Trình chiếu phim Giải phóng Sài Gòn: Tái hiện chân thực một sự kiện lịch sử vĩ đại

25/04/2005 00:02 GMT+7

Vậy là sau mười mấy năm thực hiện, hôm qua 24.4, đạo diễn Vũ Xuân Hưng (Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam) đã mang bản phim nhựa hoàn chỉnh đầu tiên của Giải phóng Sài Gòn từ Thái Lan về Việt Nam. Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh đã tổ chức họp báo giới thiệu Giải phóng Sài Gòn và đợt phim kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Dư luận đón chờ Giải phóng Sài Gòn bởi nhiều lý do. Thứ nhất, sau khi một vài phim lịch sử có số tiền đầu tư khá lớn như Hà Nội 12 ngày đêm, Ký ức Điện Biên... chưa đáp ứng được mong đợi của khán giả thì liệu điều đó có lặp lại ở Giải phóng Sài Gòn không ? Thứ hai, một bộ phim truyện điện ảnh sẽ tái hiện một sự kiện lịch sử quá vĩ đại như thế nào? Đâu là yếu tố hư cấu của phim truyện, đâu là tính tài liệu chân thật của lịch sử ?

 

Điều đầu tiên có thể khẳng định là chắc chắn Giải phóng Sài Gòn sẽ giành được tình cảm của đông đảo công chúng bởi tính tài liệu chân thực của bộ phim gần như tuyệt đối. Đây là điều tưởng như đơn giản mà lại khó vô cùng, là áp lực lớn với đoàn làm phim bởi sự kiện giải phóng Sài Gòn có quá nhiều chi tiết, sự kiện, các nhân vật lịch sử rất ấn tượng đối với đông đảo khán giả.

 

Nhưng có lẽ cũng vì quá chú trọng vào yếu tố tài liệu chân thực này mà dường như những đặc điểm của một phim truyện điện ảnh như cốt truyện, đường dây, tình huống kịch, số phận nhân vật bị xếp xuống hàng thứ yếu. Do vậy, phần đầu của phim không hấp dẫn. Ngay cả các nhà báo chuyên viết về điện ảnh cũng loay hoay hỏi nhau rằng: "Không biết đây là phim truyện hay phim tài liệu ?"...

 

Chỉ đến nửa sau của phim, tính tài liệu chân thực của sự kiện lịch sử mới phát huy được hiệu quả. Phim đã hấp dẫn dần lên bởi những diễn biến, sự kiện, nhân vật lịch sử... của cả hai chiến tuyến trong những tháng ngày gần mốc lịch sử 30.4.1975 được tái hiện lại rất chân thực, xúc tích, đầy đủ. Điều đó lý giải được phần nào lý do dẫn tới một chiến thắng vĩ đại, trọn vẹn như vậy.

 

20 nhân vật lịch sử của hai chiến tuyến được tái hiện trong phim là con số quá nhiều, mà trong đó có những nhân vật có hình thức, giọng nói, lối sống, tính cách quá quen thuộc, ấn tượng với đông đảo nhân dân như: Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vị lãnh đạo như Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng; các vị tướng như Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn... rồi phía bên kia chiến tuyến là Đại sứ Mỹ Martin, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Dương Văn Minh... chưa kể các nhân vật khác như bà mẹ già của viên sĩ quan ngụy tại Huế, gia đình cán bộ cách mạng Bảy Lương, mối tình Ba Liêm - Tư Châu ở khám Chí Hòa, mối tình Trần Bình - Út Liên... Và vì nhiều như vậy nên cũng dễ hiểu là không có nhân vật nào mà số phận, tính cách được khắc họa đậm nét trong phim. Chất "truyện" trong phim dường như không có.

 

Những kỷ lục của phim Giải phóng Sài Gòn

- Gần 20 lượt quay đại cảnh, huy động khoảng gần 20.000 diễn viên quần chúng.

- Tái hiện 20 nhân vật lịch sử của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

- Sử dụng 6 tấn thuốc nổ, 450 quả đạn pháo, gần 1 tấn khói và các vũ khí nổ khác, 1.000 khẩu súng AR15, 40 xe tăng các loại.

- Sử dụng 1.000 bộ trang phục lính ngụy gồm cả áo giáp, mũ sắt, giày dã chiến...

 

Một khán giả hiếm hoi của cuộc họp báo này đã nói: "Những gì tái hiện lại trên màn ảnh khiến tôi thực sự cảm phục đoàn làm phim vì những cố gắng phi thường của họ. Những đại cảnh về chiến tranh, về sự giao tranh ác liệt trên phim gây ấn tượng rất mạnh, chân thực và sống động". Càng khâm phục hơn nữa khi biết rằng đội ngũ chủ chốt thực hiện phim đều là những nhà điện ảnh luống tuổi như Long Vân, Vũ Văn Nha, Bùi Huy Căn, Nguyễn Ngọc Tuân...

 

Trước ngày trình chiếu khai mạc phim, đạo diễn Long Vân hồi hộp đến không ngủ được: "Làm xong phim rồi mà vẫn chưa hết nỗi lo. Lo vì không biết khán giả đón chờ phim này như thế nào, có háo hức như phim Biệt động Sài Gòn trước đây không ?". Trả lời được câu hỏi này chắc chắn không dễ, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được sự cố gắng hoàn thành bộ phim của một đội ngũ cố vấn lịch sử, các nhà biên kịch, đạo diễn...

 

Phạm Ngọc

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.