Trăn trở rối nước Đào Thục

19/05/2011 01:07 GMT+7

Được biết đến như một trong những chiếc nôi của nghệ thuật rối nước Việt Nam, nhưng phường rối Đào Thục (Thục Lâm, Đông Anh, Hà Nội) vẫn đang đứng trước nhiều nỗi lo.

Về Đào Thục một buổi chiều đầu hạ oi ả, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Ngô Minh Phong, Phó phường rối nước Đào Thục, đồng thời là chủ một xưởng cơ khí khá lớn.

Người đàn ông đã có gần 30 năm gắn bó với nghề kể, có lần, một khách du lịch người Canada về làng xem xong đã cảm động mà khóc không thể tưởng tượng được những người nông dân chất phác quê mùa như thế lại có thể biểu diễn những tiết mục rối nước hay đến thế. Có cậu bé người Pháp xem xong nằng nặc đòi bố mẹ mua các con rối để chúng… tự diễn khi về Pháp.

Phường rối Đào Thục cũng đã từng chinh chiến nhiều nơi, cả trong nước lẫn nước ngoài. Trong phường rối, có cả những người dù là phụ nữ nhưng đã 20 năm gắn bó với nghề như bà Đặng Thị Thỏa. Vốn là thành viên tổ nhạc, nhưng từ khi có nhạc ghi sẵn vào băng, đĩa, bà Thỏa quyết định… “xuống nước” làm diễn viên, khi nào khách yêu cầu thì lại lên hát.

Dù vậy, trong số 40 người của phường rối chỉ có một nửa thường xuyên biểu diễn. Trong phường, người già nhất đã gần 80 tuổi, người trẻ nhất mới 16, mỗi tháng, phường phục vụ khách du lịch khoảng 20 buổi nhưng thù lao mà họ nhận được lại không đáng là bao.

Suất diễn cho một đoàn khách du lịch dưới 10 người là 1,5 triệu đồng, đoàn từ 15 đến trên 20 người thì họ được 1,8-2 triệu đồng. Trừ đi các loại chi phí cho pháo hoa, tiền điện, tiền đầu từ cho các con rối… mỗi diễn viên trong đoàn chỉ được khoảng 50.000 đồng mỗi buổi. Số tiền ấy so với thu nhập từ các công việc khác mà người làng đang làm như mộc, sắt thép (khoảng 200.000 mỗi ngày)… thì chẳng thấm vào đâu.

Phường rối tồn tại được đến bây giờ, có công của chính quyền địa phương, của Phòng Văn hóa huyện Đông Anh và những người sống chết với rối, nhưng cũng đã có khoảng 6, 7 người phải bỏ nghề vì gánh nặng kinh tế gia đình, ông Phong cho biết.

Phường rối từng mở lớp đào tạo cho khoảng 15, 16 thanh thiếu niên, nhưng đến giờ thì “đa số đã bỏ hết, chỉ còn lại 6 cháu. Vì ở ngoài thấy chúng tôi biểu diễn nhiều thì tưởng được nhiều tiền, nhưng khi vào làm rồi mới biết chẳng được bao nhiêu, thế nên mới có những người không trụ nổi mà bỏ nghề”, ông Phong chia sẻ.

Rối nước Đào Thục cũng nhận được những sự quan tâm nhất định, như được nhà nước đầu tư 10 tỉ đồng để mở rộng 2 km đường vào làng, rồi 150 triệu đồng để làm hai thủy đình di động, hoặc được tự liên hệ để biểu diễn tại các địa phương… Nhưng có những điều tưởng đơn giản mà lại rất quan trọng đối với phường rối, đó là… con rối.

Theo ông Phong, mỗi buổi diễn cần khoảng 100 con rối, nhưng vì thường xuyên ngâm nước nên rối rất nhanh hỏng. Với chi phí cho mỗi con khoảng 500.000 đồng, nếu làm mới toàn bộ sẽ mất đến 500 triệu đồng, một chi phí không hề nhỏ. Tạm thời, cứ con nào hỏng, diễn viên trong phường sẽ tự đục đẽo, sơn phết để có cái biểu diễn.

Một chuyện tưởng như rất nhỏ nữa, song lại chưa có ở Đào Thục, đó là một… nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn cho khách quốc tế, trong khi sân khấu, thủy đình, khán đài đã được xây dựng khá khang trang. Theo ông Phạm Minh Huỳnh, cán bộ văn hóa xã thì: “Mặc dù rất tâm huyết với rối nước của Đào Thục, nhưng vì UBND xã cũng không có nhiều kinh phí để hỗ trợ nên chúng tôi chỉ có thể giúp bằng cách định hướng phát triển và tạo điều kiện để làng đi biểu diễn, hay mỗi khi làng có nguyện vọng gì thì chúng tôi sẽ giúp đề xuất lên với phòng văn hóa của huyện”.

Hoài Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.