Văn học tuổi teen thiếu “muối”

31/12/2012 03:35 GMT+7

Sáng tác theo cảm hứng cá nhân chứ không nương theo nhu cầu độc giả là một trong các nguyên nhân khiến sách cho tuổi mới lớn (tuổi teen) của các nhà văn Việt lép vế trên thị trường Việt.

Nhạt do đâu ?

“Ở nước ta, sách văn học cho tuổi mới lớn luôn trong trạng thái hụt hẫng. Đây chính là độ tuổi cần sách nhất nhưng lại thiếu sách nhất, đặc biệt là sách văn học”, ông Cao Xuân Sơn - Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM - nói. Khác hẳn thị trường sách ở nhiều nước, đặc biệt là thị trường u - Mỹ rất chú trọng phát triển dòng sách văn học teen với đa dạng về thể loại: kỳ ảo, kinh dị, rùng rợn, lãng mạn, tâm lý, trinh thám…, tại Việt Nam dòng văn học dành cho tuổi teen lại khép nép quy hoạch ở thể loại tâm lý, tình cảm, với cách thể hiện còn sơ sài, câu chuyện kém hấp dẫn, không thuyết phục.

Trò chuyện với nhiều khách hàng tuổi teen tại các nhà sách, phần lớn các em đều cho biết thích sách teen ngoại bởi sự lôi cuốn về câu chuyện và văn phong, mở ra những thế giới mơ mộng, giàu trí tưởng tượng. Trong khi đó, sách teen Việt đa phần mang nặng cảm xúc cá nhân của tác giả với những câu chuyện vụn vặt, không theo kịp tâm lý tuổi teen đương thời, không đáp ứng được nhu cầu của lớp độc giả mới lớn.

 Văn học tuổi teen thiếu “muối”

Văn học tuổi teen thiếu “muối” 1
Một số bìa sách teen hiện nay

Chị Nguyễn Thúy Loan, Trưởng ban Văn học NXB Kim Đồng, thừa nhận: “Có một sự cách biệt về khả năng và lòng đam mê của những người viết cho lứa tuổi teen Việt Nam và nước ngoài. Trường sức, kiên trì, không ngừng tìm tòi sáng tạo để có những tác phẩm dài tập thuyết phục độc giả là điều mà những nhà văn như Stephenie Meyer, Rachel Vincent… đã làm được. Còn với các tác giả Việt Nam, hầu hết mới chỉ dừng lại ở những câu chuyện kể thường tình, tập hợp thành tuyển ngắn hoặc vài ba tập truyện dài”.

 

Ở nước ta, sách văn học cho tuổi mới lớn luôn trong trạng thái hụt hẫng. Đây chính là độ tuổi cần sách nhất nhưng lại thiếu sách nhất, đặc biệt là sách văn học

Ông Cao Xuân Sơn - Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM

Ngoài ra, sách teen Việt cũng chưa thực sự được giới xuất bản và giới văn học chuyên ngành coi trọng đúng mức. Bằng chứng là không hề có một giải thưởng chuyên nghiệp nào dành riêng cho văn học teen để khích lệ và vinh danh các tác giả tiếp tục đi theo con đường sáng tác này. Tuy Báo Mực Tím, Áo Trắng có những giải thưởng thường kỳ cho thể loại sáng tác văn học teen, nhưng cũng không thúc đẩy được tác giả trẻ nào bật hẳn lên.  

Đậm bằng cách nào ?

Tại buổi hội đàm với các tác giả viết cho tuổi mới lớn tại TP.HCM do NXB Kim Đồng tổ chức vừa qua, không ít tác giả đã trăn trở về việc làm cách nào để sách teen Việt hấp dẫn bạn đọc.

Nhìn lại các tác giả Việt viết cho teen được độc giả yêu thích hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó nổi bật là nhà văn Phan Hồn Nhiên với các tác phẩm Máu hiếm, Những đôi mắt lạnh, Xuyên thấm... Thành công của chị bắt nguồn bởi việc chịu khó nghiên cứu tâm lý lứa tuổi teen, dám thử sức với thể loại viết mới - phiêu lưu kỳ ảo, đánh trúng tâm lý và nhu cầu của giới teen Việt. Một số nhà văn khác chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận với giới trẻ bằng cách thường xuyên trò chuyện, chat với lứa tuổi này và sử dụng ngôn ngữ của teen để bắt kịp hơi thở, lối sống và cách tư duy của teen…

Việc chịu khó gầy dựng tủ sách Tuổi mới lớn (nay là tủ sách Văn học teen và Cẩm nang sống teen) như NXB Kim Đồng đã, đang và tiếp tục làm suốt 10 năm qua với gần 500 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên cũng đóng góp được phần nào những thiếu hụt về sách văn học teen nội địa, xóa được một khoảng trắng đáng kể trên thị trường. Với tủ sách này, độc giả teen ít nhiều tìm kiếm được những đồng cảm nhất định qua các tác phẩm như: Alô, Ai đó, tôi đây? (Lưu Thị Lương), Chàng trai bí ẩn (Cát Tường), Quán ngủ ngon (Hoàng Anh Tú), Biển của những yêu thương (nhiều tác giả), Đi qua ngày bão (Võ Thu Hương), Đôi mắt cascadeur (Mộc Anh), Hè của cô bé mất gốc (Dương Thụy), Mọi cô gái đều thích hoa hồng (Bích Khoa), Nếu chúng mình nắm chặt tay nhau (Nguyên Hương)... Nếu các đơn vị xuất bản trong nước cùng có ý thức gây dựng một tủ sách teen như vậy, các tác giả sáng tác văn học teen cùng có ý thức tự trang bị những kiến thức cần có và chịu khó thử sức viết với nhiều thể loại khác nhau, văn học teen nội địa hẳn sẽ dần khẳng định được vị thế trên sân nhà. 

Ngọc Bi

>> Ra mắt tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp
>> Trẻ đọc sách

>> Mạo danh cán bộ y tế lừa bán sách
>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.