Tranh cãi vẻ đẹp tự nhiên với nhan sắc qua thẩm mỹ

15/03/2017 07:00 GMT+7

Một trong những tiêu chí quan trọng đối với thí sinh dự các cuộc thi nhan sắc là phải có “vẻ đẹp tự nhiên”, không qua giải phẫu thẩm mỹ, tuy nhiên hiện nay kỹ thuật chỉnh sửa nhan sắc cho phái đẹp đã có nhiều tiến bộ vượt trội, không cần đụng đến dao kéo. Vì thế, đã xảy ra nhiều trường hợp gây tranh cãi thời gian qua.

Những người đẹp như Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Trần Thị Thu Hiền, Trần Thị Thùy Trang... từng làm “dậy sóng” Hoa hậu Việt Nam (HHVN) 2016 vì liên quan đến răng sứ thẩm mỹ, dán composit. Chính ban tổ chức (BTC) HHVN cũng nhiều lần bày tỏ sự lúng túng về quy định “có vẻ đẹp tự nhiên” tại điều 19, Nghị định 79/2012 đối với thí sinh dự thi người đẹp.
Công nghệ làm đẹp không phẫu thuật
Nhà báo Lê Xuân Sơn (Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng BTC HHVN) từng cho PV biết việc đối mặt với những kỹ thuật thẩm mỹ hiện đại bây giờ là một vấn đề rất lớn với các tổ chức thi nhan sắc. Các thành viên BTC luôn tỏ ra căng thẳng khi đề cập đến công nghệ làm đẹp ngày càng tinh vi hiện nay. Đã từng có vài thí sinh dù biết họ chỉnh sửa thẩm mỹ cằm, mũi… nhưng không đụng tới dao kéo nên BTC hay các chuyên gia cũng không thể phát hiện. Về những vấn đề liên quan đến da, tóc..., ông Sơn khẳng định: “Nếu chúng tôi kiểm tra xác định thí sinh can thiệp về da, ví dụ như tiêm các chất làm căng da, thì chắc chắn sẽ xử lý ngay vì vi phạm quy chế”.
Bà Phạm Kim Dung (Phó trưởng BTC HHVN 2016) nói thêm: “Tất cả thí sinh vào vòng chung kết đều được đưa đến một bệnh viện quốc tế kiểm tra về phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu thí sinh nào gặp phải vấn đề này thì thường cho họ tự rút lui như một số trường hợp BTC đã làm trước đây. Nhưng đúng là nói về kỹ thuật hiện đại bây giờ thì cực kỳ khó phát hiện”.
Theo bà Thu Hoài (CEO chuỗi thẩm mỹ Khơ Thị từng có hơn 10 năm nghiên cứu lĩnh vực thẩm mỹ): “Luật cũng phải có những điều chỉnh để theo kịp tiến độ ngành công nghệ làm đẹp bây giờ. Mỗi năm đều có những kỹ thuật mới mà không cần phải sử dụng dao kéo. Theo từ chuyên môn trong thẩm mỹ gọi là sử dụng sản phẩm tự thân. Nghĩa là thường lấy, chích những gì trên cơ thể để đưa lên chỗ cần sử dụng. Ví như da mặt nhăn, không đầy đặn thì chích lấy mỡ từ đùi, bụng để đẩy lên. Rồi ngực cũng vậy, dùng kỹ thuật tiêm, chích từ chính phần mỡ trong người của họ để đẩy kích thước lên. Về cằm hay mắt, mũi giờ cũng dùng kỹ thuật chích, tiêm là chính không đụng dao kéo. Việc làm trắng da cũng rất khó phát hiện. Vậy nên có kiểm tra cũng tìm không ra việc phẫu thuật thẩm mỹ”.
Chỉnh răng có phải là phẫu thuật thẩm mỹ?
Đạo diễn Nguyễn Ngọc Thụy từng thực hiện các cuộc thi nhan sắc nói thêm: “Những thay đổi về răng không thể gọi là phẫu thuật thẩm mỹ. Răng cũng như tóc đều là thứ có thể thay đổi để chúng ta đẹp hơn. Ở các nước phát triển, việc thẩm mỹ răng là chuyện bình thường. Hiện nay phần lớn các cuộc thi quốc tế đều chấp nhận thẩm mỹ, nhất là răng thì tại sao chúng ta cấm”.
Bác sĩ Thông chuyên về thẩm mỹ răng tại TP.HCM cũng khẳng định: “Làm răng theo tôi không phải là phẫu thuật thẩm mỹ”. Bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt Nguyễn Hữu Vinh (Nha khoa Việt Smile tại Hà Nội) đưa ý kiến: “Đứng dưới góc độ chuyên môn, tôi khẳng định thẩm mỹ răng không phải là phẫu thuật thẩm mỹ. Làm đẹp răng và phẫu thuật thẩm mỹ là hai vấn đề không giống nhau. Ví như họ bọc sứ răng cũng không thể gọi phẫu thuật thẩm mỹ”.
Nguyễn Thị Thành trong cuộc thi Hoa khôi Du lịch VN 2017 Ảnh: Huy Trần
Ấy thế nhưng, câu chuyện của người đẹp “rắc rối” vì… răng một lần nữa khiến dư luận quan tâm khi Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch VN Nguyễn Thị Thành không được Cục Nghệ thuật biểu diễn công nhận danh hiệu, không cấp phép dự thi ở nước ngoài và ban tổ chức buộc lòng tước danh hiệu cô. Trưa qua 14.3, tại TP.HCM, Nguyễn Thị Thành đã quyết định trả lại danh hiệu và chấp hành những điều mà các cơ quan chức năng đưa ra. Khi được hỏi trước đây Thành từng bị loại ở HHVN 2016 vì… răng tại sao lần này vẫn quyết đi thi, cô thành thật: “Tôi không nghĩ hậu quả lại nặng nề như thế. Tôi đã tham khảo nhiều ý kiến bạn bè, hỏi thêm BTC và nghĩ đơn giản mình đang cố gắng thay đổi bản thân, hướng đến những điều tích cực ở một cuộc thi hoa khôi. Tôi rất lấy làm tiếc về sự cố lần này”.
Liên quan đến việc tại sao không loại thí sinh Nguyễn Thị Thành ngay từ vòng sơ loại vì chuyện răng, bà Mỹ Dung (Trưởng BTC Hoa khôi Du lịch VN 2017) nói: “Trước khi tiếp nhận Nguyễn Thị Thành, chúng tôi có tham khảo ý kiến nhiều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ răng và nghĩ thí sinh không vi phạm luật. Trong Nghị định 79 cũng chỉ quy định: “Thí sinh thi người đẹp phải có vẻ đẹp tự nhiên”. Đây là điều từng gây tranh cãi rất nhiều. Tôi cũng không nghĩ vấn đề liên quan đến nha khoa lại rắc rối ở cuộc thi lần này. Sau sự việc này, chúng tôi cũng thiết tha đề xuất các cơ quan chức năng nên cụ thể hơn về những quy định liên quan đến vẻ đẹp tự nhiên. Đặc biệt những mục liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ để người đẹp cùng BTC các cuộc thi nhan sắc nắm rõ, không còn lúng túng”.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết: “Tôi nghĩ “vẻ đẹp tự nhiên” quá dễ hiểu không cần phải giải thích cụ thể, rõ ràng. Tự nhiên là khi con người sinh ra, lớn lên không có sự can thiệp khoa học kỹ thuật từ bên ngoài vào.
Còn trường hợp không dùng dao kéo mà dùng chất làm đầy, làm răng cũng đều coi là không phải vẻ đẹp tự nhiên. Các cuộc thi nhan sắc buộc phải có nhà nhân trắc học làm ban giám khảo, không cần đến bác sĩ phẫu thuật. Nghị định tới có thể sửa đổi quy định về vẻ đẹp tự nhiên vì nhiều người ý kiến việc chỉnh sửa răng nhưng cũng phải xem xét cụ thể và lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan”.
Trinh Nguyễn - Dạ Ly
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.