Tre không chịu già

21/12/2014 04:00 GMT+7

Quy luật của tạo hóa và cũng là quy luật xã hội: Tre già măng mọc. Cổ nhân đúc kết chẳng sai. Sự phát triển và đào thải không ngừng ấy là động lực để thúc đẩy thế giới tự nhiên cũng như cuộc sống xã hội tồn tại, đi lên.

Quy luật của tạo hóa và cũng là quy luật xã hội: Tre già măng mọc. Cổ nhân đúc kết chẳng sai. Sự phát triển và đào thải không ngừng ấy là động lực để thúc đẩy thế giới tự nhiên cũng như cuộc sống xã hội tồn tại, đi lên.

Ấy vậy mà, nhiều trường hợp có không ít người đã cố cưỡng lại quy luật, dường như họ muốn làm khác đi để thử xem nếu cứ làm trái lẽ tự nhiên thì sẽ tạo được điều gì theo ý mình. Tôi muốn nói đến hai đại hội của các nghệ sĩ vừa được tổ chức hoành tráng và cũng gây ì xèo dư luận: một của các họa sĩ (Hội Mỹ thuật VN) và một của các nghệ sĩ sân khấu (Hội Nghệ sĩ sân khấu VN).

Cứ theo kết quả đã công bố sau khi “đại hội thành công tốt đẹp” được báo chí đăng tải thì con thuyền mỹ thuật nước nhà lại tiếp tục được chèo lái bởi những thuyền trưởng, thuyền phó U.70, U.80, thậm chí thuyền trưởng đã “gánh vác” đến nhiệm kỳ thứ 4. Còn ban chấp hành mới của giới kịch sĩ cầm lái chiếc xe sân khấu đang vất vả trên con đường đầy những ổ voi ổ gà, trong cảnh chợ chiều cũng chả mấy thay đổi, vẫn công thức “tái đắc cử”, có vài người được coi là mới cũng đều vượt qua ngưỡng “tri thiên mệnh”. Đành rằng “thầy già con hát trẻ”, sự già cả có ối điều hay, chín chắn, giàu kinh nghiệm, nếu đức tốt nữa càng dễ thu phục nhân tâm… nhưng với những lĩnh vực luôn đòi hỏi phải sáng tạo, nhanh nhạy tiếp thu cái mới để tạo không khí sôi động, đổi mới không ngừng, sáng tạo không ngừng, như 2 lĩnh vực hội họa và sân khấu mà ta đang nhắc đến, thì ở chừng mực nhất định tuổi già lại thành sức cản. Tre già nhưng không chịu “già” cứ bám mãi, tỏa bóng mãi nên măng không còn đất vươn lên. Nghệ sĩ thường xuê xoa, kết quả bầu bán thế nào cũng xong, vấn đề ở chỗ lớp tre già nên chủ động nhường đất cho măng. Những nghệ sĩ trẻ, họa sĩ trẻ nhiều năm qua từng đặt niềm tin, niềm hy vọng vào các ban chấp hành hội sau mỗi lần đại hội, tuy nhiên mừng vui chỉ xôn xao lúc đầu, sau đó là không ít chán chường, mệt mỏi. Một họa sĩ lão làng có nói với tôi rằng các ban chấp hành được bầu ra dường như chỉ cốt cho có thôi, xuân thu nhị kỳ họp hành, thỉnh thoảng phát động phong trào này nọ, vui là chính, chả tạo được sự khởi sắc lẫn giá trị đỉnh cao. Ông còn nói cứ nhìn vào thực trạng hội họa và sân khấu nhiều năm qua là rõ.

Chúng ta vẫn nghe nói phải chú trọng, tin cậy lớp trẻ, giao việc cho họ, để họ phát huy sức lực và sự sáng tạo vào thời điểm sung mãn nhất của đời người. Lý thuyết thật đẹp đẽ, chỉ có điều lúc vận dụng lại gặp không ít trở ngại, mà chuyện “tre già không chịu già” ở Hội Mỹ thuật và Hội Nghệ sĩ sân khấu nước nhà là ví dụ cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.