Trở về để truyền cảm hứng sáng tạo, khám phá

Nguyên Vân
Nguyên Vân
20/01/2019 10:57 GMT+7

Khán giả TP.HCM vừa có buổi thưởng thức và trải nghiệm âm nhạc thú vị, mới mẻ cùng 2 nghệ sĩ gốc Việt: Vân-Ánh Võ (Vanessa Võ) - người mang âm nhạc dân tộc VN đi khắp thế giới, đoạt giải Emmy năm 2003; và nghệ sĩ trumpet Cường Vũ - 2 lần đoạt giải thưởng âm nhạc Grammy.

Trong buổi diễn hôm 16.1, nghệ sĩ (NS) Vân-Ánh Võ cùng dàn nhạc Blood Moon với những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng... và đặc biệt cùng rapper, vũ công breakdance, tạo nên những màn biểu diễn đầy tương tác. Chị còn chia sẻ với khán giả những câu chuyện gắn liền với bài chuyển soạn hay sáng tác của mình, như huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, hình ảnh cây tre VN, vì sao có điệu lý dành cho cây đa…
NS trumpet Cường Vũ đưa khán giả đến một thế giới mới với âm nhạc trong đêm Cường Vũ Trio Live hôm 18.1.
Hai NS đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện về niềm đam mê, sáng tạo và khát khao truyền cảm hứng cho giới trẻ qua âm nhạc họ biểu diễn cũng như mang về VN.

Góp tay xây những chiếc cầu kết nối văn hóa

Trước khi về nước biểu diễn cũng như giữ vai trò giám đốc nghệ thuật của Jazz through time (với anh Cường Vũ) hay Hear the world (với chị Vân-Ánh Võ), anh/chị đã tìm hiểu về nhu cầu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ VN, nhất là với thể loại không “đại chúng” như jazz, world music?
NS Cường Vũ: Thật ra tôi cũng không nghe jazz, tôi chỉ nghe những nghệ sĩ nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của dòng nhạc này. Gần đây tôi tìm về quá khứ và nghe nhạc cổ điển như Bach, Beethoven… Tôi cũng có tìm hiểu và nghe thử âm nhạc đương đại, những thể loại âm nhạc giới trẻ hiện nay hay nghe để xem những chất liệu nào đang được yêu thích, dòng chảy âm nhạc hiện nay như thế nào. Với Jazz through time, tôi hy vọng người trẻ, những người luôn khát khao khám phá, có thể cùng lắng nghe, cảm nhận và biết đâu sẽ được truyền cảm hứng từ đây.
NS Vân-Ánh Võ: Tôi nghĩ dự án mang world music về VN nhiều thử thách. Chúng ta đang sống trong nhịp đập nhanh, dùng internet chỉ chờ 2 - 3 giây chưa hiện lên thông tin tìm kiếm đã thấy sốt ruột. Mà ngôn ngữ của nhạc dân tộc VN thì không thể như thế, chúng ta phải lắng xuống một chút để tìm hiểu thì mới cảm nhận được nét đẹp của nó. Tôi nghĩ, khi đã muốn làm thì sẽ có cách để thu hút người nghe. Âm nhạc dân tộc VN hay và đẹp nhưng là ngôn ngữ không phải dễ học, tuy vậy cũng không quá khó.
Trở về để truyền cảm hứng sáng tạo, khám phá1
Nghệ sĩ Vân-Ánh Võ ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Anh/chị sẽ “trò chuyện” như thế nào với khán giả TP.HCM cũng như VN, để xây dựng và phát triển cộng đồng nghe từ thể loại âm nhạc vốn kén người nghe này?
NS Cường Vũ: Tôi sẽ tiếp tục mời những người bạn, những NS từng hợp tác cũng như các đồng nghiệp đến VN trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm. Ngược lại, tôi hy vọng khán giả VN cũng sẽ có sự phát triển trong việc tìm tòi và có gu thưởng thức âm nhạc, tìm đến những tác phẩm có thể không quen thuộc nhưng lại hấp dẫn, vì tôi muốn mang đến VN những NS thực sự cá tính và táo bạo hơn sau mỗi chương trình.
NS Vân-Ánh Võ: Tôi muốn không chỉ chia sẻ văn hóa VN mà còn giúp các bạn trẻ hiểu được nét hay, nét đẹp đằng sau đó, hiểu rồi sẽ yêu hơn. Tôi sẽ góp tay xây những cây cầu để kết nối, từ những việc làm rất nhỏ. Khi có chiếc cầu, người ta sẽ đi và có thể tìm được những điều thú vị ở bên kia sông... Tiêu chí của tôi là phải kết hợp được nhạc dân tộc VN với các điệu nhạc, các thể loại nhạc khác. World music phải thể hiện nét đẹp và sâu sắc nhất của nhạc dân tộc VN, đồng thời đưa đến nhịp đập và nét mới của âm nhạc hôm nay, vừa nói lên tiếng nói và suy nghĩ của thế hệ trước nhưng đồng thời cũng thể hiện được thông điệp của thế hệ hôm nay.
Trở về để truyền cảm hứng sáng tạo, khám phá2
Vân-Ánh Võ cùng ban nhạc biểu diễn tại TP.HCM vào tối 16.1 ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Là NS gốc Việt hoạt động trên thế giới, với đặc trưng thể loại âm nhạc dân tộc mình, anh/chị có những trở ngại hay thuận lợi gì trong phát triển sự nghiệp?
NS Cường Vũ: Khi nhắc đến jazz, người ta thường tưởng tượng đến những nghệ sĩ da đen hoặc chí ít cũng là da trắng. Còn nói đến châu Á, mà là VN nữa, thì nghe có vẻ lạ lẫm. Về nhạc jazz, nói đến châu Á, người ta chỉ biết đến người Nhật. Vì thế, họ sẽ luôn ngạc nhiên khi nghe sản phẩm âm nhạc và nói rằng “ồ đây là tác phẩm của một NS jazz đến từ VN à”… Nếu nói rằng có thuận lợi hay không thì chắc có lẽ là không.
NS Vân-Ánh Võ: Khi bắt đầu bất cứ công việc nào, tôi chỉ tập trung vào việc cứ phải làm trước đã, làm hết sức của mình. Vùng vịnh San Francisco nơi tôi sống là nơi đa chủng tộc nhất của Mỹ, nên tôi được gặp và học hỏi lẫn được chia sẻ văn hóa từ nhiều NS các nước. Tôi nghĩ tại sao mình không chia sẻ lại những nét hay nét đẹp của văn hóa Việt với họ? Tôi đã làm, bằng nhiều cách, như dạy nhạc dân tộc cho các em là người Việt sinh ra ở Mỹ, dạy những người có nguồn gốc khác nhưng yêu văn hóa VN. Khi sáng tác, tôi dùng nhiều chất liệu của nhạc dân tộc VN trong các bản nhạc của mình. Tôi vừa biểu diễn và đến nghe các chương trình hòa nhạc, tiếp cận các nhạc sĩ đang sống ở Mỹ, tìm cơ hội chia sẻ thêm về âm nhạc cổ truyền VN, vì phần lớn người Mỹ biết VN qua cuộc chiến tranh.
Trở về để truyền cảm hứng sáng tạo, khám phá3
Nghệ sĩ Cường Vũ trò chuyện cùng khán giả ẢNH: AMBERSTONE MEDIA
Trong buổi biểu diễn tại Nhà Trắng, chị đã “chia sẻ” câu chuyện âm nhạc dân tộc mình như thế nào?
NS Vân-Ánh Võ: Chương trình diễn ra tháng 2.2016 nhưng tháng 1.2015 tôi đã nhận lời mời. Buổi diễn tại Nhà Trắng là kỷ niệm với nhiều sự xúc động, vì tôi nghĩ có lẽ đây là niềm tự hào không chỉ cho bản thân mà cho văn hóa VN, khi văn hóa VN đã đến được nơi sâu nhất, tận trái tim nước Mỹ.
Tôi chọn trình diễn một bài hát ru. Với tôi, văn hóa VN có nét đặc biệt. Hầu như chúng ta sinh ra đều được nghe lời hát ru từ mẹ, từ bà. Khi chúng ta gặp khó khăn nhất, để được an ủi hay cần sức mạnh, chúng ta thường tìm về những điệu hát ru, về cội nguồn. Tôi muốn chia sẻ những gì sâu sắc nhất về văn hóa VN với người Mỹ.
Với anh Cường Vũ, có kỷ niệm nào khiến anh muốn chia sẻ khi từng hợp tác với nhiều NS nổi tiếng thế giới?
NS Cường Vũ: Tất cả những gì có thể nhớ là tôi đã từng đi đến nhiều nơi với các thành viên trong nhóm nhạc và chúng tôi đã có những khoảnh khắc âm nhạc tuyệt vời. Cả việc trở về VN cũng vậy. Tôi hy vọng và mong rằng sẽ có thêm những quỹ đầu tư để hỗ trợ nghệ thuật, để các dự án âm nhạc như Soul Live Project đang làm sẽ tiếp tục phát triển, để những người trẻ sẽ tiếp tục được hưởng những lợi ích và có những trải nghiệm âm nhạc có giá trị.
Anh, chị có dự định hợp tác với NS nào trong nước dịp này?
NS Cường Vũ: Chuyện kết hợp trong âm nhạc cũng giống việc đi tìm một người bạn, một người bạn đời. Không thể cứ đến nói rằng “mình làm bạn nhé” là được, mà cả hai phải có một sự kết nối nhất định. Tôi muốn là “một công dân âm nhạc thân thiện”, tôi rất mở lòng với những sự kết hợp trong âm nhạc, nhưng đó phải là đúng với màu sắc âm nhạc của mình.
NS Vân-Ánh Võ: Với tôi, thử thách rất cao và cũng là nhiệt huyết là làm sao chuyển tải tiếng đàn bầu, đàn tranh vừa mạnh nhưng vẫn có sự duyên dáng. Và khán giả vừa nghe vừa cảm thấy tôn trọng nét đẹp của âm nhạc dân tộc VN nhưng vẫn phải nghe được nhịp thở mới mà Vân Ánh và Blood Moon mang đến. Tôi nghĩ cả nhóm đang đi đúng trên con đường này nên sự hòa quyện hết sức thú vị. Như tối 16.1, chúng tôi thấy khán giả cảm nhận, hưởng ứng khi thưởng thức khiến tôi chơi say sưa đến đứt cả dây đàn (cười). Tôi từng nghe thành ngữ, nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau. Tôi muốn đi xa hơn nữa, đến những nơi tuyệt vời hơn thì chắc chắn tôi phải tìm những người đồng nghiệp như các thành viên trong nhóm.
NS đàn dân tộc Vân-Ánh Võ (Vanessa Võ) sinh năm 1975 tại Hải Phòng và lớn lên ở Hà Nội. Chị học đàn tranh từ năm 6 tuổi. Không chỉ học qua trường lớp, từ các thầy cô ở Học viện Âm nhạc quốc gia VN, chị còn dành thời gian học với các nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc: chèo, ả đào, cải lương...
Chị đã đoạt giải Emmy năm 2003 ở hạng mục Nhạc phim tài liệu xuất sắc nhất (phim Daughter from Danang) và năm 2009 với soundtrack phim Bolinao 52. Chị là giám khảo của giải Grammy liên tục những năm 2014 - 2016 và 2018.
Sau khi định cư tại San Francisco (Mỹ) vào năm 2011, Vân-Ánh Võ cộng tác với các NS quốc tế như Yo-Yo Ma, tứ tấu đàn dây Kronos, dàn nhạc Oakland Symphony và trình diễn tại các sân khấu danh giá ở Mỹ. Năm 2016, chị là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên trình diễn tại Nhà Trắng.
NS kèn trumpet Cường Vũ sinh năm 1969 tại TP.HCM. Anh nhận được học bổng toàn phần tại Nhạc viện New England (Boston, Mỹ) và nhận bằng cử nhân âm nhạc ngành nghiên cứu jazz cùng bằng tốt nghiệp loại giỏi về trình diễn. Anh đến New York năm 1994 và bắt đầu sự nghiệp, dẫn dắt nhiều nhóm nhạc lưu diễn khắp thế giới.
Cường Vũ đã ra mắt 8 bản thu âm với cương vị là nhóm trưởng, tất cả đều vào top 10 bản thu âm xuất sắc nhất năm của các nhà phê bình tại Mỹ. Anh là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên giành được 2 giải Grammy ở hạng mục Album nhạc jazz đương đại xuất sắc nhất (Speaking of Now, 2002 và The way up, 2006). Cường Vũ hiện là Phó giáo sư và Chủ tịch Hội Nghiên cứu jazz tại Trường đại học Washington.
Đa dạng hơn các sản phẩm nghệ thuật quốc tế tại VN
NS Thanh Bùi
ẢNH: NSCC
Âm nhạc nghệ thuật ở VN ngày càng phát triển và phần nào đó do có các anh chị em nghệ sĩ gốc Việt thành danh trở về cống hiến. Và Soul Live Project Series - chuỗi những sự kiện nghệ thuật cho cộng đồng, với đa dạng loại hình nghệ thuật: giao hưởng thính phòng, jazz, kịch nghệ, nghệ thuật truyền thống, vũ đạo… mà chúng tôi đang thực hiện, đưa về các NS gốc Việt nổi tiếng như Vân-Ánh Võ, Cường Vũ, Bích Trà… là một trong những dự án tâm huyết của tôi hiện nay. Sự trở về của các NS quốc tế gốc Việt tài năng đang hoạt động trên thế giới sẽ làm phong phú, đa dạng hơn các sản phẩm nghệ thuật quốc tế tại VN.
Tôi rất vui vì các anh chị rất sẵn sàng chung tay với tôi tạo ra những dự án này, nhất là cho những dòng nhạc hơi kén nghe một chút như jazz hay world music. Tôi nghĩ, những dòng nhạc này khi được xã hội hóa thêm, được biết đến thêm… thì dần dần sẽ không còn xa lạ với công chúng nữa.
NS Thanh Bùi
Tạo không gian âm nhạc thật sự bổ ích, thú vị
NS âm nhạc dân tộc đương đại Ngô Hồng Quang
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Việc trở về VN của những nhân tố như vậy cực kỳ ý nghĩa, bởi đã tạo ra không gian âm nhạc thật sự bổ ích, thú vị cho người nghe, đặc biệt những người chưa hiểu nhiều về âm nhạc dân tộc hay jazz và các thể loại nhạc chưa được phổ biến lắm tại VN. Âm nhạc của chị Vân-Ánh Võ không đơn thuần là âm nhạc dân tộc, mà còn kết hợp các thể loại nhạc khác, nghĩa là yếu tố quốc tế ở đây rất mạnh - yếu tố đến thời điểm này VN đang cần. Tôi đã từng biểu diễn cùng anh Cường Vũ, và cho rằng công việc của anh ấy rất hay, tuyệt vời, bởi anh chơi nhạc jazz và yếu tố Việt trong âm nhạc mà nhóm anh thể hiện cũng rất mạnh.
NS âm nhạc dân tộc đương đại Ngô Hồng Quang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.