Triển lãm bộ sưu tập con giáp Hợi nhiều nhất nước

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/01/2019 06:16 GMT+7

Bảo tàng Phụ nữ VN phối hợp với nhà sưu tập Dương Trung Quốc và những người bạn tổ chức triển lãm Con giá p của tôi - Lợn sung túc từ 23.1 - 19.2.

Triển lãm gồm hơn 6.000 tác phẩm, đồ lưu niệm, đồ dùng hình lợn của nhà sưu tập Dương Trung Quốc và những người bạn.
Cùng ngày, ông Quốc cũng nhận chứng nhận của Tổ chức Kỷ lục Guinness VN cho bộ sưu tập này. Đó là kỷ lục bộ sưu tập con giáp năm Hợi nhiều nhất VN.
Bà Nguyễn Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN, cho biết triển lãm được tổ chức chào đón năm Kỷ Hợi. Hợi vốn là con giáp đứng cuối cùng trong 12 con giáp, tượng trưng cho sự giàu có, an nhiên, sung túc, đủ đầy. Triển lãm là một phần bộ sưu tập con giáp Hợi mà ông Quốc đã sưu tầm hơn 20 năm qua.
Chú lợn từ đá mỏ muối Ý
Cũng trong triển lãm, công chúng lần đầu được giới thiệu bộ sưu tập những chú lợn gốm của Nguyễn Văn Toán, bộ tranh 12 con giáp được thể hiện trên mâm gỗ cổ của họa sĩ Lê Trí Dũng, các tác phẩm của nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, những bức tranh dân gian truyền thống. Bức tranh danh họa Bùi Xuân Phái vẽ lợn năm 1983 lần đầu tiên được giới thiệu tại đây.
Triển lãm gồm 5 chủ đề. Chủ đề tác giả tác phẩm với bộ sưu tập độc đáo của nhà sản xuất gốm Nguyễn Văn Toán và một số tác giả. Lợn trong văn hóa người Việt giới thiệu các tác phẩm gốm sứ của các làng nghề như Bát Tràng, Hương Canh, Dư Dụ, Hạ Thái... Chủ đề lợn trên thế giới gồm nhiều chú lợn từ nhiều nước. Chủ đề lợn tiết kiệm trưng bày những con lợn bỏ ống. Chủ đề đồ lưu niệm và đồ dùng hình lợn giới thiệu móc chìa khóa, chặn giấy, những chậu cây, những bộ đồ bếp, những bộ ấm chén... tạo hình lợn.
TS Vũ Thế Long, một người bạn cùng tuổi rất thân với ông Dương Trung Quốc cũng thuộc lý lịch vài chú lợn trong đàn, chia sẻ về một chú lợn "quốc tịch" Mỹ. Đó là chú lợn nằm dưới một cây đèn Hoa Kỳ. Nó làm nhớ tới thời kỳ người Việt vẫn dùng đèn nến, và một cây đèn có thể "cháy ngược", sáng mà không có lửa đã làm họ ngạc nhiên ra sao. Cuộc giao lưu văn hóa quốc tế đó đã cho thấy ta cần tiến lên về khoa học kỹ thuật đến thế nào. “Ở nhiều nền văn hóa, họ đều nhìn nhận lợn là một con vật hiền lành. Nó biểu hiện cho thân thiện, no đủ”, ông Long nói. Dù nhiều năm ngắm bộ sưu tập, ông Long vẫn vui thích việc “ngắm đi ngắm lại” sự đa dạng văn hóa của nó.
Một chú lợn khác, ông Quốc cho biết, được làm bằng đá ở mỏ muối của Ý. Nó là một vật phẩm lưu niệm từ khoáng sản địa phương, giống như chúng ta từng có những chú sư tử bằng than đá đen nhánh ở Quảng Ninh vậy. Chú lợn gốm Tây Ban Nha lại cho cảm giác vui nhộn của những miếng gốm ghép mosaic.
Cái ấm có hình con giáp Hợi
Có những chú lợn gốm mang phong vị văn hóa Việt hóm hỉnh. Trong đó, có một chú lợn do nghệ nhân gốm Nguyễn Văn Toàn làm tặng riêng nhà sử học Dương Trung Quốc, được tạo hình với hàng chồng sách trên lưng và cuốn trên cùng có chữ “Lịch sử”. Một chú lợn gốm khác lại được “chế” từ tranh Đông Hồ Chăn trâu thổi sáo. Chú lợn này cũng có cậu bé ngồi trên lưng rất giống trên lưng trâu.
Ông Long cho rằng chúng ta có thể mở những bảo tàng về con giáp Hợi. Trên thế giới, ở Hàn Quốc và Đức đã có những bảo tàng như vậy. Tại đó, không chỉ có những hiện vật về lợn mà còn có cả những không gian nhỏ. Tại đó có những giống lợn nhỏ được nuôi và trẻ em có thể cùng chơi đùa với chúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.