Truyền thông Triều Tiên chỉ trích phim Hàn bóp méo sự thật

05/03/2020 21:58 GMT+7

Uriminzokkiri, cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên, bất bình vì cách xây dựng đất nước Triều Tiên không đúng sự thật trên màn ảnh xứ kim chi.

Hôm 4.3, trang Uriminzokkiri của Triều Tiên đã đăng tải bài viết thể hiện thái độ khó chịu vì cho rằng các bộ phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc đang thương mại hóa thảm kịch chia rẽ hai nước cũng như miêu tả không đúng về đất nước Triều Tiên. Thậm chí, bài báo còn khẳng định những khán giả thưởng thức loại nội dung phim như trên đều không biết xấu hổ và vô đạo đức.
Bài viết nêu rõ: “Gần đây, chính quyền và những nhà làm phim Hàn Quốc đã phát hành các bộ phim bịa đặt, vô lý và sai trái nhằm cố gắng tuyên truyền chiến lược riêng”. Tác giả bài báo còn khẳng định những tình tiết khắc họa Triều Tiên trong phim Hàn Quốc đều là sai sự thật, mang tính đả kích: “Đây là những hành động khiêu khích và sự xúc phạm không thể chấp nhận được”.
 

Hạ cánh nơi anh có nhiều chi tiết nhạy cảm liên quan đến Triều Tiên

ẢNH: CẮT TỪ PHIM

Uriminzokkiri nói thêm: “Thật đáng tiếc khi các nhà làm phim và sản xuất lại tạo ra những sản phẩm văn hóa xúc phạm Triều Tiên như vậy. Nghệ sĩ thì bỏ đi sự chính trực, nhân phẩm, lương tâm và bị mờ mắt bởi đồng tiền”. Trang tin kết luận: "Chính phủ và ê-kíp Hàn Quốc sẽ phải trả giá cho việc làm ra và phát hành những dự án hư cấu, sỉ nhục tình hình sáng sủa thực tế của Triều Tiên”.
Bài đăng không đề cập cụ thể phim hay người nổi tiếng nào, nhưng trang Korea Herald nhận định phía Triều Tiên đang ám chỉ đến hai tác phẩm đình đám Hạ cánh nơi anhThảm họa núi Baekdu.

Hạ cánh nơi anh có tình tiết Yoon Se Ri (Son Ye Jin) và Ri Jeong Hyeok (Hyun Bin) ra đồng nghỉ đêm vì tàu hỏa ngừng chạy

ẢNH: CẮT TỪ PHIM

Hạ cánh nơi anh (Crash Landing On You) là tác phẩm truyền hình hài lãng mạn của đài tvN, xoay quanh chuyện tình yêu kỳ lạ giữa nữ tài phiệt xinh đẹp người Hàn Quốc Yoon Se Ri (Son Ye Jin) và quân nhân Triều Tiên Ri Jeong Hyeok (Hyun Bin). Lương duyên của họ bắt đầu khi Yoon Se Ri tham gia nhảy dù nhưng vô tình bị cuốn vào lốc xoáy và rơi xuống Triều Tiên. Tại đây, cô gặp gỡ Ri Jeong Hyeok và phải sinh sống ở Triều Tiên, chờ thời cơ trở về Hàn Quốc.
Đứa con tinh thần của đạo diễn Lee Jung Hyo gây tranh cãi vì nhắc đến Triều Tiên như một quốc gia nghèo nàn, tụt hậu, thua xa nước láng giềng ở phía nam. Tác phẩm có một số cảnh nổi bật về Triều Tiên như làng xóm kém phát triển, tình trạng cắt điện diễn ra thường xuyên, giới thượng lưu được hưởng nhiều đặc quyền…
Trước đây, Hạ cánh nơi anh từng vướng lùm xùm tôn vinh một đất nước khép kín như Triều Tiên là nơi yên bình và đáng sống. Hồi tháng 1.2020, phim còn bị chính Đảng tự do Thiên Chúa giáo Hàn Quốc đệ đơn kiện vì lãng mạn hóa cuộc sống ở Triều Tiên và miêu tả quân đội đất nước này như những biểu tượng của sự hòa bình.

Phim Thảm họa núi Baekdu từng gây ra nhiều tranh cãi

ẢNH: POSTER PHIM

Trong khi đó, Thảm họa núi Baekdu (Ashfall) có phân đoạn liên hợp giữa quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên để ngăn chặn một vụ núi lửa phun trào. Đáng chú ý, tác phẩm có cảnh tòa nhà trụ sở chính của Đảng lao động Triều Tiên bị sụp đổ. Ý tưởng đánh cắp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để phá hủy ngọn núi lửa trong phim cũng là một tình tiết nhạy cảm.
Chưa hết, núi Baekdu (hay còn gọi là Paektu) có tầm quan trọng và là nơi linh thiêng trong văn hóa dân gian Triều Tiên. Do đó, việc bộ phim tập trung muốn phá ngọn núi này khó mà được dân chúng và truyền thông Triều Tiên “tiêu hóa nổi”.

Ông Kim Jong Un cưỡi ngựa trắng trên núi Paektu linh thiêng

ẢNH: AFP

Meari, một cơ quan tuyên truyền khác của Triều Tiên, cũng công bố một bài viết có nội dung tương tự như Uriminzokkiri. Meari tố những nhà làm phim Hàn Quốc đầy mưu mô khi “vu khống nền cộng hòa Triều Tiên và khiến nhân dân chúng tôi phẫn nộ”. Năm 2014, truyền thông Triều Tiên cũng thể hiện sự tức giận khi bộ phim The Interview hư cấu cảnh ông Kim Jong Un khỏa thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.