Ứng xử với công trình văn hóa

23/07/2015 14:47 GMT+7

Thông tin Giáo hội Thiên Chúa giáo và bà con giáo dân sẽ tôn tạo lại nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) trong vài tháng nữa khiến cho đông đảo người dân thành phố cảm thấy ấm lòng.

Thông tin Giáo hội Thiên Chúa giáo và bà con giáo dân sẽ tôn tạo lại nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) trong vài tháng nữa khiến cho đông đảo người dân thành phố cảm thấy ấm lòng. Trên trăm năm qua, nhà thờ đã trở thành công trình văn hóa vật thể tươi đẹp, thân thiết của thành phố đến nỗi bất cứ một người dân nào cũng biết đến nơi này. Đặc biệt trong ngày Noel, nhà thờ là điểm giao lưu, gặp gỡ, tham quan của nhiều người, trong đó gồm cả bà con không phải là người có đạo.

Ứng xử với công trình văn hóa
Thời còn công tác ở một cơ quan thuộc quận 1, buổi chiều tôi thường đi bộ ngược đường Nguyễn Du, vào nhà thờ để tĩnh tâm. Tôi không theo tôn giáo nào nhưng vẫn thích bức tượng Đức Bà với đôi mắt từ bi, cái nhìn chan chứa tình cảm yêu thương, tha thứ. Nếp sống tâm linh phương Đông có văn hóa thờ mẫu. Tôi được sinh ra trên một quê nhà thờ mẫu - thờ Mẹ Thu Bồn, người Mẹ xứ sở. Thiên Chúa giáo du nhập từ phương Tây nhưng hình tượng Đức Bà cũng nằm trong tiềm thức văn hóa thờ mẫu ấy. Tôi thích đọc dòng chữ La tinh “Regina pacis, ora pro nobis” - Nữ vương hòa bình, cầu cho chúng tôi. Bỏ giày bên ngoài, tôi thường bước vào nhà thờ, ngồi vào chiếc ghế trước station (bệ thờ) Đức Bà. Không gian im ắng, ánh sáng vừa phải; tĩnh tâm chừng nửa giờ, chừng đó thôi cũng đủ để lòng mình bình thản lại.
Cả nhà thờ là một công trình văn hóa, kiến trúc tươi đẹp với những vật liệu đưa từ Pháp và Ý sang. Nhà thờ đứng trên một quảng trường đẹp, đã trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh của thành phố. Tiếc thay, có một số người vô ý thức đã đến đây, viết những dòng chữ phản cảm lên vách tường. Người ta muốn “quảng bá” cho mọi người biết rằng họ đang yêu nhau hay đang nhớ thương ai đó. Những dòng chữ xịt bằng sơn, vẽ bằng phấn thật khó tẩy xóa. Mà có muốn tẩy xóa cũng không xuể bởi tẩy xóa hôm này thì người ta lén lút viết lại hôm sau.
Mà không riêng gì nhà thờ Đức Bà, tất cả các công trình văn hóa, tâm linh của cả nước cũng đang chịu chung cái nạn dịch viết bậy vẽ bừa này. Ngôi chùa linh thiêng ở núi Non Nước (TP.Đà Nẵng) còn bị người ta đem dùi đục khắc tên hai người yêu nhau vào đá. Khắc tên xong, người ta sơn lên để chữ có màu nổi cho thiên hạ dễ đọc! Khu di tích hang động Mo So (tỉnh Kiên Giang) bị người ta chiếm dụng làm nhà ở và che quán xá trên mặt nước để kinh doanh; những dòng chữ viết bằng sơn ở đây còn... kinh khủng nữa.
Tôi chưa đi được nhiều ở phía bắc nhưng thấy tình trạng viết bậy, vẽ bừa lên những công trình văn hóa ở miền Trung và phía nam khá nhiều thì cũng mạo muội mường tượng ra thứ “văn hóa bình dân” này ở phía bắc chắc cũng có. Hóa ra, đang có một bộ phận người vô tình làm mất văn hóa ở những công trình văn hóa tâm linh - nơi chúng ta lấy làm tự hào và quyết tâm gìn giữ để làm những di sản văn hóa cho con cháu đời sau. Tiếc thay, bộ phận viết và vẽ như vậy lại tập trung vào những người khá trẻ, những người có học, nghĩa là có một trình độ văn hóa hẳn hoi!
Trên đây chỉ là chuyện viết bậy, vẽ bừa. Còn cái chuyện muốn đập bỏ một công trình để xây mới lại thì ghê gớm hơn nhiều. Vừa qua, thông tin được nhiều người quan tâm là Trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) có thể bị đập bỏ để xây ngôi trường mới. Tên ngày xưa do người Pháp đặt cho trường này là Collège de Can Tho, sau đó thời ông Diệm đổi là Trung học Phan Thanh Giản, sau giải phóng gọi là Trường cấp 3 thành phố, năm 1985 đổi lại là Trung học phổ thông Châu Văn Liêm. Trường được người Pháp xây dựng, đến nay đã được 98 năm, cùng thời với Trường trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho (Tiền Giang), là một trong hai trường cổ kính nhất của miền tây Nam bộ, xứng đáng trở thành một công trình văn hóa truyền thống của thành phố này.
Người Pháp luôn luôn cẩn trọng trong việc xây dựng; công trình nào gần đến 100 năm thì họ gửi cảnh báo và thậm chí cả công trình thiết kế cho những người được thụ hưởng. Tùy theo tình hình, người thụ hưởng có thể tôn tạo, trùng tu, phục chế hay đập bỏ. Có một vị ở Cần Thơ không hiểu làm sao lại quá hăng hái với sự đập bỏ này. Cứ theo ông, trường đã được sửa chữa sáu lần nhưng chẳng ra cái gì ráo, phải đập thôi! Người ta đồ chừng là các ông kêu nhầm thợ dỏm. Báo chí lên tiếng, may mắn được các vị lãnh đạo TP.Cần Thơ nghe ra. Quyết định sau cùng là chưa đập bỏ; nỗ lực trùng tu, tôn tạo, phục chế.
Dễ gì có những công trình trăm năm còn lại trên đất nước ta? TP.HCM còn lại những ngôi trường trăm năm cỡ như Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long cũ), Lê Hồng Phong (Pétrus Ký cũ), Lê Quý Đôn (Chasseloup Laubat cũ)... được tôn tạo, phục chế, trùng tu kịp thời; vẫn giữ được nét đẹp cổ xưa, vẫn được làm nơi dạy và học cực kỳ tốt. Đập bỏ một công trình trăm tuổi, xây mới một công trình với chất liệu kiến trúc hiện đại là chuyện dễ, hễ có tiền là làm được. Nhưng đập bỏ là làm mất đứt mạch nguồn văn hóa truyền thống của một ngôi trường, một công trình văn hóa. Mà cái gì đã mất vĩnh viễn thì không thể tìm lại được. Làm chuyện đập bỏ, xây mới một cách máy móc vội vàng là có tội với văn hóa, có tội với người xưa.
Tỉnh Quảng Nam có hai di sản văn hóa vật thể của thế giới, được Hội đồng UNESCO công nhận 16 năm qua. Phố cổ Hội An là công trình kiến trúc theo phong cách nhà ở Hoa Nam chỉ với vôi vữa, gạch ngói, gỗ mà tuổi thọ đã được 300 năm. Khu đền tháp Mỹ Sơn là công trình kiến trúc theo phong cách Hindu giáo toàn bằng gạch đá, đứng trơ gan cùng tuế nguyệt mà tuổi thọ đã được 1.300 năm. Hai nơi đã được bảo quản, gìn giữ khá tốt, trở thành hai điểm du lịch văn hóa hấp dẫn đối với khách nước ngoài. Nếu cứ ứng xử máy móc, cho rằng nó đã quá 100 tuổi phải đập bỏ y như ngôi trường Châu Văn Liêm kia để xây lên cao ốc hoặc lấy đất trồng... rừng thì còn đâu là di sản văn hóa của nhân loại?
Thật khổ khi cái nhìn và thái độ ứng xử của chúng ta ngày nay đối với những công trình văn hóa còn rất rẻ rúng. Đứng trước một công trình kiến trúc cổ, người cạn nghĩ thấy nó chỉ đơn giản là... gạch đá xuống cấp, cần phải đập bỏ, xây mới cho hoành tráng, phù hợp với thời đại mới. Người làm văn hóa và yêu chuộng văn hóa đích thực thì không bao giờ nghĩ như vậy. Họ yêu quý từng đường nét, từng viên ngói, từng cục gạch; qua đó họ yêu quý thông điệp của người xưa gửi trong công trình kiến trúc. Họ muốn giữ công trình lại, làm sao cho nó vẫn tồn tại, vẫn giống như ngày xưa. Bởi họ yêu truyền thống, họ sợ mất truyền thống - một giá trị vô hình mà con người thực dụng không có được.
Thông tin quốc tế đưa các hình ảnh những kẻ cực đoan dùng thuốc đạn kích nổ, dùng búa đập, dùng dây kéo đổ để phá hoại những vật thể văn hóa có tuổi đời trên 2.000 năm trong các bảo tàng của Irak và Syria mà họ chiếm được. Cả thế giới giật mình ngơ ngác, không nghĩ trên đời này lại có những người vô cảm, khinh bỉ giá trị văn hóa đến như vậy. Người ta yêu văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể vì nó tiêu biểu cho cái đẹp, làm nên giá trị tinh thần cho con người. Cho nên ai cũng cảm thấy căm phẫn trước những hành vi phá hoại ấy.
Nhân dân ta có quyền tự hào rằng đất nước ta có nền văn hóa truyền thống thâm hậu, có nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể tươi đẹp. Những giá trị văn hóa ấy đã được quốc tế công nhận và đang phát huy thế mạnh của nó, hấp dẫn khách du lịch muôn phương. Cho nên, phải có một sự ứng xử đúng mực đối với các công trình ấy, nhất là văn hóa phi vật thể. Sơn một màu sơn phản cảm lên công trình của người xưa đã là một việc không nên làm rồi. Đập bỏ là cái gì cần phải được xem lại, một cách cẩn trọng. Và tốt hơn hết là không đập bỏ. Còn xây mới? Xây ở chỗ khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.