Trăng bạc - Truyện ngắn của Nguyễn Lê Vân Khánh

06/08/2017 07:00 GMT+7

Tối hôm đó tôi nằm mơ thấy mẹ. Mẹ tôi, và còn có cả mẹ Nam.

Tôi ngồi trong quán bar năm xưa của mẹ, nhưng trong giấc mơ, tôi đã lớn. Quán bar không có người, tôi nghe thấy tiếng mẹ đằng sau quầy bar. Rõ ràng chỉ là tiếng ly thủy tinh va vào nhau, nhưng tôi vẫn mặc định trong tâm trí rằng mẹ đang đứng sau cái quầy bar ấy mà rửa hết đống ly cao ngồng.
Ti vi đang phát một bản nhạc chậm nhưng vui nhộn. Có bốn bé gái mặc đầm trắng nhảy điệu nhảy của những con thiên nga. Sau lưng họ là một bức phông màu xám. Bốn chiếc đầm trắng cứ thế nhảy tới nhảy lui và rất nổi bật. Tôi ngước mắt chăm chú xem, đôi chỗ còn há hốc mồm. Rõ ràng không khí ở đấy đang vui nhộn lạ kỳ.
Lúc bản nhạc kết thúc, bức phông xám được kéo lên và rồi mẹ Nam xuất hiện. Tôi chưa hề nhìn thấy mẹ Nam lần nào, nhưng khi gương mặt bà xuất hiện sau bức màn xám, tôi đã biết rằng đó là mẹ Nam mà không một chút ngạc nhiên. Đôi mắt bà nhìn thẳng vào người xem truyền hình. Có nỗi buồn nào đấy len lỏi tận sâu trong khung hình này, cho dù tôi không nghe rõ bà đang nói gì. Khi đó, tôi trở nên hoảng hốt vì nhận ra rằng Nam không có ở đây - trong giấc mơ của tôi.
- Cậu ta cuối cùng cũng chỉ là một kẻ cô đơn cứ lang thang, thay vì có thể nắm tay một kẻ khác.
Tiếng mẹ nói vọng ra từ sau quầy bar. Trên ti vi, mẹ Nam bắt đầu nói về con trai mình. Tiếng nói cứ rì rầm và dính vào nhau như thể chuỗi dây, chúng không hề mang nhạc tính như điệu nhảy của bốn cô bé.
Người quay đoạn phim này có lẽ đã vội vàng nên không dùng chân máy, hình mẹ Nam thỉnh thoảng chao nhẹ, gợi một sự bất an không biết cố tình hay vô ý.
- Mẹ à, ra đây đi!
Tôi gọi. Vẫn là tiếng ly thủy tinh va vào nhau, mẹ có vẻ chưa thoát khỏi đống ly rượu bẩn.
- Thực ra những lúc hai đứa ở cạnh nhau mẹ vẫn không hề thấy sự tồn tại của Nam. Kiểu như tâm trí cậu ta không bao giờ ở bên cạnh con.
- Mẹ à!
Mẹ đã thôi nói, tôi cũng không gọi thêm lần nào nữa, chỉ còn tiếng thủy tinh va lanh canh dội vào thứ ánh sáng mờ ảo trong quán bar. Rồi tôi chợt tỉnh giấc.
Ánh trăng bàng bạc hiện ra bên ngoài cửa sổ. Rèm cửa bằng voan mỏng tang tựa hồ biến mất. Nam vẫn ngủ say, anh gác cẳng tay gầy khẳng khiu ngang hông tôi, bàn tay buông thõng chạm nhẹ tấm ga giường. Tôi nằm xoay lưng về phía Nam. Nếu mặt đối mặt, chắc hẳn ánh trăng đã soi rõ gương dạng tôi lúc này. Nam có lẽ sẽ tỉnh dậy và thấy tôi đang nước mắt giàn giụa.
Bỗng chốc cánh tay khẳng khiu ấy cựa quậy, tôi nín thở vì sợ Nam thức dậy sẽ thấy tôi đang nhìn ánh trăng mà khóc.
Một bàn tay đặt lên vai tôi, khi ấy đang vận một chiếc áo cánh mỏng. Tay Nam thật lạnh.
- Em thức đấy ư?
- Em làm anh thức giấc rồi - Tôi khẽ khịt mũi và quệt chút nước mắt còn đọng lại.
- Không có, anh vừa mơ thấy cái hồi khủng khiếp đó.
Nam cười khẽ. Tuy nhiên bàn tay anh vẫn toát ra hơi lạnh kỳ lạ. Luồng hơi lạnh ấy xuyên qua lớp áo cánh mỏng, lan khắp người. Tôi chui mình sâu hơn vào chăn, trườn người lại gần Nam hơn một chút.
- Lúc mẹ đột ngột đi đâu mất phải không? Eo! Người anh lạnh quá Nam ạ. Anh vừa chạy từ nơi nào về đây phải không, cứ như một cái ly thủy tinh ấy.
Nam trở người. Anh nằm thẳng nhưng vẫn giữ cách gần gụi, cánh tay trái vẫn áp vào tôi. Nam cười lớn.
- Em làm sao lại có thể nói hết những điều anh đang nghĩ như vậy chứ! “Như một cái ly thủy tinh lạnh lẽo”. Anh vừa mơ thấy rất nhiều những cái ly thủy tinh đấy.
- Thật ư? - Tôi ngước mắt nhìn.
Dưới ánh trăng, Nam trông thật hiền dịu. Anh vốn lúc nào cũng hiền, nhưng để gợi lên những xúc cảm dễ chịu và xa lạ này, phải là một Nam nằm dưới ánh trăng.
Mẹ tôi cũng mang nét đẹp hiền dịu ấy, nhất là những ngày cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ. Chuyện mẹ mất cứ thế diễn ra và rồi trôi đi, bởi vì khi đó tôi còn quá nhỏ để chứng kiến chuyện đau lòng như vậy, nên người lớn đã không hề nói gì ngoài những câu lấp liếm vội vàng. Khi đủ lớn, chỉ còn lại mớ ký ức về mẹ tựa như thứ ánh sáng xanh bạc trong những đêm trăng tròn: quá lạnh, nhưng lại gần gụi và dễ chịu biết bao!
Từng sợi lông tơ trên gương mặt Nam sáng lên như một đường viền màu bạc. Anh nhắm mắt ơ hờ, khóe miệng vẫn còn dư âm của nụ cười lúc nãy. Ngực Nam mỏng như thể cả cơ thể bị ép chặt vào mặt ga giường. Anh nằm im như vậy, dưới ánh trăng thật đúng là mang vẻ hiền dịu của mẹ.
- Đúng thật là anh đã đi tới đó chứ không phải là một giấc mơ Mai à.
Anh ngừng một lát, mắt vẫn nhắm khẽ. Trong đêm tối dường như có thể nghe cả tiếng Nam nuốt nước bọt, trong khi cơ thể vẫn lạnh như một cái ly thủy tinh uống whisky.
- Anh đã phải trốn ba và cả nhà nội để đi tìm mẹ. Em biết đấy, cũng lắm khó khăn! Rồi anh chạy đến một ngôi làng ngay dưới chân núi. Anh nghe thấy tiếng thủy tinh va vào nhau trong một ngôi nhà nằm sâu trong một con đường mòn nhỏ. Không biết sao vì tiếng động ấy mà anh đã đứng nép mình bên hàng rào suốt nhiều tiếng đồng hồ liền. Anh chọn căn nhà ấy, chứ không phải nơi khác.
- Anh thích tiếng động ấy ư?
- Không hẳn là thích nữa, nhưng chúng thực sự rất quen thuộc. Tự nhiên khi ấy anh tin rằng lúc còn bé, bé thật bé ấy, lúc anh chưa nói gì cả, lúc còn là em bé còn nằm trong nôi ấy... em biết đấy, các bà mẹ thường đặt con mình trong một cái nôi rồi đặt chúng ở đâu đó trong nhà, nơi họ có thể vừa làm việc nhà vừa quan sát được.
Tôi mường tượng thấy mẹ, nhưng mà mẹ không loay hoay làm việc nhà, mẹ đang pha rượu đằng sau quầy bar.
- Lúc bé tí ấy mà Nam đã nhận thức được rồi ư? Ý là em chỉ biết điều này qua phim ảnh và tưởng tượng, hoặc là nhìn thấy một em bé khác và một bà mẹ khác thôi. Chứ ký ức của em thì chỉ đến những năm tiểu học hay sao ấy.
- Đúng là anh không nhận thức được. Nhưng ngay lúc đứng bên hàng rào ngôi nhà trong giấc mơ, anh lại nhìn thấy mình nằm trong nôi, nghe thấy tiếng thủy tinh va vào nhau nên mở mắt ra và nhìn thấy mẹ luôn. Mẹ đứng ở bồn rửa, lúc ấy đang quay mặt về phía anh. Anh cứ cố quờ quạng tay chân và gọi mẹ, nhưng anh không biết gọi thế nào…
- Anh đã nghĩ những đứa trẻ lúc còn chưa nhận thức được, vốn dĩ đã mang trong mình niềm nhớ thương mẹ khôn nguôi, như cái lúc anh đứng bên hàng rào nhà người lạ, sau một cuộc chạy trốn ấy. Và ngay cả lúc này nữa, Mai ạ.
Tôi nghe thấy tiếng Nam nuốt khan, quả khế ở cổ họng chạy đi chạy lại.
Ngay cả lúc này, Nam đã nói như vậy. Ký ức của một đứa trẻ nằm trong nôi, hay của một người lớn ngồi trong quán bar xưa cũ. Cả tôi và Nam đều nghe thấy mẹ, biết mẹ ở đó, nhưng đã không nhìn thấy mẹ thêm một lần nào nữa.
Tất cả mọi mảnh ghép đều rời rạc. Cả giấc mơ của Nam và tôi. Cả Nam, và tôi. Cả mẹ của chúng tôi. Tuy nhiên mọi thứ ấy đều khiến tôi vừa đau đớn vừa dễ chịu khi nghĩ đến, như thể người ta không thể sống thiếu ký ức và nỗi cô đơn. Bởi nếu mất đi hai điều đó, cả tôi và Nam đều mất đi những gì còn sót lại về mẹ và cho cả bản thân mình.
Nếu ngày mai Nam thực sự đi tìm mẹ, tôi sẽ thêm một nỗi mất mát nữa!
Trong giấc mơ của mình, tôi sợ tôi quên mất Nam trong khoảnh khắc bốn cô bé nhảy múa trên màn hình ti vi. Tôi sợ phải nghe một bài hát vui nhộn trong lúc ở đâu đó bên ngoài, Nam đang biến mất tự lúc nào tôi không hay biết. Lòng dạ hân hoan, cho đến khi bức màn xám đột ngột kéo lên, và gương mặt mẹ Nam xuất hiện. Sâu trong tâm khảm, tôi biết đi qua những thời khắc ấm áp cùng nhau, Nam một hôm sẽ đi tìm người mẹ đã bỏ đi của anh. Tìm người mẹ - hay là tìm chính anh trong mớ ký ức buồn thương.
Cả một nỗi đau đớn rằng thực ra mẹ tôi từ lâu đã không còn ở trong không gian ấy nữa.
Mẹ biết rằng nỗi cô đơn của tôi và Nam dường như bất khả xâm phạm. Kể cả việc Nam ở bên cạnh tôi nhưng tâm trí anh đã thực sự trôi đi từ rất lâu. Cho dù Nam có ôm tôi một trăm lần, anh và tôi vẫn không phải là một. Chúng tôi là hai thực thể độc lập. Nam ngày nào đó có thể bỏ tôi đi, mẹ biết tất cả. Và thực ra bà không còn ở đấy.
Tôi tìm thấy Nam trong một lần lang thang trên phố lúc nửa đêm. Khi ấy tôi thực sự không biết mình cần gì, cho đến khi bắt gặp người đàn ông ngồi im lặng trước siêu thị 24 h. Bóng anh gầy, hắt xuống nền sàn mong mỏng dưới ánh sáng chói rõ của ngọn đèn neon trong siêu thị. Cả khu phố đã tắt đèn. Ngọn đèn đường gần nhất cũng tù mù và đầy những con thiêu thân tội nghiệp. Anh ngồi ở bậc thềm thật lâu với lon nước trên tay. Tôi cứ đứng yên như vậy vì nghe thấy cảm giác gì đó thật thân quen. Sau này tôi mới hiểu, có lẽ chính nỗi cô đơn đã mang lại cảm giác thân quen giữa hai người xa lạ.
Đêm đó tôi đã nằm mơ thấy mẹ. Thực ra vẫn là giấc mơ trong quán bar chỉ có tiếng của mẹ. Mẹ đã nói về chuyện bầu bạn, và mẹ cũng đã nói rằng một lúc nào đó Nam cũng sẽ bỏ tôi ra đi.
- Bởi vì cả hai con không phải là một. Hai không bao giờ là một, nhất là hai nửa cô đơn! - Khi tôi nghĩ về ánh mắt Nam đã ngước lên nhìn tôi trong cái đêm ấy, mẹ đã nói vậy trong giấc mơ!
Không hiểu sao tất cả những giấc mơ về mẹ đều là trong quầy bar khi đã vãn khách, lúc đêm gần về sáng. Đôi khi tôi ước tôi luôn mơ đúng lúc quán bar đông khách, khi người tấp nập ra vào. Không khí khi ấy sẽ có mùi thuốc lá lẫn vào rượu, lẫn với hơi người tạp nham kỳ dị. Nhưng không! Tất cả những giấc mơ về mẹ đều chỉ có mình tôi và tiếng của mẹ. Tiếng mẹ nói vọng đến từ ngóc ngách nào đó như thể cuộn băng được thâu sẵn và sắp xếp kỹ lưỡng. Đêm này là tiếng mẹ trả lời trên nền tiếng ly rượu bẩn va vào nhau. Không gian chỉ có tôi và bàn ghế xô lệch. Có khi ánh sáng trăng xuyên qua rèm cửa sổ soi rõ bụi trên quầy kệ khiến tôi có cảm giác mình thực sự đang trở về, khi quán bar đã đóng cửa một thời gian dài sau ngày mẹ mất.
Ánh trăng đổ một vũng ánh sáng xuống chỗ tôi và Nam. Anh vẫn nhắm hờ đôi mắt. Lúc này tôi đã dụi đầu vào nách Nam. Tay anh vòng qua đầu tôi, ôm nhẹ phần vai trái.
- Giá mà em có thể đổi giấc mơ cho anh. Nam ngồi trong quán bar của mẹ em, nhìn thấy mẹ anh trên ti vi. Còn em khi ấy sẽ nằm trong chiếc nôi đặt trong bếp nhà mình và quờ quạng chân tay. Mẹ em, bà chắc hẳn sẽ quay lại giữa những lúc rửa ly tách. Bà hẳn sẽ nhìn em và mỉm cười cho dù em không hề gọi mẹ ơi mẹ ơi, Nam ạ.
Nam không nói gì, ánh trăng vẫn đổ một đường viền màu bạc xuống gương dạng hiền dịu. Khoảng trống trên đầu anh tựa hồ đông đặc. Tôi ngước nhìn, thấy trên đầu mình cũng đọng lại một khoảng không có ánh sáng bạc của ánh trăng đêm. Chúng như những giấc mơ đang thành hình, được dệt từ sợi ký ức và những khoảng tâm hồn thương nhớ của cả tôi và Nam. Sự mệt mỏi mơ hồ xâm chiếm, nhưng mà đâu đó trong bóng tối, tay Nam vẫn xiết chặt bàn tay nhỏ bé của tôi, mặc cho hơi lạnh phủ dần đầy. Chúng tôi thực sự không giống như những người sẽ lìa xa nhau, hoặc không giống như những người sắp sửa tan đi vì nỗi cô đơn.
Ánh trăng dường như mỗi lúc một lạnh, đến mức nỗi buồn rầu ngập tràn không gian và tâm trí. Nam không nói gì, nhưng tôi biết anh không thể nào ngủ tiếp sau đó. Tôi cứ thế nép thật chặt vào cánh tay anh, đấy là chút hơi ấm cuối cùng còn sót lại trên thế gian này.
Tôi cố giữ cho mình được ấm, để không rơi vào giấc mơ nào khác. Nhưng luồng hơi lạnh vẫn từ đâu đó đẩy tới. Hơi lạnh khiến tôi lại mường tượng đến viên đá nhỏ trong ly whisky, tiếng mẹ khuấy rửa ly rượu, tiếng truyền hình đều đều trong quán bar năm nào.
- Mẹ à, ra đây đi…
Không có ai trả lời.
- Mẹ ra đây đi, con rất nhớ mẹ!
Mẹ đã không còn ở đây, kể cả trong giấc mơ không có thực. Đến gương mặt mẹ tôi cũng không thể nhìn thấy trong giấc mơ của chính mình.
Buổi sáng, tôi thức dậy khi ánh trăng đã tan bởi ánh sáng của mặt trời. Trên cánh mũi còn đọng lại chút sương lạnh, như thể tôi đã ôm khối băng giá ngủ suốt đêm. Nam thực sự đã đi, tan như ánh sáng bạc hiền dịu về ánh trăng và mẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.