Từ 'xướng ca' đến những ông hoàng, bà chúa...

20/07/2015 16:25 GMT+7

(TNO) Gần trăm năm trước họ được gọi một cách miệt thị là 'xướng ca vô loại'. Giờ họ được tung hô, sùng bái, có thể tự xưng là 'ông hoàng', 'bà chúa'. Họ là các ca sĩ, diễn viên, người của 'show-biz'...

(TNO) Gần trăm năm trước họ được gọi một cách miệt thị là 'xướng ca vô loại'. Giờ họ được tung hô, sùng bái, có thể tự xưng là 'ông hoàng', 'bà chúa'. Họ là các ca sĩ, diễn viên, người của 'show-biz'...

Vì sao phải đạo đức?
Thế giới âm nhạc đại chúng nước ta gần đây bỗng dưng “dậy sóng”, không phải vì chất lượng nghệ thuật mà chủ yếu chỉ vì những cử chỉ, hành vi được cho là “thiếu văn hóa” của các ca sĩ, nhạc sĩ. Chỉ lấy dẫn chứng những trường hợp gần đây nhất thôi, như vụ Đàm Vĩnh Hưng có những lời lẽ “giang hồ đại ca” với một “đàn em” trong một vụ giành “gà”, vụ một nữ ca sĩ cho con tè vào túi nôn hay vụ ca sĩ Tuấn Hưng chửi thề trên Facebook…
Tuấn Hưng văng tục trên Facebook chỉ vì không đồng ý với cách sắp xếp thứ tự xuất hiện trên sân khấu của ban tổ chức Bài hát yêu thích - Ảnh: BTC
Có người vì bênh vực các “thần tượng” của mình, cho rằng Facebook là chốn riêng tư nên có thể chân thật biểu lộ cảm xúc. Thế nhưng các ca sĩ, diễn viên, vận động viên nổi tiếng vốn không còn là người của riêng tư nữa rồi, họ là những người của công chúng, cũng gần như các quan chức hay các nhân vật chính trị. Và Facebook là mạng xã hội chứ không phải là tập nhật ký riêng tư.
Vì sao xã hội lại đòi hỏi các nghệ sĩ phải có đạo đức hay có “văn hóa”? Đơn giản vì đó là một vai trò xã hội của họ. Đơn giản là vì ngoài chuyên môn, tài năng, họ còn xuất hiện với công chúng bằng hình ảnh của họ (thế mới gọi là "show biz"). Phần lớn các nghệ sĩ thành danh đều là những người được hâm mộ, thậm chí thần tượng. Và chắc có lẽ không ai lại muốn thấy hình ảnh thần tượng của mình lại “khóa môi” nhà sư, thốt lên ngôn ngữ “chợ búa”, chửi thề hay cho con đi tè bậy…
Ra oai tác quái
Có thể thấy những “xì căng đan” trong giới biểu diễn thời gian gần đây chính là việc “ra oai tác quái” của những người tự cho mình là những “ông hoàng”, “bà chúa” trong lĩnh vực này. Cơ chế để hình thành nên thói kiêu căng hợm hĩnh của những nhân vật này chính là từ thói xưng tụng, sùng bái quá đáng của một bộ phận báo giới và công chúng dễ dãi.
Sự bộc lộ những thói xấu có khi cũng là một phương cách quảng bá tên tuổi của mình vì công chúng rất dễ nhầm tưởng đó chính là “phong cách” hay sự biểu lộ chân thật tính cách của người biểu diễn. Thế giới trình diễn, kể cả ca sĩ, diễn viên, cầu thủ, trên thế giới cũng đầy rẫy những người có lối sống lập dị, phát ngôn ngông cuồng, thậm chí hành vi vô đạo đức, thế nhưng ở đó dường như có rất ít những tài năng lớn mà tên tuổi có ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Đàm Vĩnh Hưng có những lời lẽ “giang hồ đại ca” với Quang Lê trong một vụ giành “gà” gây xôn xao dư luận vừa qua - Ảnh: TL
Lý do? Họ sợ đánh mất hình ảnh của mình. Đó là sự yêu mến, hâm mộ, thần tượng. Mà đó cũng tiền bạc. Chính vì vậy trong một cuộc tranh luận gần đây giữa hai tượng đài quần vợt là Boris Becker và Roger Federer, thì nhà quán quân người Đức đã nghi ngờ thiên tài người Thụy Sĩ là đóng giả đạo đức đã giữ hợp đồng quảng cáo, còn Federer thì đáp trả rằng: “Tôi thực sự cho rằng mình cần làm gương cho trẻ em”.
Ở đâu đó trên bậc thang…
Đi từ cái nhìn khinh miệt “xướng ca vô loại” đến sự tung hô “hoàng đế”, “hoàng hậu” là xã hội đã đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Ở cái thời phong kiến, ngoài việc chẳng biết xếp các ca kỹ vào cái nghề nào trong “sĩ nông công thương”, sự miệt thị cho giới này có lẽ còn từ ấn tượng, từ định kiến quá khắt khe từ lối sống của những người làm nghề ca múa.
Nhưng đến thời hiện đại thì các nghệ sĩ nổi tiếng quả là những ông hoàng của xã hội. Mỗi bước chân, mỗi động tĩnh, mỗi phát ngôn của họ, dù có tầm thường, ngớ ngẩn đến đâu cũng được báo giới và công chúng hứng lấy như những lời vàng ngọc. Và đó cũng chính là nguyên do vì sao mà những phát ngôn, những hành động “vô văn hóa” của họ lại mang đến sự thất vọng và lại bị lên án dữ dội đến thế.
Có lẽ chẳng có sự “xuống cấp về văn hóa” nào trong giới nghệ sĩ như lối nói “vơ đũa cả nắm”, mà chỉ là sự kém văn hóa của một số cá nhân cụ thể nào đó mà thôi. Bởi vì khi nói đến sự “xuống cấp” về văn hóa ắt phải nói đến cái thời “cao cấp” nào đó; bởi vì văn hóa không như những tài sản cụ thể, khi nói đến một người “vô văn hóa” thì không thể nói đến cùng người đó, người đã từng có thời “có văn hóa” nhưng nay đã đánh mất chúng như đánh mất một chiếc nhẫn kim cương…
Suy cho cùng, nhìn chung, có lẽ những người trình diễn cũng ở đâu đó cao thấp trên những bậc thang đi từ cực “xướng ca” đến cực những thần tượng, những “ông hoàng” của xã hội mà thôi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.