Tranh cãi triển lãm nội tạng và cơ thể người

03/07/2018 06:52 GMT+7

Triển lãm những bộ phận nội tạng và xác người được nhựa hóa đang diễn ra ở TP.HCM gây chú ý khi lần đầu tiên những thi thể người thật được trưng bày công khai.

[VIDEO] Có gì trong triển lãm xác người thật đầu tiên tại TP.HCM?
Triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người (Mystery of Human Body), do Công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại VN) phối hợp với Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên từ ngày 21.6 - 31.12, giá vé 200.000 đồng/người. Triển lãm được Sở VH-TT TP.HCM cấp phép tổ chức.
Theo ban tổ chức (BTC), triển lãm nhằm cung cấp kiến thức y học về cấu trúc và hoạt động sinh học bên trong cơ thể người. Các mẫu vật được triển lãm sẽ giúp người tham quan nhận thức được tác hại do bệnh tật và các chất độc hại đến từ thuốc lá, rượu bia và thói quen sinh hoạt không lành mạnh đến cơ thể con người. Cũng theo BTC, triển lãm đã thu hút sự tham quan của hơn 40 triệu người trên 60 thành phố khắp thế giới. BTC cho biết sẽ thiết kế những nội dung chương trình khác nhau dành cho từng nhóm khách tham quan như: học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai, nhóm gia đình, nhóm bạn trẻ… và những người nghiên cứu học thuật chuyên ngành y.
Thi thể các phôi thai từ 1 đến 7 tuần tuổi, các thai nhi từ 3 đến 9 tháng được trưng bày tại triển lãm
Những mẫu vật đầy ám ảnh
137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), đã được nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người, trưng bày trong không gian hai tầng, chia thành 8 khu tại triển lãm theo các chủ đề: hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tuần hoàn sơ sinh.
Triển lãm sẽ không dành cho những người yếu bóng vía bước vào một không gian mà xung quanh đủ các mảnh nhỏ bộ phận cơ thể người từ từng loại xương, bó cơ, cơ quan nội tạng và cả những xác người nguyên vẹn được đặt theo nhiều tư thế, lóc từng lát cơ để lộ xương hay xẻ dọc toàn thân để lộ những cấu trúc bên trong từ não đến ruột gan, hoặc được xử lý hết cơ xương chỉ còn lại hệ thống mạch máu… Thực sự có một cảm giác rờn rợn và đầy ám ảnh khi biết rằng những cánh tay, bàn chân, hộp sọ, từng túi mật, lá gan… đang nằm chỏng chơ trên bàn hay những thi thể người đang nhìn trừng trừng kia không phải là mô hình mà chính là của những con người thật.
Một mẫu vật toàn thân trưng bày tại triển lãm
Đáng chú ý nhất là mẫu vật toàn thân của một người phụ nữ mang thai 5 tháng, với phần bụng được mở ra để lộ phần thai nhi bên trong. Xung quanh là các dãy bàn trưng bày thi thể các phôi thai từ 1 đến 7 tuần tuổi, các thai nhi từ 3 đến 9 tháng và cả những trẻ sơ sinh bị dị tật trong quá trình mang thai như không có não, tật cột sống chẻ đôi…
Theo ghi nhận của PV, người đến xem triển lãm khá đông. Một số khách tỏ ra sợ hãi, số khác cho biết khá ấn tượng trước những mẫu vật được trưng bày. Khi nhìn thấy thực tế những mẫu vật như dạ dày bị loét hay phổi nám, gan bị xơ… họ đã có những phản hồi tốt về việc cần quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe của mình hơn. Tuy nhiên cũng có những ý kiến băn khoăn cho rằng văn hóa Á Đông luôn tôn trọng thi thể người đã mất, liệu việc trưng bày thi thể để nhiều người xem và bình phẩm có phù hợp...
Các mẫu vật cơ thể người thật đã được nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination
Nguồn gốc mẫu vật từ đâu?
Theo BTC, toàn bộ các mẫu vật này thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng MOM (bảo tàng sở hữu và giới thiệu triển lãm Mystery of Human Body tới công chúng Hàn Quốc, đặt tại đảo Jeju). Các mẫu vật được BTC cho biết là tạo thành theo công nghệ bảo tồn tử thi Plastination (nhựa hóa) của bác sĩ Gunther von Hagens, sinh năm 1945 tại Ba Lan, hiện mang quốc tịch Đức. Mục đích ban đầu của xử lý xác bằng nhựa hóa là để bảo tồn nguồn cung cấp cơ quan nội tạng cho các trường y khoa, nơi lúc bấy giờ khó khăn để lưu trữ xác chết lâu năm cho mục đích hướng dẫn học tập. Tuy nhiên hiện nay, các triển lãm về thi thể người được nhựa hóa đang được tổ chức ở nhiều nước và bên cạnh những mục đích tốt đẹp mà các cuộc triển lãm mong muốn thì cũng gây ra những tranh cãi về vấn đề nhân văn, đạo đức khi trưng bày những xác người như thế. Ngoài ra, người ta cũng đặt ra những câu hỏi về nguồn gốc của các thi thể dùng làm mẫu vật, dù BTC đã thông tin tại triển lãm là được tự nguyện hiến tặng.
Người tham quan xem các mẫu vật tại triển lãm
Theo thông tin từ trang web tìm kiếm, lưu trữ dữ liệu Baidu của Trung Quốc, ông Gunther von Hagens đặt nhà máy chế tạo mẫu vật theo công nghệ nhựa hóa đầu tiên của mình ở TP.Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc từ năm 1999 do nhân công và nguồn nguyên liệu ở đây rẻ. Các thành phẩm sau đó được xuất bán cho các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý, Anh… để phục vụ các trường y khoa hoặc tổ chức các cuộc triển lãm về cơ thể người. Hiện nay, không chỉ công ty của ông Gunther von Hagens mà nhiều công ty khác ở Trung Quốc đã công khai rao bán những mẫu vật thi thể người được nhựa hóa, giá mỗi thành phẩm từ 100.000 - 200.000 nhân dân tệ (khoảng 350 - 700 triệu đồng), đặc biệt với một mẫu vật toàn thân người hoàn hảo có thể được bán với giá 2 triệu nhân dân tệ.
Chúng tôi đã đặt vấn đề với BTC triển lãm về nguồn gốc của các mẫu vật và thi thể người hiến tặng, liệu họ có biết rõ mục đích của việc xác của mình sẽ được đưa đi trưng bày, nhất là đối với thi thể những thai nhi, trẻ sơ sinh, việc trưng bày có nhận được sự đồng tình từ bố mẹ của những thai nhi đó hay không. Đại diện của Công ty Mega Vina cho biết do lãnh đạo công ty đang chuẩn bị về lại Hàn Quốc nên không thể sắp xếp trả lời phỏng vấn trực tiếp mà sẽ phản hồi qua email vào hôm nay. Sau khi nhận được trả lời từ BTC, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.
Một cơ thể người được trưng bày ở triển lãm
Không cho tổ chức ở Hà Nội vì “ghê rợn”
Những hình ảnh của triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người mà PV Thanh Niên cho tôi xem đúng là những hình ảnh của triển lãm mà tôi đã từ chối cấp phép. Triển lãm đó của một công ty Hàn Quốc đứng ra tổ chức. Công ty này đã làm việc với tôi để xin phép tổ chức triển lãm ở Hà Nội, cụ thể là ở tòa nhà Keangnam.
Chúng tôi đã xem và thấy nó rất ghê rợn cũng như phản cảm về hiệu ứng thị giác. Vì thế, tôi trả lời triển lãm này không thể trưng bày ở Hà Nội được, trừ khi các anh bày trong trường đại học y khoa, phục vụ cho sinh viên nghiên cứu hoặc xem xét một số vấn đề về giải phẫu. Tôi cũng nói thẳng thắn với họ về việc triển lãm có thể gây cảm giác kinh sợ cho người xem. Họ nói với tôi là loại triển lãm này được nhiều nước cho trưng bày, nhưng tôi cũng biết là nhiều nước đã tẩy chay, như vừa rồi ở Úc người ta đã tẩy chay.
Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm thuộc Bộ VH-TT-DL)
Trinh Nguyễn (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.