Trả lại dáng vẻ xưa cho cầu Trường Tiền

01/08/2017 20:28 GMT+7

Dáng vẻ xưa của cầu Trường Tiền nổi tiếng xứ Huế sẽ được trả lại đúng nguyên trạng với hệ thống lan can ngắm cảnh trên hành lang dành cho người đi bộ.

Ngày 1.8, ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh, Phó cục trưởng Cục đường bộ 2 (Bộ GTVT) cho biết cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đang được sửa chữa lại và sẽ khôi phục lại hệ thống lan can gồm 10 bao lơn ngắm cảnh cho người đi bộ.

Cầu Trường Tiền đang được sửa chữa Ảnh: Bùi Ngọc Long

Theo đó, trong đợt sửa chữa lần này, ngoài việc thảm nhựa lại mặt cầu, đường dẫn hai đầu cầu, sơn sửa lại hệ thống dàn thép bị rỉ sét, cầu Trường Tiền sẽ xây thêm 10 bao lớn ở 5 nhịp cầu hai bên (hình nửa lục giác nhô ra sông đúng như mẫu bao lơn trước đây, mỗi bao lơn có chiều dài 7m, rộng 1,25m) để người dân và du khách ngắm cảnh. Bên cạnh đó, lề đường đi bộ cũng sẽ được lát gạch màu xanh thay vì bê tông như hiện nay.

Dự án tu sửa cầu Trường Tiền lần này có kinh phí gần 3,8 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 10 năm nay.
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương hiện nay là kết quả cuộc đại tu kéo dài từ năm 1991-1995, do Công ty Cầu 1 Thăng Long thực hiện. 
Hệ thống bao lơn trước đây của cầu Trường Tiền Ảnh: Tư liệu
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, cầu được xây dựng từ năm 1897, đến năm 1899 hoàn tất. Thiết kế ban đầu thì cả 2 lề đường dành cho người đi bộ và lan can đều nằm bên trong các vài, chứ không nằm bên ngoài như chúng ta thấy ở cầu Trường Tiền ngày nay. Sàn cầu được lát bằng gỗ.
Năm 1904, một trận bão lớn đã tàn phá làm mất 4 vài của cầu Trường Tiền. Hai năm sau, vua Thành Thái cho làm lại. Lúc này, sàn cầu không lát ván nữa mà được bê tông hóa, còn lan can và lối đi bộ vẫn như cũ.
Cho đến năm 1937, cầu xuống cấp nghiêm trọng nên chính quyền bấy giờ đã đại trùng tu. Lần này, lối đi bộ được đưa ra ngoài các vài, đồng thời chia thành 2 cấp, cấp thấp dành cho xe đạp, phần lề cao hơn để dành cho người đi bộ. Chính năm này, cầu Trường Tiền được xây dựng thêm 10 bao lơn hình nửa lục giác nhô ra sông, đoạn các vài nối nhau, vừa làm điểm dừng chân ngắm cảnh, hóng mát vừa tạo sự mềm mại, duyên dáng cho cây cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.