Trưng bày 3D bảo vật quốc gia trên mạng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/09/2021 06:22 GMT+7

Từng chi tiết của các bảo vật quốc gia được đánh số với thông tin chú thích kỹ lưỡng trong trưng bày chuyên đề số của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chiếc trống đồng Ngọc Lũ giờ không còn là một hình ảnh đen xám 2 chiều trên giấy. Khi nhấp chuột vào trưng bày 3D bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì chiếc trống hiện lên, quay tròn hoặc dừng lại, tự thấp xuống hoặc cao lên để người xem có thể ngắm từng chi tiết nhỏ. Các chi tiết quan trọng cũng được đánh số. Chẳng hạn, nếu bấm vào số 1 trên trống, người xem được chiêm ngưỡng hoa văn mặt trời giữa mặt trống cùng chú thích “Chính giữa mặt trống là họa tiết hình mặt trời 14 tia, xen giữa các tia trang trí hoa văn lông đuôi chim công”. Trống Ngọc Lũ có 10 chú thích như vậy.
Ngoài ra còn có những video ghi lại ý kiến người nghiên cứu nói về trống, những bài báo hay sách viết về chiếc trống này. Bài trắc nghiệm nho nhỏ được thiết kế để người xem có thể xem mình hiểu về trống đến đâu… “Chúng tôi đưa lên một lượng thông tin khổng lồ về các bảo vật quốc gia”, TS Nguyễn Viết Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói trong buổi họp báo giới thiệu các trưng bày số của bảo tàng vào hôm qua (15.9).
Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng đi đầu trong việc làm bảo tàng số từ năm 2013, nhưng bản này nhiều công sức hơn và cũng thân thiện hơn với người dùng. Nếu như ở những bản trước, người xem chỉ có thể xem hình dáng hiện vật kèm một chút thông tin, thì ở đây thông tin được chia nhiều loại hơn, cũng tỉ mỉ hơn.
TS Nguyễn Viết Đoàn cho biết thêm có những hiện vật vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Chẳng hạn, về chiếc bình thiên nga bảo vật quốc gia, hiện có 2 quan điểm: người cho rằng nó là gốm Chu Đậu, người lại cho nó là gốm lò quan. “Chiếc bình này được tìm thấy trên tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Các quan điểm hiện nay đều khẳng định sự quý giá của nó. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung dữ liệu tiếp”, ông Đoàn nói.
Trong quá trình hoàn thiện này, nhóm thực hiện cũng sẽ dần “gia cố” thêm phần đồ họa. Chẳng hạn, phần game tương tác cũng sẽ được thiết kế để trở nên sinh động, thân thiện hơn. “Chúng tôi sẽ dần dần hoàn thiện ứng dụng”, ông Hoàng Quốc Việt, Công ty giải pháp phần mềm Vietsoftpro, nói. Đơn vị này là đối tác kỹ thuật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia để thực hiện trưng bày ảo.
Tính tới nay, các bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được trưng bày khá khác nhau: có hiện vật được đặt ở trưng bày thường xuyên, có hiện vật thỉnh thoảng mới được mở kho mang ra.
Chính vì thế, việc đưa 20 bảo vật quốc gia thành nhóm và trưng bày chuyên đề mở ra cơ hội để công chúng có thể chiêm ngưỡng. Điều này cũng phù hợp với định hướng của Bộ VH-TT-DL và UNESCO về việc phát triển các ứng dụng số cho bảo tàng, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Hiện cùng với trưng bày bảo vật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng có chương trình tham quan trực tuyến bảo tàng (tourday online) do các tình nguyện viên thực hiện và chương trình giờ học lịch sử online phát triển từ nhóm yêu lịch sử của bảo tàng. Những chương trình này đều nhằm đa dạng hóa các hoạt động của bảo tàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.