Vàm Cỏ Đông tên có nghĩa là yêu

15/02/2021 18:30 GMT+7

Nếu nhạc sĩ Trương Quang Lục , một người quê Quảng Ngãi đã sáng tác ca khúc Vàm Cỏ Đông nổi tiếng qua mấy chục năm, thì cũng khó thể quên, lời thơ của ca khúc ấy cũng lại do một nhà thơ quê Quảng Ngãi sáng tác.

Đó là nhà thơ Hoài Vũ, quê Mộ Đức, người đã gắn bó với chiến trường Nam bộ, với sông Vàm Cỏ Đông rồi sông Vàm Cỏ Tây rất nhiều năm trong chiến tranh.

Mùi ký ức

Mỗi khi bài hát Vàm Cỏ Đông cất lên, tôi đều cảm nhận một luồng xúc cảm chạy rân rân trong người. Đơn giản, vì tôi đã sống cạnh sông Vàm Cỏ Đông phía thượng nguồn trong hai năm cuối cùng cuộc chiến. Khi tôi từ chiến trường Mỹ Tho trở lên Ban Binh vận R (Trung ương Cục), thì cơ quan tôi từ Campuchia đã dời về Tây Ninh, đóng bản doanh tại một khu rừng già bên sông Vàm Cỏ. Từ rừng, nơi chúng tôi cất nhà ở, ra bờ sông không xa, nhưng phải qua một rẫy cũ. Rẫy cũ, đất ít màu mỡ nên không còn được trồng củ mì, nhưng nhiều loại rau dại vẫn mọc tốt tươi, đặc biệt là rau cải trời, rau tàu bay, và đó là thức ăn hằng ngày của chúng tôi.

Vàm Cỏ Đông

duyên nào đưa tôi đến dòng sông
Vàm Cỏ Đông mùa nước đổ
cả con nước quằn lên, hào hển thở
lục bình trôi quá tốc độ lục bình
đây là nguồn sông anh biết không
mặt sông bằng bỗng nhiên nổi sóng
những cú rướn thiên la địa võng
dòng sông con thuồng luồng khổng lồ
đòi phá vỡ hai bờ đòi giải phóng
nước chuyển màu bỗng tràn năng lượng
thuở hồng hoang gầm rú rợn người

những ngày đó thiệt tình tôi không dám bơi
chỉ xớ rớ trên bờ như đứa trẻ
nhìn dòng sông kiểu con thơ ngóng mẹ
bao giờ sông hiền lại đây trời!

hiền ngay đây hiền ngay đây thôi
chợt những ngày yên lắng
bìm bịp kêu chiều vàng đập cánh
lục bình trôi một tiếng thở dài
tôi đâu biết dòng sông hiền là khổ

tôi ở cạnh sông hai năm trong đời
hai năm cuối cùng cuộc chiến
mở radio thì bài ca hiển hiện
Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ tôi

cứ nghĩ mình còn ở đây dài dài
nhiều lúc lặng ngắm dòng sông thiền định
nhiều khi bực đám lục bình bướng bỉnh
cứ trôi lên trôi xuống hoài hoài
như không cần biết tới ngày mai

làm sao biết rồi ngày mai ấy đến
chúng tôi cuốn tăng võng
theo đoàn quân về Sài Gòn
từ ngày đó tôi xa Vàm Cỏ Đông

nhớ mẹ nướng cho con củ khoai đêm gió lạnh
nhớ bác Tám mời uống ly rượu mạnh
rượu nấu gạo nhà men rừng
nhớ anh Chín Thế bẫy con heo to quá chừng
cơ quan liên hoan mấy ngày chưa hết thịt
nhớ nhà thơ Chim Trắng
lặn lội tìm dòng sông chia sẻ với em mình
thơ là nơi kết nối ân tình

suốt đời tôi không xa Vàm Cỏ Đông
dòng sông cùng tôi xuôi số phận
bao nhiêu là lận đận
mãnh liệt như sông vẫn lâm khổ nạn
mỗi con nước nhạt nhòa ám ảnh
mỗi lúc mình quên sông lại nhắc bao điều

Vàm Cỏ Đông tên có nghĩa là yêu

Thanh Thảo
(22.9.2020)
Ngày ấy, chỉ cần ra bờ sông Vàm Cỏ, là có thể hái được nhiều loại rau rừng mọc ken dày, những loại rau dễ ăn vì chỉ cần rửa sơ qua, chấm với nước muối, là thêm một món cho bữa cơm đạm bạc.
Tôi đâu có ngờ, mấy chục năm sau hòa bình, những loại rau rừng như bời lời, đọt choại, lộc vừng, trâm ổi, trâm sắng, bằng lăng, săng máu, lá cách, cóc dại... lại trở thành những loại rau đặc sản, được bán ở những siêu thị nổi tiếng tại TP.HCM. Đó là những loại rau không thể thiếu trong món “bánh tráng Trảng Bàng phơi sương” cuốn với thịt heo luộc và đủ loại rau dại.
Có lần tôi ra Hà Nội, bạn bè kéo vào một quán ăn ở đường Văn Cao, một trong nhiều quán ăn đặc sản Nam bộ do người Sài Gòn ra mở tại Hà Nội, tôi đã được ăn một bữa bánh tráng Trảng Bàng phơi sương cuốn rau dại bên sông Vàm Cỏ. Cảm giác món ăn này đầy hương vị sông Vàm Cỏ Đông, từ mùi nước, mùi lục bình, mùi dòng sông vào ban đêm, mùi cây rau dại hai bên bờ, và trên hết, là mùi ký ức những năm tháng chiến tranh. Khi đã có tuổi, chúng ta sống rất nhiều với những ký ức đủ loại. Với những người kháng chiến cũ như chúng tôi, thì ký ức chiến tranh luôn ở đầu bảng ký ức.
Sông Vàm Cỏ Đông ngày ấy, phía thượng nguồn, là dòng sông đặc biệt hoang dại mà bây giờ ta rất hiếm gặp ở những dòng sông Việt Nam. Mùa nước đổ, nhằm vào kỳ cao điểm của mùa nước nổi ở Nam bộ, sông Vàm Cỏ Đông trở nên đặc biệt hoang dã và khá dữ tợn. Thời điểm ấy, chúng tôi chỉ đứng trên bờ sông nhìn dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, không ai dám bơi qua. Nhà văn Hoàng Liên, bạn tôi, vốn là một đại úy hải quân trong quân đội Sài Gòn nhưng hoạt động bí mật cho cách mạng, một người bơi lội cực giỏi, cũng chỉ nhìn sông rồi lắc đầu. Cũng may là thời gian sông đặc biệt nguy hiểm như thế không kéo dài. Bỗng một ngày, sông Vàm Cỏ đột ngột hiền hòa trở lại. Những giề lục bình lại trôi bình thản, và chúng tôi lại thoải mái bơi lội trên sông để bứt lục bình về chấm mắm kho quẹt, một món ăn hấp dẫn với người nông dân Nam bộ, dĩ nhiên, với cả những Việt Cộng như chúng tôi.
Có những đêm, tôi được bạn bè làm “vận tải đường sông” chở thuyền máy cho ngao du trên sông Vàm Cỏ. Đêm trăng, dòng sông dịu dàng như thôn nữ, và chúng tôi mặc sức ngắm dòng sông, trong khi thuyền máy chạy ở tốc độ vừa phải. Tự nhiên, thấy mình gắn bó lạ kỳ với sông Vàm Cỏ. Trong chiến tranh, vẫn có những thời điểm khá yên bình, và chúng tôi tận hưởng những thời khắc thanh bình tạm thời như thế để sinh hoạt như một người nông dân sống cạnh dòng sông. Đó cũng là thời khắc tôi tích chứa được nhiều xúc cảm nhất, những xúc cảm sau này đi vào các bài thơ, các trường ca tôi viết có liên quan tới Vàm Cỏ Đông. Đó là cơ may không dễ gì có lại với một người làm thơ.
Được ở cạnh dòng sông là một diễm phúc
“Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông”
(thơ Bế Kiến Quốc)
Tôi được sinh ra bên một dòng sông nhỏ hẹp tên là sông Thoa, nhưng tôi được sống gần với nhiều dòng sông lớn như sông Hồng, sông Vàm Cỏ, sông Tiền… Những dòng sông ấy cho tôi rất nhiều năng lượng tích cực, như cách bây giờ người ta hay nói, những năng lượng đủ cho tôi sống và sáng tác suốt một đời.
Thời chiến tranh ấy, cơ quan tôi vẫn chăm chút đến cán bộ của mình, bằng cách dựng một ngôi nhà sàn nho nhỏ sát bờ sông Vàm Cỏ, dành cho những người cần được tĩnh dưỡng sau một thời gian bị bệnh. Tôi hay lân la ra nhà sàn chơi với bạn mình đang an dưỡng, và cảm thấy, được ở cạnh dòng sông là một diễm phúc.
Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là hai dòng sông sinh đôi, đẹp như một cặp thiên thần.
Năm 1973, tôi đã có dịp vượt sông Vàm Cỏ Tây trong một buổi hoàng hôn đầy đe dọa, vì tàu tuần duyên quân đội Sài Gòn chạy ào ào trên sông, súng đại liên từ tàu bắn xối xả lên ngọn cây trâm cao ngất, nơi tung bay lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Giải phóng miền Nam. Họ muốn bắn hạ lá cờ, nhưng không thành công. Lá cờ vẫn tung bay, và chúng tôi núp bên bờ sông, chỉ chờ tàu tuần duyên qua khỏi là chèo xuồng vượt sông. Khi ấy, sao Hôm vừa mọc.
Tôi đã từ sông Vàm Cỏ Tây tìm về sông Vàm Cỏ Đông, dòng sông đã khiến tôi nhớ suốt một đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.