Tự truyện Ái Vân - Để gió cuốn đi: Vượt biên

06/05/2016 06:30 GMT+7

Lúc đầu ca sĩ Ái Vân đã viết hẳn 8.808 từ về 'Tập Hai' (người chồng thứ 2) của chị, 'câu chuyện chưa từng kể ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi đang được nhà nước có nhiều ưu ái'...

Lúc đầu ca sĩ Ái Vân đã viết hẳn 8.808 từ về "Tập Hai” (người chồng thứ 2) của chị, “câu chuyện chưa từng kể ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi đang được nhà nước có nhiều ưu ái”. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, “đọc lại tôi không thể chịu nổi, con trai tôi nếu đọc được phần này chắc chắn cũng sẽ không thể chịu nổi” nên chị đã quyết định xóa trắng mục này.
ca sĩ Ái Vân
Nghệ sĩ Ái Vân Ảnh: T.L
Từ bé cho đến năm 1990, hai chữ vượt biên là của ai đó chứ không phải của tôi. Vượt biên những năm 1980 là việc làm cực kỳ nguy hiểm vì phạm pháp.
Năm 1987 tôi sang Đức biểu diễn hơn một tháng, ban tổ chức hỏi: “Nguyện vọng Ái Vân muốn thế nào?”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi nói ngay: “Tôi muốn được đi học đạo diễn sân khấu ca nhạc”. Ngoài nguyện vọng thật này tôi còn “ủ mưu” thoát khỏi chàng Tập Hai vài năm (tức ly thân), sau đó muốn ly dị cũng dễ.
Cuối năm 1988 bên Đức báo sang đồng ý cho Ái Vân sang học. Tôi lên Sở Công an Hà Nội gặp chú Lê Nghĩa hỏi về trường hợp ly dị của tôi với chàng Tập Hai. Chú Nghĩa nói cách nhanh nhất để ly dị là phải ly thân. Nếu ly thân 6 tháng, làm đơn ly dị thì tự động đơn ly dị có hiệu lực. Tôi khấp khởi mừng thầm, nếu được đi Đức học thì việc ly thân của tôi sẽ thuận lợi, và vì thế ly dị cũng dễ dàng.
Tự tử
Thế rồi tháng 11.1989 bức tường Berlin đổ. Tôi lo quá. Không biết việc đi học của mình có ảnh hưởng gì không. May bên Đức người ta không thay đổi, việc đi học được ấn định là đầu tháng 1.1990. Bốn ngày trước giờ bay, anh Thanh, cán bộ Vụ Tổ chức của Bộ Văn hóa, bất ngờ tới nhà nói: “Vân ơi... Vân đưa cho mình xin lại vé máy bay với hộ chiếu”. “Sao thế hả anh?”. Ngần ngừ giây lát, anh Thanh nói: “Bây giờ Đức lộn xộn quá, phải hoãn em ạ”. Nhưng sau đó tôi biết, chàng Tập Hai đưa tôi đi chào mấy ông lãnh đạo Bộ Văn hóa, chở tôi về nhà là chàng quay lại ngay nói với các vị đó: “Đừng cho Vân đi học, cô ấy đi là sẽ vượt biên qua Tây Đức”.
Hôm sau anh tùy viên văn hóa Đức nhắn một người trong Bộ Văn hóa: “Vân ra bưu điện chợ Hôm nghe điện thoại”. Anh nói: “Tôi vừa biết tin ngày đi của chị bị hoãn. Chị biết nước Đức của chúng tôi đang lộn xộn như thế, nếu chị không giữ đúng ngày đi thì có lẽ tất cả hiệp định sẽ hỏng hết, chị sẽ không bao giờ đi được đâu”. Tôi sợ quá, hoang mang lắm, không biết thế nào. Tôi chỉ trông vào chuyến này thôi để vừa đi học vừa giải quyết chuyện gia đình. Tuyệt vọng. Tôi nghĩ chỉ có đường chết thôi.
Vượt biên
“Công tử Hà thành” Hà Quang Định, cha của Ái Vân
Tôi uống thuốc ngủ. Cũng là cái số. Mọi khi cu Vũ nằm với bà Khanh, bà giúp việc nhà tôi. Tự nhiên hôm ấy cu Vũ muốn vào chơi với mẹ. Nó vào phòng gọi tôi mãi, khóc ầm lên. Rất lâu bà Khanh mới vào và phát hiện ra tôi uống thuốc ngủ, bà hô hoán lên, chở đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Nam - Cuba để rửa ruột. Tôi sống được. Tỉnh dậy thấy chồng, chàng đưa ra xích lô đi về nhà, ghé tai tôi nói nhỏ: “Sau tự tử nhớ chết luôn đừng vào bệnh viện, bẩn ghê lắm”.
Cả nhà tôi thấy chuyện nghiêm trọng rồi. Ba tôi và anh Văn lúc ấy mới ở Sài Gòn ra tức tốc lên thẳng Bộ Văn hóa và đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn. Ba tôi nói: “Con tôi tự tử như thế chỉ vì không được đi học thôi. Bây giờ nếu không cho con gái tôi đi học thì ai đảm bảo con gái tôi không tự tử nữa?”. Anh Văn bồi thêm: “Các anh để cho người ta biết Ái Vân tự tử vì không được đi học thế này có phải mất chính trị không?”. Cuối cùng Bộ quyết định cho tôi đi học nhưng tôi phải làm đơn cam đoan: Một, không được trốn sang Tây Đức. Hai, không được đón con sang. Tôi đồng ý.
Thưa má, con đi…
Ở sân bay tôi ôm thằng con 4 tuổi tâm trạng rối bời, đi thế này không biết bao giờ mới gặp con. Thằng nhỏ khóc ngất, môi nó tím tái: “Không cho mẹ đi!... Mẹ ở nhà với con!”. Tiếng khóc của đứa con trai 4 tuổi nhói vào tim, cho đến tận bây giờ.
Đây là cuộc đi nước ngoài không bình thường, có thể hai năm sau trở về, có thể vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa. Để giải thoát cho tình duyên lần hai. Tôi không có lựa chọn nào hơn. Cuộc đi lần này quá nhiều trăn trở. Ba đã già, con còn nhỏ, má thì mắc bệnh. Lúc này má tôi bị mất trí nhớ, bệnh Alzheimer, má không biết gì cả, kể cả con cái má cũng không nhận ra. Buổi sáng trước khi ra đi tôi ôm má khóc, má cười nói: “Chị này sao khóc? Tôi đâu có giải quyết được gì”. Lúc đó muốn gào thật to: “Má ơi con Ái Vân đây, má không nhớ con sao?”. Má tôi ngồi đó cười nói như không. Mọi hạnh phúc hay khổ đau má không còn nhớ nữa, kể cả niềm vui bất tận, đắng cay vô bờ vừa trải má cũng không nhớ.
Tôi thương nhớ má vô cùng. Nhớ tuổi lên ba nằm chờ má đi diễn về, tranh nhau giành má. Nhớ tuổi lên năm má dạy những câu hát đầu tiên. Nhớ tuổi lên mười lần đầu ra sân khấu, má đứng sau cánh gà cho con khỏi run. Rồi những lần hát cho má nghe, những lần được nghe má hát. Má kiên trì uốn nắn cho các con gái của má từ Ái Loan đến Ái Thanh sao cho câu hát được tròn vành rõ chữ. Những đêm đông trời lạnh, mấy má con nằm chung, chăn hẹp phải đắp ngang, đắp ngang cũng không đủ, má nhường chăn hết cho mấy chị em. Hỏi má sao không đắp chăn, má cười, nói: “Má mập, không thấy lạnh!”.
Giây phút chia tay tôi ôm chặt má nghẹn ngào: “Thưa má con đi... con Ái Vân đi nhé má!”. Má cười tươi, nói: “Ừ, chị đi nhá, tí về mua bánh giò cho tôi nhá”. Nhớ lại giây phút ấy đến bây giờ hãy còn đau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.