Trách nhiệm với đất nước của nhà văn trẻ

24/09/2015 06:05 GMT+7

Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai khai mạc hôm nay (24.9) tại Hà Nội với sự tham dự của 150 đại biểu...

Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai khai mạc hôm nay (24.9) tại Hà Nội với sự tham dự của 150 đại biểu gồm các cây bút trẻ của Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Thọ, Ninh Bình... cùng nhiều nhà văn, nhà thơ ở Hà Nội.

Bìa sách Tổ quốc nơi đầu sóng qua các tác phẩm báo chíBìa sách Tổ quốc nơi đầu sóng qua các tác phẩm báo chí
Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ nhất diễn ra vào năm 1993 với sự góp mặt của nhiều cây bút trẻ xuất hiện sau đổi mới, ghi nhận những thành công bước đầu của một thế hệ đầy tiềm năng mà nhiều người trong số họ sau đó trở thành hội viên Hội Nhà văn VN với những tác phẩm văn học được dư luận ghi nhận như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Xuân Nguyên...
Sau 22 năm, Hội Nhà văn Hà Nội mới có điều kiện tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai. Từ hội nghị lần trước đến lần này, sự xuất hiện của những người viết trẻ thuộc thế hệ mới đã làm cho đời sống văn học đương đại thêm phong phú, đa dạng với nhiều khởi sắc.
Những đóng góp và tồn tại
Nhìn lại dòng chảy văn chương đương đại sau 22 năm, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội nhận định: “Bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận của văn học trẻ khi đưa được diện mạo mới, hơi thở mới, cảm xúc mới, đời sống văn chương mới vào các tác phẩm được công chúng văn học và dư luận cổ vũ, vẫn còn một vấn đề tồn tại quan trọng. Đó là trong các khuynh hướng đổi mới sáng tác của văn học trẻ những năm qua, có thể nhận thấy một số thời điểm, khuynh hướng thương mại hóa văn chương giải trí đã lấn át tính nhân văn sâu sắc vốn có của văn học đích thực. Và sự lệch chuẩn mang danh “văn chương tìm tòi” đã trở nên xa lạ với bản sắc văn hóa Việt truyền thống. Vì vậy, cũng thông qua Hội nghị những người viết văn trẻ thủ đô lần này, các hội thảo văn học với sự tham gia của các tác giả trẻ cùng với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu khoa học lớp trước sẽ góp phần nhận diện, định hướng và khắc phục những khiếm khuyết, thiếu hụt... của văn học trẻ”.
Nhận xét về văn trẻ, nhà văn Nguyễn Thế Hùng cho rằng: “Hiện nay, tác giả trẻ thiếu vắng trên các tờ báo văn nghệ nhưng khá nhộn nhịp ở lĩnh vực sách xuất bản và lứa nhà văn trẻ cũng đã có những cuốn sách bán chạy như Khúc Cẩm Huyên với cuốn Ai cho em nằm trên; Xóa hết dấu vết trước khi về nhà - Đức Long; Anh sẽ cưới em thêm nhiều lần nữa, Yêu là yêu, thế thôi! - Hoàng Anh Tú; Lạc lối giữa cô đơn - Nguyễn Minh Nhật; Thoát y dưới trăng, Lạc giới - Thủy Anna; Buồn làm sao buông - Anh Khang; Chuyện tình New York - Hà Kin... Chúng tôi xin trích dẫn lời thú nhận của chính Hà Kin: “Tác phẩm của tôi chỉ là một dạng tự truyện, không phải là một tác phẩm văn học”. Ngoài dạng sách tự truyện, đa số còn lại những cuốn tiểu thuyết viết về trai gái gặp nhau rồi yêu, yêu rồi lên giường, rồi tình tay ba tay tư, rồi gối, rồi chăn, rồi giường, rồi chiếu và các kiểu làm tình. Họ viết sex chỉ đơn thuần là sex mà không để chuyển tải bất kỳ một nội dung, một thông điệp cuộc sống nào. Đơn giản là vì: thấy người ta viết sex được thì mình cũng viết được”.
Ở một góc nhìn khác về thơ, tác giả trẻ Đào Quốc Minh nhận xét: “Thơ trẻ đương đại cần phải phản ánh vấn đề con người. Vấn đề con người có vai trò quyết định đến sự hình thành, tồn tại, phát triển và diệt vong của thơ trẻ đương đại. Thơ trẻ đương đại phải coi mình là một sự phản ánh thông qua lăng kính cảm xúc, lăng kính ngôn ngữ, lăng kính mỹ học và lăng kính triết học về vấn đề con người”.
Văn học gắn với sự phát triển của đất nước
Một nhà thơ trong ban tổ chức cho biết, tại hội nghị này, các cây bút trẻ tiến hành hội thảo “bàn tròn” về chủ đề nhà văn trẻ trong đổi mới sáng tạo văn học gắn với sự phát triển bền vững của thủ đô và đất nước. Các nhà văn tập trung vào các vấn đề: Nhà văn trẻ và đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật; Văn học trẻ với các trào lưu của văn học thế giới; Vai trò của Hội Nhà văn Hà Nội trong việc xây dựng đội ngũ những người viết văn ở thủ đô; Trách nhiệm công dân của người cầm bút với dân tộc, với Tổ quốc; Tâm tư nguyện vọng của các nhà văn trẻ; Sự khác biệt của thế hệ viết văn hôm nay với các nhà văn lớp trước; Các khuynh hướng đổi mới của người viết trẻ hướng tới đời sống và thi ca yêu nước; Vai trò của văn học trong sự phát triển bền vững của đất nước, của thủ đô Hà Nội và đặc biệt, các cây bút trẻ cần hướng các sáng tác mới của mình vào đề tài xây dựng con người và các vấn đề của Hà Nội...
Dịp này, Ban Tuyên giáo TP.Hà Nội đã gửi tặng 150 cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng qua các tác phẩm báo chí cho các đại biểu tham dự hội nghị.
Trong sách này có các loạt bài dài kỳ về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và trận chiến năm 1988 ở Trường Sa in trên Báo Thanh Niên.
Đặc biệt, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, người chỉ đạo thực hiện cuốn sách cho biết: “Đây là ấn phẩm tuyên giáo đầu tiên đưa các bài viết về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 khi Trung Quốc đưa quân xâm chiếm quần đảo của VN. Tất cả những người con hy sinh xương máu mình vì biển đảo Tổ quốc ở cả Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 sau này đều là con dân nước Việt, đều là con của mẹ VN, đều phải được Tổ quốc ghi nhớ công ơn và tôn vinh”.
Cuốn sách này là một công trình, một cuốn cẩm nang về biển đảo VN hôm nay, tập hợp những tư liệu lịch sử, những bài báo, bút ký, ký sự văn chương và những bài thơ hay nhất viết về biển đảo, góp phần đánh thức trách nhiệm với đất nước của các nhà văn trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.