA 15+, khán giả dưới 15 tuổi không được phép vào rạp chiếu trừ khi đi cùng với bố mẹ hoặc người giám sát đã trên 18 tuổi. Rạp chiếu sẽ xác minh độ tuổi trước khi cho khán giả vào xem phim. Giấy tờ xác minh là một bản photo giấy tờ tùy thân của người xem, hoặc của cả người giám hộ đi cùng.
Tại Anh, ngoài thẻ căn cước còn có loại thẻ xác minh độ tuổi như từ 12 - 15 tuổi, 16 - 18 tuổi, trên 18 tuổi. Tấm thẻ này được đưa ra khi cần xác minh độ tuổi cho việc sử dụng các phương tiện công cộng, chơi trò chơi điện tử, hay vào rạp chiếu phim. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.