Triển lãm đầu tiên của 'Vua ảnh kỹ thuật phân sắc độ' Nguyễn Bá Mậu

06/12/2020 18:04 GMT+7

Sau 30 năm ra đi, cố nhiếp ảnh gia mới Nguyễn Bá Mậu mới có cuộc triển lãm ảnh đầu tiên do gia đình và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Ngày 6.12 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng (bên hồ Xuân Hương Đà Lạt), gia đình cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu cùng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng khai mạc triển lãm “Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm”. Đây là triển lãm đầu tiên của “Vua ảnh kỹ thuật phân sắc độ” sau 30 năm ông ra đi.

Đông đảo công chúng yêu nghệ thuật đến với triển lãm Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm

ẢNH: LÂM VIÊN

Triển lãm ảnh thu hút đông đảo giới nhiếp ảnh trong tỉnh Lâm Đồng và trong cả nước về tham dự, tưởng niệm 30 năm ngày mất của nhiếp ảnh gia tài ba này.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu

ẢNH: LÂM VIÊN (CHỤP LẠI)

Ông Lê Xuân Thăng, nguyên Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN phát biểu tại lễ khai mạc: “Nguyễn Bá Mậu đã dành cả tuổi thanh xuân để khám phá vẻ đẹp của Đà Lạt, có bức ảnh đạt cùng lúc 5 giải thưởng trong nước và quốc tế. Ảnh xử lý kỹ thuật phân sắc độ và chớp sáng của Nguyễn Bá Mậu từng gây chấn động giới nhiếp ảnh thế giới trong những năm 1968-1972, ông được mệnh danh “Vua ảnh kỹ thuật phân sắc độ”.

Ông Lê Xuân Thăng khai mạc triển lãm ảnh Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm

ẢNH: LÂM VIÊN

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Trung (con trai Nguyễn Bá Mậu), cho biết nhân kỷ niệm 30 năm ra đi của cha mình (9.12.1990 – 9.12.2020), ông và các anh em trong gia đình đã chọn lựa, phục chế 124 bức ảnh trong kho hơn 2000 tấm ảnh ông để lại để giới thiệu với công chúng yêu Đà Lạt. Trong đó có 46 tác phẩm phong cảnh Đà Lạt, Phan Rang, Nha Trang…và 12 tấm giới thiệu NAG Nguyễn bá Mậu với xã hội; bên cạnh đó có 26 tấm ứng dụng kỹ thuật phân sắc độ và chớp sáng, 39 tấm không ứng dụng kỹ thuật.

Thác Cam Ly Đà Lạt do Nguyễn Bá Mậu chụp năm 1957

ẢNH: LÂM VIÊN

Phần lớn các tác phẩm triển lãm là những bức ảnh mà Nguyễn Bá Mậu đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế trong thời gian từ 1962-1975, cùng hình phong cảnh, kiến trúc Đà Lạt.

Trẻ em chăm chú xem cảnh Đà Lạt xưa do nhiếp ảnh giaNguyễn Bá Mậu chụp

ẢNH: LÂM VIÊN

Dịp này, gia đình nhiếp ảnh gia giới thiệu đến những người yêu nghệ thuật cuốn sách ảnh “Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm”. Cuốn sách với hơn 110 bức ảnh đen trắng, trong đó có nhiều bức ảnh đã đoạt giải cao trong nước và quốc tế. Được ngắm nhìn những bức ảnh kỹ thuật phân sắc độ, những bức ảnh chụp bình thường của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu vẫn làm cho trái tim người xem rung động.

Dịp này gia đình nhiếp ảnh gia ra mắt cuốn sách Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm với hơn 110 tấm ảnh, phần lớn là những ảnh đã đoạt giải thương và phong cảnh Đà Lạt

ẢNH: VĂN BÁU

 Nguyễn Bá Mậu sinh năm 1928 tại Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), năm 1947, ông lên Đà Lạt lập nghiệp. Năm 19 tuổi, ông bắt đầu cầm máy ảnh chụp phong cảnh Đà Lạt. Không chỉ chụp một cách trung thực những gì Đà Lạt đang hiện hữu, ông còn đi sâu tìm hiểu khám phá Đà Lạt qua sự thể nghiệm kỹ thuật trong việc xử lý buồng tối, tạo sắc độ, đường nét một cách hoàn hảo, giúp cho hình ảnh Đà Lạt trở nên độc đáo thanh thoát thi vị và sáng tạo. Sau năm 1975, vừa đặt chân vào miền Nam, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh đã tìm đường lên Đà Lạt quyết tâm “gặp cho bằng được” nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu.

Năm 1963, tác phẩm “Động tĩnh” của  Nguyễn Bá Mậu giành được Huy chương Bạc của Hội Nhiếp ảnh VN. Hai năm sau, ông nhận Huy chương Vàng với tác phẩm “Căm tức”. Ba năm tiếp theo, “Dáng ngoại” giúp ông nhận giải danh dự nhiếp ảnh Việt - Mỹ , Huy chương Vàng Việt - Mỹ, Cúp Hội Nhiếp ảnh VN, cúp Cao Đàm - Cao Lĩnh. Tháng 6.1969, ông nhận Huy chương Vàng Salon Monlesson Pháp, Huy chương Bạc tác phẩm “Hồi tưởng” ở Ý. Năm 1970 ông nhận bằng Mention Honorabie ở Nam Phi với Cyclos…và trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh VN (Sài Gòn). Năm 1968, ông là hội viên Hội Ảnh nghệ thuật (APA) với tước hiệu A.APA, đến năm 1975 được phong tước hiệu F.APA. Năm 1972, ông đoạt Huy chương Vàng của Hội P.S.A Bristol (Anh) với tác phẩm “Đợi chờ”. Với tác phẩm “Foggyhills”, ông giành Huy chương Đồng ở Nam Triều Tiên và Diplome D’honneur Hội P.T.T - Coledór (Pháp), Huy chương Đồng của Hội Y.M.C.A (Hồng Kông), Huy chương Đồng với tác phẩm “Nương tựa” của Hội Nhiếp ảnh Tinh võ VN (1973), Huy chương Vàng giải Văn học Nghệ thuật VN với tác phẩm “Buổi chợ mai”…Đến năm 1973, ông được vinh dự là hội viên Hội Nhiếp ảnh KBC, với tước hiệu A.PCKBC; hội viên Hội Nhiếp ảnh Hoàng Gia Anh Quốc, với tước hiệu A.RPS. Trong hai năm 1974 - 1975, ông tham gia Hội đồng giám khảo các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế của Hội Ảnh nghệ thuật (APA) tổ chức. Năm 1987 ông là hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Ngày 1.6.2001, ông được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN truy tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật VN”.
 Một số hình ảnh tại cuộc triển lãm:

Một số hình ảnh tại cuộc triển lãm

ẢNH: LÂM VIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.