Trả lại 'nhà tĩnh tâm' ở Mỹ Sơn

Hữu Trà
Hữu Trà
05/03/2019 06:40 GMT+7

Ban Quản lý (BQL) di sản văn hóa Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) lên kế hoạch chỉnh trang, di dời hiện vật trưng bày tại nhóm tháp D1, D2 để trả lại nguyên trạng không gian là nhà tĩnh tâm tại khu đền tháp Mỹ Sơn.

Theo BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn, giai đoạn 1990 - 1994, được sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ văn hóa Champa Quảng Nam - Đà Nẵng, Hội Ái hữu văn hóa Champa CHLB Đức và Trung tâm trùng tu di tích Ba Lan, các chuyên gia Ba Lan - VN đã tiến hành gia cố lại các bức tường, làm mái che, xây bục bệ bê tông lớn ở giữa hai tháp D1, D2. Theo ông Lê Văn Minh, Trưởng phòng Bảo tồn bảo tàng thuộc BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn, mục đích của KTS Kazik lúc bấy giờ là xây dựng tạm các bục bệ bê tông giữa tháp nhằm làm nơi trưng bày một số hiện vật tìm thấy ở Mỹ Sơn cho khách tham quan, đồng thời làm nơi bảo quản, bảo vệ hiện vật.
“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tại Mỹ Sơn đã có Bảo tàng Mỹ Sơn ở Khe Thẻ xây dựng rất đẹp và có kho lưu giữ. Như vậy, việc di chuyển các hiện vật ở hai tháp D1, D2 vào bảo tàng để trưng bày là phù hợp, trả lại chức năng ban đầu của hai tháp là hai cái mandaba - là nơi dành cho các giáo sĩ tĩnh tâm trước khi bước vào những buổi lễ chính”, ông Minh nói và cho biết thêm: “Trên hết, các bục bệ bằng bê tông xây dựng ngay chính giữa tháp khiến du khách ngộ nhận đây là những... cỗ quan tài nên e ngại tham quan, thưởng thức các kiến trúc độc đáo nằm tại hai tháp nói trên”. Việc sử dụng gạch xi măng và đá mài tại các nền tháp được xem là can thiệp quá nặng và di tích, gây “chỏi” giữa các loại vật liệu hiện hữu trong tháp cổ.

Khảo sát cẩn trọng

Dù chưa “chốt” phương án chỉnh trang tháp D1, D2 do phải chờ thu thập thêm các ý kiến từ chuyên gia, nhưng BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng đã dự tính sơ bộ lộ trình. Trước tiên, sẽ tháo gỡ một số hiện vật trưng bày theo kiểu “treo tường” bị rêu mốc; sau đó chuyển các hiện vật trên các bục bệ ra khỏi tháp D1, D2 về trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn. Sau đó, mở cửa vào - ra ở tháp D1, D2 rồi làm lại bậc cấp để du khách qua hai tháp này “tĩnh tâm” theo đúng “lộ trình thuở xưa” trước khi đến khu đền chính “hành lễ”. Kế tiếp, tháo dỡ tất cả các bục bệ bằng bê tông, đục gỡ gạch xi măng dưới nền tháp D2 và đá mài tại tháp D1 để lót lại bằng gạch cũ của người Chăm và sửa sang mái che của tháp.
KTS Đặng Khánh Ngọc, Phó viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), cho hay hiện Viện và BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn mới bước đầu thống nhất với nhau về những vấn đề liên quan việc trả lại nguyên trạng cho nhóm tháp D1, D2. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất thận trọng và tiến hành khảo sát kỹ lưỡng để đưa ra các phương án khả thi, phù hợp nhất”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.