Tuần báo ‘Truyền bá’, bệ đỡ cho sự ra đời ‘Dế mèn phiêu lưu ký’

26/02/2021 09:00 GMT+7

Tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký làm say mê bao thế hệ độc giả của nhà văn Tô Hoài đã lần đầu tiên được xuất hiện trên báo Truyền bá , một tờ báo dành cho trẻ em.

Nhà xuất bản Tân Dân do Vũ Đình Long đứng chủ ra tuần báo Truyền bá, được giới thiệu trên trang bìa là “Tuần báo của tuổi trẻ ra ngày thứ Năm”. Tòa soạn của báo cũng là địa chỉ của Nhà xuất bản Tân Dân ở Hà Nội.

Dế mèn phiêu lưu ký in lần đầu trên báo Truyền bá

Là người có nhiều bài trên Truyền bá, trong Tự truyện, Tô Hoài còn nhớ là “nhà Tân Dân ra loại báo thiếu nhi dưới hình thức sách, tên là Truyền bá”. Mỗi số đều được in, đóng quyển như cuốn sách mỏng và in tên truyện chính lên trang bìa. Theo lời Vũ Bằng thì báo khổ nhỏ bằng bàn tay, mỗi số dày gần 40 trang. Xem trang 2 của số 46, ta biết được các số đã ra đầu tiên của Truyền bá. Theo đó số 1 là Con thiên lý mã (Lê Văn Trương), số 2 là Phần thưởng danh dự (Nguyễn Công Hoan), số 3 là Con dế mèn (Tô Hoài)…
Kỷ niệm của Vũ Bằng với tờ này rất đượm, vì nhà báo họ Vũ biết việc ra báo ngay từ khi báo chưa phát hành. Hồi ức với Truyền bá được ông kể lại trong Bốn mươi năm “nói láo”, qua đó còn cho thấy sự nhanh nhạy của chủ báo Vũ Đình Long. Số là lúc ấy Vũ Bằng làm thư ký Tiểu thuyết thứ Bảy. Khi báo này đã “chạy” tốt, họ Vũ nghĩ tới việc ra một tờ báo trẻ em và trình bày với ông Long. Thời điểm đó, tờ Cậu Ấm là báo thiếu nhi vừa đóng cửa. Tác giả của Thương nhớ mười hai nào biết rằng, ông Long đã chuẩn bị và có giấy phép xuất bản tờ báo thiếu nhi với tên gọi Truyền bá từ… hai tháng trước. Chẳng những thế, ông Long còn chuẩn bị bài bản đủ thứ cho Truyền bá, nào là vẽ maquette (maket), trình bày, mẫu chữ in, kế hoạch phát hành, rồi nội dung…

Số Truyền bá 46 (bên trái) và tranh minh họa truyện "Vua đen" trong Truyền bá số 117 ra ngày 2.3.1944

Ảnh: T.L

Để có thể ra quân là thắng, Truyền bá được in trước 3 số đầu, khi bán số 1 thì in số 4. Báo được độc giả nhanh chóng đón nhận, “đúng như mong mỏi, báo chạy dữ dội ngay từ số đầu”, vẫn lời Vũ Bằng cho hay.
Với Con dế mèn trên số 3 (ra ngày 10.10.1941, là ba chương đầu của truyện Dế mèn phiêu lưu ký sau này) do Nguyệt Hồ minh họa nơi bìa 1, cái duyên đến với Truyền bá và nhà Tân Dân của Tô Hoài được bắc cầu từ Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Công Hoan, khi ấy nhà văn mới 21 xuân. Vũ Đình Long đã mời Tô Hoài viết thử và sau khi phát hành được độc giả đón nhận. Thế là thừa thắng xông lên, ông chủ Tân Dân đặt hàng tiếp. Tô Hoài đã viết Dế mèn phiêu lưu ký (Truyền bá số 16 ra ngày 22.1.1942; và số 17 ra ngày 29.1.1942) dài gấp đôi Con dế mèn. Gợi ý cho đề tài tác phẩm sau này gắn liền với tên tuổi Tô Hoài, nhà văn còn nhớ là “có lẽ gợi ý khởi đầu là vì thuở nhỏ tôi giỏi chơi đúc dế ở bờ sông Tô Lịch”. Vậy là tác phẩm để đời của nhà văn lần đầu xuất hiện trên Truyền bá và đi vào tuổi thơ trẻ nhỏ bao thế hệ.
Nhiều tác giả quen thuộc với công chúng đã có tác phẩm góp mặt trên Truyền bá: Nguyễn Công Hoan, Thâm Tâm, Tô Hoài, Vũ Bằng, Ngọc Giao, Hoàng Cầm… Trong đó Lê Văn Trương, Tô Hoài góp mặt khá nhiều. Ngoài những tên tuổi trên còn ghi nhận có Mai Phương, Chiêu Đảm, Phạm Quang Định, Thanh Châu…
Theo tâm sự của Tô Hoài, hàng tháng nhà văn viết một truyện vừa cho trẻ em khoảng 50 trang viết tay, còn dài hơn thì san thành hai quyển. Riêng “dế mèn” thì có đến cả chục truyện và chưa in hết thì gặp Nhật đảo chính Pháp ngày 9.3.1945, rồi sự kiện tháng 8.1945 bản thảo thất lạc. Nói về nhuận bút khi viết cho Truyền bá, nhà văn của Cát bụi chân ai hồi tưởng lại kỷ niệm nơi Tự truyện khi “giao dịch” với ông chủ Nhà xuất bản Tân Dân Vũ Đình Long, một người giàu có và sòng phẳng tiền nong:
Câu chuyện giữa ông và tôi đại khái như sau:
- Chào ông.
- Xin chào ông. Ông đem quyển gì mới cho tôi?
- Thưa ông, tôi có cái truyện Truyền bá năm mươi trang khổ to thế này.
- Giấy nhường bản quyền đây, mời ông ký cho. Giá là năm mươi đồng.
- Năm mươi đồng ạ?
- Thưa vâng. Chúng tôi đương tính nếu tình hình có khó khăn nữa, sẽ tăng nhuận bút. Chiến tranh gay thật”.
Với tâm sự ấy, ta biết được Dế mèn phiêu lưu ký đã đưa lại cho nhà văn khoản nhuận bút 100 đồng, một món tiền khá lớn dạo ấy, vì Dế mèn phiêu lưu ký được đăng trên Truyền bá số 16 và 17. Riêng với Con dế mèn ở số 3, Tô Hoài cho hay mình nhận được 10 đồng nhuận bút mà lúc ấy “giá ba đồng một tạ gạo, mười đồng may được bộ quần áo Tây”.

“Dung nhan” của báo Truyền bá

Xem qua một vài số của Truyền bá, có thể thấy nội dung của một số Truyền bá thường được thực hiện theo khung: Truyện chính ghi trên bìa 1 sẽ là nội dung chính của số đó. Những truyện này có hình minh họa của họa sĩ Thịnh Đen hoặc Nguyệt Hồ đi kèm. Sau đó sẽ là các tin bài ngắn viết hoặc dịch, thơ… có chủ đề phù hợp lứa tuổi. Đồng thời còn có trò chơi, câu đố kèm giải thưởng ở 8 trang cuối với các mục “Đố bạn”, “Truyện tốc hành”, “Kịch vui”… Báo cũng có các tin quảng cáo nhưng không nhiều, chủ yếu là quảng cáo cho sách, báo của Tân Dân.
Đơn cử như ở Truyền bá số 46 có 36 trang với truyện Mưu Gia Cát của nhà văn Lê Văn Trương đứng vai chính. Tranh minh họa được thực hiện bởi Thịnh Đen. Nhân vật trung tâm của truyện là hai cậu bé Vi và Hoa, bạn thân của nhau, bảo vệ “thanh danh” cho nhau, cũng là bài học, câu chuyện giáo dục về sự ngay thẳng, cương trực, không ăn cắp vặt dành cho độc giả thiếu nhi. Ngoài ra, phần sau của số này là thơ Cáo và Thỏ (Chàng Sóc); bài dịch Một người thợ giỏi: Thầy giáo (V. Hugo, người dịch: Nguyễn Bá Thế); truyện Trong và ngoài tổ kiến (Vũ Hữu Tài); truyện Bình sữa (truyện nhi đồng của Pháp). Mục "Thường thức" dạy cách lau rửa chai thủy tinh, lau gương; Mục “Ở đâu? Tại sao? Ai? Thế nào?” cung cấp kiến thức bốn bể năm châu ngắn gọn như “Bộ sách dài nhất thế giới là bộ sách gì?”; lại có phần tranh vẽ một nét dạy cách vẽ con thỏ, cùng các câu đố của Tân Nam như: “Trong đen ngoài trắng như ngà,/ Các cô, các cậu, các bà cũng ưa” (Điếu thuốc lá)… Số này còn có cuộc thi thủ công làm chiếc chong chóng quay với vật liệu là bao diêm, que và sợi chỉ.
Dễ nhận thấy là nội dung các bài báo đều tập trung vào đối tượng phục vụ là trẻ em. Và mỗi tin bài đều có tính giáo dục nhất định. Cùng với đó là những tin bài ngắn cung cấp kiến thức, phát huy sự sáng tạo của trẻ nhỏ qua trò chơi.
Đề tài các số báo Truyền bá chủ yếu liên quan lịch sử, dã sử và đa phần là của tác giả người Việt, trong đó truyện dài chiếm phần lớn như Nguyễn Xí (số 80), Vua Quang Trung (số 149)... Hạn hữu có kịch, truyện dịch được lấy làm tựa chính của số báo… Truyền bá cũng làm báo Tết, số Tết là số 68 dày tới 80 trang.
Điểm rất dễ nhận diện ở bìa các số Truyền bá khi gần như xuyên suốt đều là tông màu đỏ kẻ ca rô. Về thời điểm ra đời của Truyền bá, tư liệu hiện nay không cho biết cụ thể và có những sai lệch. Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành) và Thư tịch báo chí Việt Nam (Tô Huy Rứa chủ biên) thông tin về Truyền bá giống nhau nhưng không ghi thời gian ra đời và chấm dứt hoạt động, tuy nhiên có ghi báo xuất bản mỗi tháng hai kỳ vào ngày 10 và 25. Thông tin này chưa đầy đủ vì đây là tuần báo, được ngay trang nhất của báo giới thiệu là ra ngày thứ Năm, chỉ vài số đầu ghi báo ra ngày 10 và 25. Xem Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 (Huỳnh Văn Tòng) thì cho biết về thời điểm ra đời của báo với số 1 ra ngày 25.7.1941. Điểm này có thể tạm chấp nhận vì tính từ số 3 ra ngày 10.10.1941 trở về trước thì nếu ra đều đặn không bị gián đoạn, số đầu của Truyền bá sẽ rơi vào hạ tuần tháng 9.1941. Nhưng thời đó, việc các báo do lý do này khác bị ra chậm là sự thường. Bản thân Nhà xuất bản Tân Dân đầu năm 1944 cũng phải di chuyển nhà in về Mục Xá (Hà Đông) và cũng làm Truyền bá bị ra chậm.
Về thời điểm chấm dứt hoạt động của Truyền bá, theo trí nhớ của Vũ Bằng thì “Truyền bá đóng cửa lúc Nhật Bản đánh Pháp cùng với Phổ Thông bán nguyệt san”. Tuy nhiên, theo file các số báo Truyền bá chúng tôi có được không đầy đủ, thì số báo chót trong các số báo chúng tôi có file lưu là số 188, ra ngày 6.9.1945, với truyện chủ đề Hươu, rím, khách của Thâm Tâm. Chẳng những thế, trang 31 của số này còn giới thiệu số 189 sắp xuất bản sẽ ra ngày 13.9.1945 với truyện Người Mường của Nam Cao.
Vấn đề thời điểm ra đời và kết thúc của Truyền bá, cần lắm được minh định bằng dẫn chứng cụ thể, thuyết phục.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.