Trùng tu 'trái tim' Mỹ Sơn

Hữu Trà
Hữu Trà
06/04/2020 08:00 GMT+7

Những ngày qua, các công nhân, kỹ thuật viên, chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ tiến hành trùng tu nhóm tháp A ở Khu đền tháp Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam). Nhóm tháp này, trong đó có đền tháp A1, là kiệt tác kiến trúc Chămpa, được ví như “trái tim” Mỹ Sơn.

Trùng tu tháp A10 để rút kinh nghiệm

Theo Ban Quản lý (BQL) di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, nhóm tháp A nằm ở trung tâm Khu đền tháp Mỹ Sơn, bao bọc xung quanh là các bức tường gạch dày hơn 1 m, trong diện tích gần 3.000 m2, gồm các tháp A1, A8, A10, A11, A12, A13. Trong năm 2020, theo kế hoạch trùng tu đã được phê duyệt và thống nhất với các chuyên gia Ấn Độ, các tháp A8, A11, A10 được ưu tiên trùng tu trước.
Ông Lê Văn Cường, chuyên viên phụ trách kỹ thuật bảo tồn thuộc BQL di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, cho biết do đền tháp A1 là kiệt tác kiến trúc độc đáo nhất ở châu Á và có sự khác biệt so với các đền tháp khác ở Mỹ Sơn (có tới 2 cửa ra vào, 1 ở hướng tây, 1 ở hướng đông) nên BQL và các chuyên gia Ấn Độ thống nhất để lại, chưa trùng tu. Trong khi đó, “Đền tháp A10 có kết cấu, kỹ thuật tương tự đền tháp A1 nhưng chỉ có 1 cửa ra vào ở hướng tây và xuống cấp nặng nề hơn nên được ưu tiên trùng tu trước. Từ kết quả trùng tu đền tháp A10, sẽ rút ra kinh nghiệm, đánh giá quy trình, đưa ra phương án trùng tu hiệu quả nhất cho đền tháp A1”, ông Cường chia sẻ.
Cuối tháng 3.2020, trên công trường trùng tu nhóm tháp A, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, có cả trăm công nhân, nhân viên kỹ thuật, chuyên gia tập trung trùng tu các đền tháp A10, A8, A11 và hệ thống tường bao xung quanh. Kể từ ngày 16.3, khi tỉnh Quảng Nam quyết định tạm dừng tham quan Mỹ Sơn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng là lúc công việc trùng tu được thúc đẩy nhanh hơn nhằm sớm có thêm không gian mới cho du khách tham quan, chiêm ngưỡng khu đền tháp được ví như “trái tim” của Mỹ Sơn. Theo ông Phan Hộ, Giám đốc BQL di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tại đền tháp A10, sau khi trùng tu sẽ dựng lại các cột đá trang trí, sắp xếp các bệ thờ bên trong đền.
Trùng tu 'trái tim' Mỹ Sơn1

Trụ đá trang trí này được người Pháp để lại trong khuôn viên khu A, sẽ được dựng lại trong đền tháp A10

Sẽ hoàn chỉnh khu A vào năm 2021

Việc huy động nguồn nhân lực lớn để trùng tu nhóm tháp A, hệ thống tường bao, hệ thống thoát nước trong và ngoài khu A trong năm 2020 thể hiện quyết tâm cao của Quảng Nam trong việc bảo tồn các đền tháp quý giá còn sót lại ở Mỹ Sơn. Qua thời gian và chiến tranh, các đền tháp ở khu A, trong đó có đền tháp A10, A8, A11 và hệ thống tường bao hư hỏng nặng nề. Sau khi hoàn chỉnh trùng tu phần đế, các chuyên gia sẽ dựng lại 4 trụ trước cửa để du khách dễ hình dung sự uy nghiêm của các đền tháp Mỹ Sơn.
Trùng tu 'trái tim' Mỹ Sơn2

Công nhân đang trùng tu đền tháp A10 để rút kinh nghiệm trùng tu A1

Về cơ bản, những quan điểm và định hướng bảo tồn, trùng tu các di tích tại Mỹ Sơn được áp dụng từ giai đoạn trước vẫn được thống nhất và tiếp nối. Theo ông Phan Hộ, ở nhóm tháp khu A, trong đó có đền tháp A1 vẫn thực hiện theo phương pháp trùng tu khảo cổ học, tương tự cách đã làm ở các nhóm tháp K, H. “Quan điểm chung của chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam là không làm thay đổi hiện trạng, trùng tu phục hồi một phần di tích, chống đổ vỡ, xuống cấp”, ông Phan Hộ cho biết thêm. Cũng theo ông Hộ: “Nhóm tháp A cực kỳ quan trọng, có giá trị lớn về nghệ thuật, kiến trúc. Do đó, việc nghiên cứu và trùng tu ở đây được tiến hành hết sức thận trọng, khoa học”. Việc trùng tu nhóm tháp khu A và đền tháp A1 dự kiến sẽ tốn rất nhiều thời gian, do tính phức tạp cao hơn nên yêu cầu phải thận trọng hơn về kỹ thuật.
Kinh nghiệm từ thực tiễn trùng tu đền tháp A10 sẽ là cơ sở để tiếp tục triển khai trùng tu hoàn thành các đền tháp A1, A12, A13 trong năm 2021. Sau khi hoàn thành trùng tu cả khu A, sẽ làm các lối đi để hạn chế tối đa tác động của du khách lên khu đền tháp, tiến hành phân loại hiện vật và trưng bày dọc theo các lối đi này…
Đền tháp A1 từng cao nhất ở Mỹ Sơn
Theo ghi nhận của các chuyên gia khảo cổ người Pháp vào năm 1885, tháp A1 còn gọi là tháp Chùa, cao 24 m (cao nhất trong tổng thể 72 tháp ở Khu đền tháp Mỹ Sơn) thuộc phong cách kiến trúc Mỹ Sơn A1, được xây dựng vào thế kỷ 10. Tháp này được mở 2 cửa, một cửa quay về hướng đông - hướng của thần và cửa quay về hướng tây - hướng về ngôi đền ở khu B, C, D. Xung quanh tháp chính có 7 tháp phụ, trong lòng tháp thờ bộ sinh thực khí linga - yoni rất lớn… Theo BQL di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, giá trị làm nên kiệt tác kiến trúc tháp A1 chính là giá trị nghệ thuật được thể hiện qua kiểu dáng kiến trúc, phong cách nghệ thuật thời hoàng kim Chămpa, nổi bật với kiểu dáng hoa văn hình chữ S, thế kỷ 10. Năm 1969, khu A gồm 17 đền tháp, trong đó có tháp A1, bị bom B.52 tàn phá, chỉ còn phần đế tháp.
Dự án trùng tu nhóm tháp K, H, A do chính phủ Ấn Độ tài trợ 50 tỉ đồng và 10 tỉ đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam, triển khai từ năm 2015 - 2021. Sau khi khảo sát, đánh giá thực địa và mức độ hư hại của các di tích, dự án chính thức triển khai từ năm 2016; các tháp K, H đã hoàn thành và đưa vào khai thác, phục vụ du lịch từ năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.