Văn hóa phải được coi trọng ngang kinh tế

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/12/2019 08:41 GMT+7

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu các mục tiêu văn hóa không còn phù hợp thì có thể thay đổi. Đặc biệt, nếu có thể lượng hóa mục tiêu thì nên lượng hóa để chiến lược rõ ràng hơn.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, mở đầu phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược văn hóa đến 2020, diễn ra chiều 25.12 tại Hà Nội, bằng câu chuyện về cái chửi. Ông Sơn vốn dị ứng với những câu chửi, cho đến khi ông đọc báo có tin một người bị tát vì nói người khác vô văn hóa. “Tôi lại thích câu chửi ấy đến thế. Thì ra văn hóa là thước đo phẩm giá con người. Khi bị nói là vô văn hóa, có nghĩa là người ta bị sỉ nhục kinh lắm. Và thế là, văn hóa rất quan trọng. Đó là lúc chúng ta thích nói về văn hóa. Đối với những người làm việc trong ngành văn hóa, chúng tôi rất thích điều đó”, ông Sơn nói.

Phát triển con người là số 1

Nếu văn hóa là nền tảng, nó phải được coi trọng ít nhất ngang kinh tế. Có nhận thức đúng rồi mới làm tốt đầu tư

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Sơn cũng mở rộng câu chuyện thành quan hệ con người với văn hóa. Con người, xét tới cùng, là văn hóa. Vì thế, theo ông Sơn, văn hóa được xem là lĩnh vực nhạy cảm nhất, xuyên suốt nhất của các lĩnh vực đời sống xã hội. Do đó, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế, giao thông... khi trục trặc gì thì lỗi cũng tại văn hóa. “Khi văn hóa gặp vấn đề, các lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, hoặc tích cực”, ông Sơn phân tích. Cũng theo ông Sơn, hiện tại, đô thị hóa, xu hướng cá nhân hóa đang gia tăng khiến cá nhân trở nên quan tâm đến mình nhiều hơn, ích kỷ hơn, từ đó tạo thành vấn đề với văn hóa. Thế giới ảo cũng chi phối thế giới thật nhiều hơn.
“Chúng ta cần khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm. Từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất, đến các tầng lớp xã hội phải khắc phục bệnh thành tích, giả dối, háo danh, sống hai mặt, đồng thời củng cố niềm tin vào những mặt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa”, ông Sơn bày tỏ.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), cũng đưa ra những con số khả quan về văn hóa đọc, phát triển thư viện để phát triển con người. Theo bà Ngà, việc kết hợp giới thiệu sách với tù nhân cũng mang lại hiệu quả tốt. “Tổng kết cho thấy, tù nhân thực hiện cải tạo tốt hơn nhờ đọc sách”, bà Ngà dẫn chứng.

Phát triển văn hóa đọc cũng là một cách để phát triển con người

Ảnh: Ngọc Dương

Con số khả quan

Tại hội nghị, nhiều lĩnh vực văn hóa công bố những con số phát triển khả quan. Chẳng hạn, ngành này đang triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người VN giai đoạn 2011 - 2030 gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Năm 2011, tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên là 24%, đến năm 2019 đã là 33%. Năm 2011, tỷ lệ gia đình tập thể dục thể thao thường xuyên là 16%, đến năm 2019 là 24%.
Về di sản, chúng ta có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Chúng ta cũng có 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, trong đó bao gồm 12 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách phi vật thể đại diện của nhân loại và 1 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, theo chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, đến nay, VN đã có 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Về bảo tàng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Dân tộc học VN, Bảo tàng Phụ nữ VN liên tục được trang du lịch Trip Advisor bình chọn vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Đặc biệt, năm 2018, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là đại diện châu Á duy nhất trong top 10 những bảo tàng tốt nhất thế giới do du khách bình chọn.
Trong giai đoạn 2009 - 2019, ngành cũng tổ chức 24 ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số. Hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc được phục dựng. Đã có hơn 30 làng, bản, buôn của 25 dân tộc thuộc 25 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn. Các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể do nghệ nhân đứng lớp cũng được tổ chức tại Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình...
Cũng theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, tính đến tháng 12.2019, cả nước có 204 cụm rạp gồm 1.050 phòng chiếu phim, với hơn 148.500 ghế. Doanh thu chiếu bóng đến cuối năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỉ đồng. Hiện, trong tổng số các phòng chiếu, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm gần 20%, thành phần tư nhân chiếm trên 80%. Với vùng sâu vùng xa, hiện cả nước có 264 đội chiếu phim lưu động, hằng năm chiếu phục vụ khoảng 50.000 buổi chiếu cho từ 9 - 11 triệu lượt người xem.

Điều chỉnh chiến lược nếu cần

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chiến lược phát triển văn hóa đã được ký ban hành từ 10 năm trước. So với hiện nay, điều kiện KT-XH đã thay đổi nhiều. Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 1.000 lên 2.700 USD. “Thị trường văn hóa trước mới manh nha chứ chưa rõ như giờ. Vì thế, chúng ta cần xem cái gì kế thừa được trong bối cảnh hiện nay, xem có công việc gì cần tập trung xử lý và đánh giá thì có thể thay đổi”, ông Đam gợi mở.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, tuy xã hội có kêu ca về việc đạo đức xuống cấp nhưng 10 năm qua, vẫn có những bước tiến văn hóa. Điều đó cũng thể hiện trên các số liệu. “Nhìn báo cáo mà xem, thống kê người tập thể dục cũng tăng. Nhiều người nói văn hóa không thể lượng hóa ra được, nhưng tôi nói có. Nghĩa là văn hóa cần thiết có thể lượng hóa được, vì lượng hóa được thì thuyết phục hơn”, ông Đam nói.
Ông cũng cho rằng đã có chuyển biến trong nhận thức xã hội về văn hóa. “Gần đây, các đồng chí cao nhất, Thủ tướng, Quốc hội... khi làm việc đều nhấn tới văn hóa. Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề văn hóa được chất vấn nhiều. Đó là mừng. Vì thường người ta nói là ở các nước đang phát triển thì nói đến kinh tế nhiều hơn. Chúng ta nhắc tới văn hóa thì đó là thể hiện bước phát triển”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về những yếu kém, ông Đam cho rằng, đánh giá cao văn hóa còn cần hành động. “Nếu văn hóa là nền tảng, nó phải được coi trọng ít nhất ngang kinh tế. Có nhận thức đúng rồi mới làm tốt đầu tư. Bảo vật quốc gia không mang cho dân xem được vì bảo tàng không có hệ thống an ninh tốt, sợ mất. May là tôi là Phó thủ tướng còn được xuống hầm xem”, ông nói.
Phó thủ tướng cũng nhắc nhở việc cân nhắc bảo tồn di sản văn hóa. “Phát huy và bảo tồn di sản văn hóa là thách thức lớn. Ta khai thác nó nhưng vì kinh tế mà làm hỏng di sản thì không được, sẽ có tội lớn. Hàng triệu năm mới thành ngọn núi, hàng ngàn năm mới thành dòng sông. Ngay phong trào nông thôn mới không chấn chỉnh kịp thời thì sẽ lấp hết ao bán đất lấy tiền”, ông nói. Phó thủ tướng nhấn mạnh về công nghiệp văn hóa. Đây là vấn đề mới và cần bàn kế hoạch cụ thể. “Chúng ta đã biết đây là ngành có thể làm ra tiền, nó còn là sức mạnh mềm để lan tỏa văn hóa. Ta đã bàn nhiều nhưng chưa rõ, chưa thấy khâu đột phá. Có người nói nên chăng phải chọn mũi ngành cụ thể. Tôi ví dụ thôi, có nên chọn ẩm thực không, cái này chiến lược phải rõ”, ông Đam dẫn ví dụ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.