Trăm nẻo ảnh khỏa thân

01/03/2012 03:46 GMT+7

Chưa có một triển lãm ảnh nude (khỏa thân) nghệ thuật chính danh được tổ chức, trong khi đó, trên nhiều phương tiện truyền thông lại nhan nhản các bức ảnh khoe thân phản cảm.

Chưa có một triển lãm ảnh nude (khỏa thân) nghệ thuật chính danh được tổ chức, trong khi đó, trên nhiều phương tiện truyền thông lại nhan nhản các bức ảnh khoe thân phản cảm.

Nghệ thuật khác phơi bày

Làm sao để khắc phục những tồn tại trên là vấn đề được đưa ra thảo luận trong buổi hội thảo lấy ý kiến Thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh, diễn ra vào ngày 29.2 tại Hà Nội.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN cho rằng ảnh nude có hai loại: nghệ thuật và phơi bày. Ảnh nude phơi bày có thể chụp ở bất cứ đâu, cốt yếu khoe cơ thể, còn ảnh nude nghệ thuật lại đòi hỏi phải tư duy, dùng ánh sáng, hình khối để thể hiện nét đẹp của cơ thể. Theo ông Cường, công chúng, và ngay cả nhiều nghệ sĩ chưa phân biệt được hai loại ảnh nude. Vì sao?

Ông Lương Xuân Đoàn - Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo T.Ư), cho rằng nhiều người không phân biệt được là bởi có quá ít cơ hội được tiếp cận với ảnh nude nghệ thuật. Ông Đoàn bày tỏ: “Trong hoạt động nhiếp ảnh, tự nhiên ảnh khỏa thân lại bị loại khỏi sáng tạo, mặc dù chúng ta đã có nhiều nghệ sĩ thành công. Ảnh nude nghệ thuật của các tác giả như Trần Huy Hoan, Thái Phiên... dù phô hình thể nhưng vẫn kín đáo. Chất nhục cảm trong ảnh nude là phải có, nếu triệt tiêu thì không còn là nghệ thuật. Phải có xúc cảm thẩm mỹ, chứ không phản cảm khi chụp, điều này đòi hỏi trình độ thẩm mỹ của nghệ sĩ”. Trên thực tế, không có luật cấm triển lãm ảnh nude nghệ thuật, nhưng việc xin cấp phép lại gặp muôn vàn trở ngại, khó khăn. Từ trước đến nay, chưa triển lãm ảnh nude nghệ thuật đúng nghĩa nào được diễn ra.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nhìn nhận: “Bản thân chúng ta còn dè dặt trong việc công bố ảnh nude nghệ thuật. Trong khi những người chuyên môn mong muốn có nhiều triển lãm, hay những trang web để định hướng cho công chúng thưởng thức hiểu rõ, hiểu đúng về loại hình này”. Ông Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh: “Cần phải làm sao để nhiều người làm quen với ảnh nude nghệ thuật, rồi từ đó phân biệt, không nhầm lẫn với ảnh khiêu dâm, đồi trụy”.


Tác phẩm Lời của biển - Ảnh: Thái Phiên
 

Ảnh khoe thân phản cảm, khó xử lý?

Buổi hội thảo nóng lên bởi nhiều ý kiến nêu rõ: tình trạng ảnh nude, khoe thân phản cảm xuất hiện tràn lan trên nhiều trang mạng. Đại diện Tạp chí Nhiếp Ảnh nêu ý kiến: Tiền kiểm là rất khó nhưng khi trang mạng đã phát tán thì cần xử lý thật nặng, đầu tiên có thể là cảnh cáo, nhưng sau đó phải xử lý hành chính, nếu cố tình có thể áp dụng mức cao nhất là đình chỉ hoạt động của trang mạng. Theo bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thì quản lý trên mạng là việc không dễ, bởi thông tư chỉ có hiệu lực ở VN, trong khi mạng là toàn cầu. Máy chủ ở trong nước thì quản lý được, ở nước ngoài thì không.

Liên quan đến việc đăng tải những hình ảnh phản cảm xuất hiện trên các trang báo mạng hiện nay, ông Vi Kiến Thành bày tỏ: “Báo mạng là cái khó của thông tư này, cũng như cái khó của thực tế hiện nay. Chúng tôi phải phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông tìm ra giải pháp xử lý. Trường hợp không thể tiền kiểm thì phải xử lý theo hình thức hậu kiểm. Hậu kiểm cần sự phối hợp của thanh tra, thành lập hội đồng đánh giá mức độ sai phạm đến đâu, như thế nào, sau đó áp dụng khung phạt. Về phạm vi điều chỉnh thông tư cũng cần xem xét lại, nếu không sẽ chồng chéo. Bởi luật báo chí đã quy định việc quản lý ảnh trên báo chí. Cái khó là hiện nay phân định đâu là ảnh báo chí, đâu là ảnh nghệ thuật khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông”.

Về vấn đề này, ông Lương Xuân Đoàn cho rằng với những bức ảnh phản cảm đăng tải, thì đầu tiên cần xử phạt người đã tung bức ảnh đó lên, bởi: "Chính họ là người kiểm soát chất lượng ảnh đẹp hay xấu”.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.