Triển vọng làng nghề bánh tráng phơi sương

07/05/2016 20:09 GMT+7

Làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vừa được Bộ VH-TT-DL trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, làng nghề đang đứng trước nhiều thách thức để duy trì và phát triển.

Khan hiếm người làm
Theo những người làm nghề bánh tráng ở H.Trảng Bàng, hiện nay nghề bánh tráng phơi sương ở địa phương chỉ còn lại vài chục hộ. Ông Phan Văn Gan (68 tuổi, chủ nhiệm HTX TTCN Tân Tiến) cho hay: HTX Tân Tiến thành lập từ năm 2005, được nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng đầu tư sản xuất. Ban đầu số thành viên 33 người làm nghề. Nay rơi rụng chỉ còn khoảng 13 người theo nghề truyền thống. Số người còn lại chuyển qua nướng bánh nhập cho đại lý để có thu nhập khá hơn.
Gia đình ông Gan từng trải qua bốn đời làm bánh tráng. “Từ đời bà cố, bà ngoại, mẹ rồi đến chị tôi theo nghề làm bánh tráng. Nay chị tôi đã gần 80 tuổi sức yếu không làm được nữa. Tôi có 2 con trai nhưng đều làm nghề trang trí nội thất với công nghệ viễn thông hết nên gia đình chỉ làm cầm chừng để giữ nghề”, ông Gan nói.
Vì rất quý nghề làm bánh tráng và lo bị mai một nên những ngày diễn ra lễ hội bánh tráng phơi sương vừa qua, tôi phải bám ở lễ hội để đôn đốc, giới thiệu sản phẩm. “Tôi luôn động viên bà con còn bao nhiêu người làm nghề thì giữ bấy nhiêu, cứ từ từ thúc đẩy đưa làng nghề đi lên”, ông Gan chia sẻ.
Bà Đặng Thị Duyên (52 tuổi, ngụ KP.4, xã Gia Lộc, TT.Trảng Bảng, H.Trảng Bàng), cho hay gia đình vốn có truyền thống làm bánh tráng lâu đời, bà cũng theo nghề được hơn 30 năm nay. Tuy nhiên, đến đời bà thì không còn ai theo nghề nữa. “Tráng rồi nướng bánh cũng đòi hỏi người khéo tay, có khiếu mới làm được. Làm bánh tráng thì cực lắm, khi nướng phải chịu sức nóng của lò hấp, phơi bánh giữa trời nắng nóng, rồi còn thức khuya dậy sớm để phơi sương… nên người trẻ không mấy mặn mà. Chúng nó bỏ dần rồi đi làm công nhân thích hơn là ngồi nhà nướng bánh. Thu nhập nghề làm bánh tráng cũng vô chừng, làm nghề cũng chỉ đủ sống chứ không khá giả gì”, bà Duyên nói.
Tăng cường quảng bá về làng nghề
Trao đổi về hướng đi của làng nghề, ông Gan cho hay ngay từ lúc thành lập HTX, ông đã tự động liên kết với bà con bỏ ra một số vốn thúc đẩy sản xuất để “lao ra” thị trường. Nhờ đó mà thương hiệu bánh tráng của HTX đã vang xa và được nhiều người biết đến. “Khi được nhà nước công nhận, tôn vinh rồi thì đây là cơ sở quan trọng. Tới đây tôi sẽ vận động bà con giữ niềm tin, tìm hướng đi mới cho làng nghề. Đồng thời nhà nước cũng cần hỗ trợ vốn cho bà con đầu tư, chọn lọc nguyên liệu sạch, quản lý sản xuất theo quy trình khép kín từ: làm bánh, thu mua và đóng gói qua hệ thống công nghệ để đủ điều kiện xuất khẩu”, ông Gan kỳ vọng.
Ông Gan nói: “Tôi vừa ký hợp đồng cung cấp bánh tráng cho một số đối tác, trong tương lai thì thị trường này đủ đáp ứng cho 33 hộ của HTX Tân Tiến yên tâm sản xuất. Tôi cũng đã vạch ra một kế hoạch cho HTX phát triển lâu dài, tới đây sẽ phối hợp với các sở, ngành của địa phương để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ bánh tráng cho bà con”.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ: Sản phẩm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng có đặc thù là cộng hưởng nhiều hương vị, hương liệu khác. Bánh tráng chỉ sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn sau khi được phơi sương nên chủ yếu quảng bá ẩm thực ra bên ngoài thông qua các nhà hoạt động kinh doanh. Về lâu dài, tỉnh cũng sẽ có nghiên cứu phương án để tạo ra các sản phẩm có đủ điều kiện để xuất khẩu”.
“Sau khi được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh quảng bá hình ảnh làng nghề bánh tráng Trảng Bàng. Trước hết là đến với tất cả mọi miền đất nước, hơn nữa muốn giới thiệu ra bạn bè thế giới. Đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu, mở các cửa hàng ẩm thực tại nước ngoài góp phần quảng bá và làm phong phú văn hóa ẩm thực của VN”, ông Ngọc nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.