Trường Lạc giết vua hay trị bệnh cứu vua?

01/08/2021 06:17 GMT+7

Vụ án Trường Lạc giết vua chỉ được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Sử thần triều Nguyễn khi biên soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã hoàn toàn bỏ qua mà không bình luận gì.

Hậu duệ của hung thủ xem vụ án như chưa hề tồn tại cũng là một hành động dễ hiểu. Nhưng đứng dưới góc độ sử học đặt câu hỏi: Những cáo buộc đối với quý phi Nguyễn Thị Hằng và thái tử Lê Tranh đúng đến mức độ nào?
Trong Lê triều khiếu vịnh thi tập, Hà Nhậm Đại nói rằng thái tử vì thấy Lê Thánh Tông yêu mến mẹ con Kinh vương nên đã tiến hành trù yểm Thánh Tông. Khi vừa lên ngôi, ông liền giết chết mẹ con Kinh vương. Điều này hoàn toàn trái ngược với ghi chép trong chính văn của Đại Việt sử ký toàn thư. Một ngày trước khi băng hà, Lê Thánh Tông đã “tựa kỷ ngọc, lệnh cho hoàng thái tử lên nối ngôi”. Nếu thái tử trù yểm phụ hoàng của mình thì liệu nhà vua có tha thứ hay không?
Cứ cho rằng Lê Thánh Tông không hề biết đến việc trù yểm đó thì vẫn có một cáo buộc sai sự thật. Đó là việc giết mẹ con Kinh vương. Đại Việt sử ký toàn thư khẳng định, Kinh vương Lê Kiện vẫn còn sống chí ít là đến năm 1509 dưới thời Lê Uy Mục. Vì Lê Uy Mục hiếu sát, nghi ngờ, sai người dò xét 26 vương gia trong đó có Kinh vương Lê Kiện nên ông này đã trốn đi mất tích. Chính Lê Quý Đôn khi soạn Đại Việt thông sử cũng đã từng nhận xét “sách Khiếu vịnh thi tập chép rằng vì Vương được vua Thánh Tông yêu quý, mà bị vua Hiến Tông giết, là sai”.

Trường Lạc giết vua hay cứu vua ?

Trong sách Chuyện phiếm sử học, Tạ Chí Đại Trường đã cho rằng quý phi Nguyễn Thị Hằng không giết vua. Ông lập luận: “Thánh Tông không chết vì vợ bởi nếu thật như vậy thì tuyệt dòng Nguyễn Đức Trung”. Ông cho rằng căn bệnh của Lê Thánh Tông mới là chìa khóa giải thích hành động của quý phi. Theo ông, vết thương của Lê Thánh Tông không phải là bị thương vì chinh chiến. Bằng cớ là sử sách chép Lê Thánh Tông vẫn lành lặn khi từ Chiêm Thành trở về vào năm 1471. Lê Thánh Tông chết là vì bệnh phong thũng. Ông suy luận: “Phong thũng, theo cách hiểu thông thường, và của cả y sinh ngày xưa, là chỉ hiện trạng bệnh lở lói, cùi hủi. Vua không bị chiến thương như đã nói, mà sử quan lại có lời mào đầu là vua mắc bệnh nặng “vì nhiều phi tần quá”, vậy thì Thánh Tông đã mắc “bệnh xã hội”. Vua bị lở lói ở chỗ đó, hay khắp mình mẩy vì giang mai ở thời kỳ cuối?”. Ông còn nói rằng thực ra quý phi không phải giết vua mà là đang chữa trị cho vua: “Y giới Tây phương trước khi biết đến loại kháng sinh, đã chữa bệnh giang mai bằng hợp chất arsenic, y giới Đông cũng chữa bằng thạch tín (arsenic). Thái y viện đời Lê đã dùng vị mã tiền có thạch tín chữa cho Thánh Tông chăng? Vì thế mới có ghi nhận Trường Lạc hoàng hậu bôi “thuốc độc” (thạch tín) cho vua?”.
Tạ Chí Đại Trường còn suy luận xa hơn rằng Lê Thánh Tông đã mắc thứ “bệnh xã hội” đó do các cung nữ Chiêm Thành lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu đem tra cứu hai chữ “phong thũng” trong tài liệu y khoa Trung Quốc thì lại thấy nó chỉ dẫn đến một chứng bệnh khác không phải cùi hủi (ma phong) mà là bệnh gout (thống phong). Bệnh này thì chẳng liên quan gì đến tình dục mà là do thận không lọc được axit uric. Người mắc bệnh này cũng có nguy cơ bị lở loét và đương nhiên không cần phải chữa bằng thạch tín. Sử quan thiếu tra cứu về y học nên thường tùy tiện gán nguyên nhân bệnh tật của đế vương là do tình dục. Vua bị trĩ (Lê Ngọa Triều) là do hoang dâm vô độ, vua bị gout (Lê Thánh Tông) là do hoang dâm vô độ, thậm chí đến vua bị bướu cổ (Lê Hiến Tông) cũng là do hoang dâm vô độ (cái cuối là do Hà Nhậm Đại nói ra). Vấn đề nằm ở chỗ, bệnh gout chắc chắn không phải thứ bệnh có thể làm chết một người trong vòng chỉ hơn hai tháng, trừ phi có ai đó len lén bôi độc vào vết loét. Cáo buộc dành cho quý phi Nguyễn Thị Hằng sẽ thành định án, nếu như không có ánh mắt sắc bén của một nhà nghiên cứu Nga.

Phát hiện bất ngờ từ một nhà nghiên cứu Nga

Khi nghiên cứu các bản in Đại Việt sử ký toàn thư dưới góc độ mộc bản, một nhà nghiên cứu Nga là Fedorin đã chỉ ra chỗ bất thường trong lời bàn luận của Vũ Quỳnh. Ông nói rằng đoạn thông tin về việc Trường Lạc giết vua là rất đáng ngờ. Fedorin nhận xét rằng nó “là đoạn thêm vào về sau, hơn nữa lại rất thô, bởi vì lời bàn bị hòa với thông tin thực, là điều mà trong bộ sử không bao giờ còn gặp thấy hơn nữa. Độ xác thực của thông tin này rất đáng ngờ và bất luận thế nào cũng không thể gán cho Vũ Quỳnh là người chắc chắn lập tức sẽ phải trả giá mạng sống của mình vì những lời lẽ như vậy”. Ông phán đoán rằng đây là hành động của sử gia nhà Mạc.
Thực vậy, bộ sử của Vũ Quỳnh đã dừng lại ở năm đầu thời Lê Thái Tổ. Toàn bộ lời bàn được gán cho Vũ Quỳnh về cơ bản giống với phần dẫn của Hà Nhậm Đại về Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, ở đó, người giết vua không phải Trường Lạc hoàng hậu mà là Trường Lạc công chúa. Đó chắc chắn không phải lỗi sao chép vì trong phần thơ vịnh có câu: “Nữ tử yên tri thị họa thai” (Đứa con gái ấy nào ngờ là bào thai mang mầm họa). Văn bia thần đạo của Lê Thánh Tông kể 20 người hoàng nữ, trong đó không có ai từng được phong Trường Lạc công chúa. Cáo buộc Trường Lạc giết vua chỉ là vu cáo mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.