Tượng kiểu Đài Loan trong chùa Bà Đá

11/02/2014 09:05 GMT+7

Tượng mới kiểu Đài Loan bỗng xuất hiện tại chùa Bà Đá (Hà Nội), che hết tượng cổ phía sau.

“Nhìn thì biết ngay là ngoại nhập”


Nhiều người dân vẫn lễ bức tượng mới này mà không biết đây chỉ là tượng đặt tạm cho một đàn tế - Ảnh: Ngọc Thắng 

Buổi lễ chùa đầu xuân của họa sĩ Lê Thiết Cương, một người am hiểu mỹ thuật cổ, bỗng trở nên đắng nghét. Ông đã không thể lễ và chiêm bái những pho tượng phật cổ tại chùa Bà Đá vốn rất thân quen với mình. Chúng đã bị một bức tượng mới, cao chừng một mét rưỡi, đặt giữa chính điện chắn hết tầm nhìn. “Một pho tượng mới tinh. Nhìn thì biết ngay là ngoại nhập. Một ban thờ cũng mới tinh. Hòm công đức đặt phía trước. Cảm giác vừa sính ngoại, vừa bịa ra một ban bất chấp lề luật. Tôi thấy tâm lý sính ngoại đã len vào cả chốn tâm linh chùa chiền”, ông Cương cay đắng.

Không chỉ ông Cương, nhiều người trong giới mỹ thuật cũng bức xúc không kém. Bức xúc vì họ đã được tiếp xúc với rất nhiều bức tượng đẹp, trong một hệ thống tượng đẹp của người Việt. Và họ hiểu, những bức tượng đó là sự trao truyền về thẩm mỹ, về triết học của người xưa. Một trong số đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, đã đưa hình ảnh chính diện Phật điện chùa Bà Đá trước khi có bức tượng phật bằng sứ nhập ngoại kia lên Facebook cá nhân của mình. Một không gian khác hẳn, đẹp hơn nhiều. Nó cũng chính là không gian được bảo tồn theo luật Di sản. Bởi đây chính là một di tích đã xếp hạng. Do đó, việc đưa bất cứ hiện vật lạ nào vào đây cũng phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, bà Phan Thị Tuyết Lan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Q.Hoàn Kiếm cho biết phòng không hề được thông tin về bức tượng trên. UBND quận chính là đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp của di tích này.

“Có nhiều cách để phá di sản của người Việt”, ông Lê Thiết Cương nói. “Chiến tranh tàn phá. Thời gian cũng làm kết cấu gỗ của chùa chiền bị hỏng. Thiên tai. Gần đây, sau thời bao cấp, chúng ta khá lên rồi, vẫn có phá di sản. Dù có tâm tốt nhưng thay hết những cái cũ bằng cái mới hơn thì vẫn là phá. Còn bây giờ, có một kiểu phá di sản mới là bê tượng mới vào chùa, che hết tượng đẹp đi”.

Về điều này, ông Cương có cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ. Trong tác phẩm Sáng giá chùa xưa của mình, ông Trứ cho biết: “Trong một ngôi chùa dù có vài chục hay vài trăm pho tượng thì phần cơ bản vẫn được tôn trọng. Và do đó dựa vào vị trí bày tượng có thể nhận ra từng pho vẫn là cần thiết khi chiêm bái. Hiểu được sự sắp xếp tượng trong một ngôi chùa cũng là dịp đi sâu và hiểu hơn thế giới tâm linh của người Việt, và rộng ra với những dân tộc theo đạo Phật thịnh hành ở phương Đông”.

Đưa vào tạm thời cũng sai luật

Trả lời báo chí, Đại đức Thích Chiêu Tuệ cho biết pho tượng theo mẫu Đài Loan này không để cầu nguyện hằng ngày mà chỉ khi có đàn, có lễ cầu an mới đem ra, xong lại phủ khăn cất đi. Nhà tu hành cũng cho biết mình bày đàn cúng từ ngày 8 đến 14 tháng giêng thì kết thúc. Sau đó, chiều rằm tháng giêng, sẽ đem tượng trở về Sóc Sơn.

 
Không gian chính điện chùa khi chưa có bức tượng lạ - Ảnh: Đức Bình

“Thầy bày đàn này theo tinh thần của Phật giáo. Đầu năm cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Tượng chỉ phù hợp khi bày đàn Dược sư. Khi kết thúc đàn thì rước về để ở thư viện. Trong bài trí tòa tam bảo của chùa không bao giờ có tượng Dược sư. Tượng không phù hợp trong việc thiết trí thờ cúng trong tòa chính điện”, nhà tu hành nói.

Về việc này, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nói: “Cái đó là sai rồi. Cần phải báo cơ quan quản lý nhà nước thôi. Chùa nào cũng phải có nguồn gốc của nó, chứ không thể cứ tự đưa cái này cái khác vào được. Kể cả đưa tượng vào làm lễ cũng vậy”.

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết: “Tượng ở chùa Bà Đá là di tích cấp TP. Chúng tôi cũng vừa biết thông tin và sẽ xử lý đúng theo pháp luật”.

Về việc chỉ đưa tạm tượng vào rồi sẽ dỡ đi khi đàn cúng xong, ông Tiến nói: “Chắc chắn là không đúng rồi. Kể cả đưa tạm vào cũng không đúng. Vì hiện vật khi đưa vào đó phải có đồng ý của cấp có thẩm quyền. Di tích này do quận - huyện quản lý trực tiếp. Nên quận - huyện phải kiểm tra và xử lý kịp thời”.

“Bây giờ tôi chưa nhận được ý kiến chính thức của quận. Tôi đã yêu cầu soạn văn bản, sáng 11.2, Sở sẽ gửi cho quận. Sau đó quận báo cáo lên. Nhưng tinh thần của Sở thì cương quyết làm theo luật. Cứ chiếu đúng luật ra làm, nếu đưa vào sai thì phải đưa ra khỏi di tích”, ông Tiến nói.

Trinh Nguyễn

>> Tượng Phật khỏa thân gây tranh cãi
>> Chàng Sơn rạn nứt vì tượng Phật
>> Bác tin đồn thất thiệt về tượng Phật khóc
>> Tượng Phật 300 năm tuổi bị mất trộm
>> Bộ tượng Phật gỗ 100 năm
>> Người xây tượng Phật trên núi Cấm
>> Truy xét thủ phạm trộm 6 tượng Phật cổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.