Ứng xử với di sản chưa có danh hiệu: Không cứng nhắc với di sản 'chưa có nhãn mác'

27/05/2018 11:46 GMT+7

KTS Lê Thành Vinh (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho rằng những di sản đô thị chưa được xếp hạng di tích các cấp là di sản “chưa có nhãn mác” và cần được ứng xử một cách linh hoạt hơn.

Thời gian vừa qua có nhiều di sản đô thị bị đập bỏ, hay có nguy cơ bị đập bỏ. Nhà quản lý nói do chưa phải là di tích đã xếp hạng. Ông nghĩ gì về điều này?
Chúng ta đang khá cứng nhắc khi phân loại di sản. Trong không gian đô thị, từng công trình, từng cái cây đều có vai trò nhất định, có liên quan đến lịch sử, có giá trị văn hóa, thẩm mỹ khác nhau. Chính vì thế, có nhiều công trình trở thành nhân tố cấu thành di sản đô thị. Việc chỉ xếp di tích hay không di tích là không thể đánh giá đúng và bảo vệ hết được các công trình.
Nhiều công trình chưa phải di tích nhưng lại có vai trò quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị, tạo lập giá trị lịch sử, văn hóa của đô thị. Vì vậy, cần phải có những danh sách khác, những cách phân loại khác. Di tích là công trình cực kỳ đặc biệt, những công trình “chưa nhãn mác” kia có thể không có giá trị bằng nhưng lại nhiều hơn, đa dạng hơn và hợp thành không gian đô thị lịch sử. Cần nhìn nhận di sản đô thị rộng như vậy.
Không chỉ Dinh Thượng Thư có giá trị riêng nổi bật, nhưng lại không có danh hiệu, Sở VH-TT TP.HCM cho biết khi đề nghị làm hồ sơ danh hiệu cho nhiều di sản đô thị, chính những người ở đó từ chối, hoặc không từ chối nhưng không làm. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Vì chúng ta chỉ chia di tích và không di tích thôi, nên sẽ dẫn đến việc người ta không muốn đề nghị xếp hạng vì có những di tích bị “đóng băng” ở mức độ nhất định. Ở đây có 2 vấn đề: một là cần đánh giá đúng giá trị của những công trình dạng như vậy. Nó không phải di tích nhưng nó có những giá trị lịch sử, văn hóa rất rõ ràng. Hai là, quy định trong luật Di sản văn hóa chưa thật đầy đủ, cần phải điều chỉnh, quan tâm đến tất cả các yếu tố di sản chứ không chỉ là di tích. Hiện nay, luật Di sản văn hóa đã làm tốt các vấn đề của di tích nhưng những vấn đề của những cái có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng không phải di tích thì vẫn chưa bao quát hết được.
Cụ thể là gì, thưa ông?
Trong luật Di sản văn hóa, nên bổ sung các quy định chi tiết hơn về di sản đô thị, các nhân tố cấu thành di sản đô thị. Bên cạnh đó, trong phạm vi đô thị của mình, nhà quản lý đô thị cũng cần có những quy định phù hợp nhằm giữ lại giá trị của các nhân tố đã trở thành di sản. Ví dụ như Hà Nội đã có dự án thống kê, phân loại để bảo tồn các biệt thự Pháp. Biệt thự Pháp ở Hà Nội có phải là di tích đâu nhưng những người quản lý đô thị ở Hà Nội, trong góc nhìn của họ đã quan tâm đến nó. Họ nhìn ra giá trị những biệt thự Pháp đang đóng góp cho Hà Nội. Không chỉ riêng biệt thự mà cả những dạng công trình khác nữa. Đó chính là điều mà các nhà quản lý ở các góc độ khác nhau về đô thị, kiến trúc, văn hóa… cần ngồi lại bàn bạc, để cùng nhau đưa ra những quy định để bảo vệ những nhân tố của di sản đô thị, những giá trị tạo nên sắc thái, diện mạo riêng có, làm cho TP trở nên giàu có và phát triển bền vững hơn.
Trụ sở tòa án TP.HCM cũng đang được trùng tu. Người tham gia trùng tu là một KTS từng sống ở Sài Gòn. Ông có nghĩ trùng tu di sản đô thị là cơ hội kết nối những trí thức Việt kiều trở về không?
Việc kết nối của di sản có thể hiểu theo nghĩa rộng. Sẽ có người đóng góp tư liệu, có người quan tâm, có người có ý kiến, có người trực tiếp tham gia. Những di sản không được gắn mác đó có một sức mạnh rất ghê gớm là khả năng tạo mối liên kết bền chặt với cư dân và du khách. Cho nên, bất kể cái gì động chạm đến nó, làm hại nó, can thiệp đến nó đều tác động đến những người quan tâm đến nó. Sự gắn kết đó như một tiêu chí đánh giá giá trị của các công trình lịch sử. Việc thu hút số đông người quan tâm như vậy cho thấy công trình thực sự có giá trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.