Vận động hiến tặng hiện vật quý

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
09/08/2018 06:27 GMT+7

Các bảo tàng tại TP.HCM đang “đói” hiện vật mới, nhưng việc quy tập hiện vật về bảo tàng rất khó khăn, trong khi nhiều hiện vật quý đang bị bán trôi nổi hoặc “chảy máu” ra nước ngoài...

Vừa trở về sau chuyến đi Pháp tiếp nhận 20 bức tranh, gồm 18 tác phẩm gốc và 2 phiên bản của cố họa sĩ Lê Thị Lựu, ông Trịnh Xuân Yên - Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, không giấu được niềm vui. Bà Lựu là nữ họa sĩ VN đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (khóa 3) cùng với hai tên tuổi lớn là Trần Quang Trân, Nguyễn Gia Trí.
Ông Yên đánh giá: “Đây là bộ sưu tập tương đối hoàn chỉnh của một họa sĩ nữ thời Đông Dương, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, kinh tế… mà trước nay Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chưa từng có. Nếu căn cứ vào mức giá tranh Đông Dương của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm hiện tại - mỗi bức tranh của họ đã được mua gần 1 triệu USD - thì có thể hình dung được giá trị bộ sưu tập tranh của bà Lựu”.
Được biết, trước khi lâm chung, bà Lê Thị Lựu đã dặn con cháu tặng bộ sưu tập tranh này cho VN để phục vụ nền mỹ thuật quê hương. Thông qua việc khảo sát, tham quan trực tiếp và được bảo tàng vận động, gia đình cố họa sĩ đã ủy quyền cho bà Phạm Lan Hương và PGS-TS Lâm Nhân (TP.HCM) trực tiếp thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn thành ý nguyện của bà.
Cách đây hơn một tuần, ngày 30.7, đại đức Thích Minh Tông, trụ trì Bảo Tạng Chơn Ngôn tịnh xá (H.Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), mang vào Bảo tàng Lịch sử TP.HCM hiến tặng 17 hiện vật quý hiếm.
Vận động hiến tặng hiện vật quý1
Tác phẩm Cho em con mèo của cố họa sĩ Lê Thị Lựu vừa trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Ảnh: Quỳnh Trân
Tạo dựng niềm tin

Cách tốt nhất để người dân tìm tới tặng cho hiện vật là bảo tàng phải tạo niềm tin về việc phát huy được giá trị. Nếu đặt ở gia đình thì ít có người thưởng lãm nhưng thông qua bảo tàng, hiện vật trở thành tài sản quốc gia

ÔngTrịnh Xuân Yên - Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Ông Lương Chánh Tòng, Phòng Sưu tầm - Thư viện, tư liệu Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, kể lại: “Trong một lần tình cờ đến nhà nghệ nhân phục chế mũ mão vua Vũ Kim Lộc ở Q.1 (TP.HCM), tôi nghe ông nhắc đến tên một vị sư thầy ở Hòa Bình có lưu giữ nhiều hiện vật độc đáo. Sau thời gian nghiên cứu sơ bộ qua hình ảnh và tài liệu thầy gửi, tôi được biết số hiện vật này liên quan đến thượng thư Cao Hữu Dực và những vấn đề lịch sử vùng đất An Giang, Hà Tiên nên mạo muội đề nghị thầy trao cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM để có điều kiện giới thiệu ra công chúng. Sau một thời gian suy nghĩ, thầy đã đồng ý”.
Hằng năm, tại nhiều hoạt động triển lãm chuyên đề ở các bảo tàng đều phát động nhân dân tặng cho hiện vật, tuy nhiên số lượng hiện vật quy tập được qua những lần phát động ngày càng ít. Một nhà sưu tầm cổ vật lý giải: “Các hiện vật, cổ vật quý hiếm thường có giá trị rất lớn, nhà sưu tập lùng mua khá tốn kém và mất rất nhiều công sức nên rất khó vận động để tặng. Họ chủ yếu bán trên thị trường nên nhà nước phải mở rộng hầu bao kết hợp với… dân vận - có sự kết hợp của chính quyền với bảo tàng - thì mới may ra có được nhiều hiện vật mới…”.
Là người có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực này, ông Dương Phương Ninh - Trưởng phòng Sưu tầm Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP.HCM), cho rằng: “Ngoài thực trạng số lượng hiện vật ngày một khan hiếm thì việc vận động ở từng sự kiện, từng đơn vị mang tính chất đơn lẻ. Nên chăng ngành có sự phối hợp trở thành ngày hội trong nhân dân thì hiệu quả hơn”.
Trong lúc bảo tàng thiếu hiện vật thì ngoài thị trường, nhiều người không biết lại mang hiện vật đi bán với giá rất rẻ.
Từ kinh nghiệm của nghề, ông Trịnh Xuân Yên khẳng định: “Cách tốt nhất để người dân tìm tới tặng cho hiện vật là bảo tàng phải tạo niềm tin về việc phát huy được giá trị. Nếu đặt ở gia đình thì ít có người thưởng lãm nhưng thông qua bảo tàng, hiện vật trở thành tài sản quốc gia, có chế độ bảo quản cẩn thận, được công chúng và thậm chí cả thế giới biết đến. Chưa kể người chủ sở hữu hiện vật ở nước ngoài đa số có tâm lý hướng về nguồn cội nên phương pháp tiếp cận của các bảo tàng thông qua kênh… niềm tin này là cực kỳ quan trọng”.
Cần khen thưởng, tri ân xứng đáng
“Luật đã có quy định về việc trích tỷ lệ giá trị hiện vật để thưởng cho hành động giao nộp hiện vật phát hiện được trong quá trình khai quật, trục vớt… thì với hành động đẹp cho tặng hiện vật cũng nên áp dụng quy định này, ngoài hình thức khen tặng thông thường. Riêng đối với tài sản trị giá hàng triệu đô la thì nên có hình thức vinh danh, tri ân tương xứng người hiến tặng”, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.