Tôn vinh áo dài Việt

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/01/2020 06:37 GMT+7

Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, việc mặc áo dài không chỉ là chuyện thẩm mỹ mà còn là trách nhiệm công dân. Mặc để đẹp hơn và cũng để khẳng định áo dài là văn hóa của mình, của ông cha mình.

Nhận quê quán cho áo dài

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Thừa Thiên-Huế, ông Phan Thanh Hải, cho biết một trong những nội dung của Festival Huế 2020 chính là việc tôn vinh, khẳng định nguồn gốc của chiếc áo dài.
Áo dài trên đường phố Hà Nội  Ảnh: Ngọc Thắng

Áo dài trên đường phố Hà Nội

Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông Hải, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công rất lớn để có được chiếc áo dài, vị thế áo dài như ngày hôm nay. Vị chúa này đã chủ trương cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian xứ Đàng Trong, đưa áo dài trở thành trang phục chính thức. “Chúng ta có áo dài như ngày nay thì công người khai sáng là chúa Nguyễn Phúc Khoát rất lớn. Huế có thể xem như là quê hương của áo dài”, ông Hải nói.
Điều quan trọng là tôn trọng đa dạng văn hóa, để áo dài được phát triển nhiều hướng nhất. Nếu việc sử dụng áo dài là di sản phi vật thể thì nó liên tục phát triển
GS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam
Trong khuôn khổ festival, sẽ có tri ân với lễ dâng hương tại lăng của chúa Nguyễn Phúc Khoát, và có ngày áo dài.
Cũng theo ông Phan Thanh Hải, Huế cũng sẽ công bố những tư liệu về phong tục mặc áo dài của địa phương này. “Trong thế kỷ 20, trước năm 1945 thì gần như mọi người Huế đều mặc áo dài. Chúng tôi có nhiều nhà may áo dài truyền thống. Việc mặc áo dài ở Huế không chỉ quen thuộc với nữ mà cả với nam. Hiện tại, các làng quê ở Huế vẫn giữ nghi lễ phong tục đàn ông mặc áo dài. Phụ nữ Huế còn mặc áo dài đi chợ. Chúng tôi sẽ tìm cách giữ mọi yếu tố di sản này của Huế”, ông Hải nói.
Thừa Thiên-Huế không phải nơi đầu tiên có ngày tôn vinh áo dài. Trước đó, TP.HCM cũng đã có lễ hội áo dài, tổ chức hằng năm từ 2014. Về việc để ngày áo dài lan tỏa, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nói: “Tôi vừa họp cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ để chuẩn bị Festival Huế năm nay. Trong Festival Huế, anh Thọ đề nghị sẽ có ngày áo dài của Huế. Ngày áo dài nên triển khai khắp các địa phương trên cả nước. Nó giống như đường hoa Nguyễn Huệ đầu tiên ở TP.HCM, và giờ đây đường hoa lan tỏa ra nhiều tỉnh thành. Áo dài không của riêng ai nên việc lan tỏa thì tốt quá”.

Những cơn sốt áo dài

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, công chúng chứng kiến nhiều cơn sốt áo dài mới. Chẳng hạn, sau bộ phim Tấm Cám, phom áo dài hơi xòe cùng chiếc mấn cách điệu bùng nổ. Phim Cô Ba Sài Gòn lại chứng kiến sự lên ngôi của áo dài may bằng vải mang họa tiết gạch bông. Ở Hà Nội, có những nhóm hoạt động coi áo dài như đồng phục, trong đó có nhóm Đình làng Việt. Đây là nhóm gồm những người yêu đình làng, yêu văn hóa cổ. Họ chọn mặc những chiếc áo dài năm thân trong các hoạt động lễ tết và cuối tuần. Đặc biệt, cùng với Trung tâm văn hóa phố cổ Hà Nội, nhóm thường xuyên mặc áo dài và tham gia hoạt động trên phố cổ để người dân quen mắt hơn với trang phục này.
Mặc áo dài đi chợ hoa ngày tết 	ảnh:  Độc Lập

Mặc áo dài đi chợ hoa ngày tết

Ảnh: Độc Lập

Ông Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên của nhóm, cho biết: “Có nhiều định kiến về áo dài, nhất là áo dài nam. Họ cho rằng đó là một trang phục vướng víu, khó mặc. Tuy nhiên, nó không hề khó mặc như mọi người tưởng tượng. Thân áo không bó sát nên cử động thoải mái và giấu bụng. Hoàn toàn có thể kết hợp với quần tây, giày tây”.
Trong khi đó, những người trong ngành ngoại giao VN đã dần dần mặc áo dài nhiều hơn tại các hoạt động của sứ quán ở nước ngoài. Cũng phải nói thêm, đây là việc làm tự nguyện do muốn giới thiệu văn hóa chứ không phải từ một văn bản hành chính nào. Trong đó, ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại 3 nước Ấn Độ, Nepal và Bhutan là một trong những người tích cực nhất.

Như một truyền thống hiện đại

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết tháng 12 vừa qua ông có họp với Sở Du lịch TP.HCM về việc tổ chức lễ hội áo dài năm nay. Lễ hội này diễn ra vào tháng 3 hằng năm và năm nay là lần thứ 7. Ông Hoàng là cố vấn cho lễ hội từ năm đầu tiên. Tại cuộc họp, ông đề xuất lễ hội áo dài năm nay nên có cái khác lần trước là chọn ra một ngày áo dài. “Đề xuất này được sự tán đồng nhưng còn đang chọn là ngày nào trong tháng 3. Trong ngày đó sẽ phát động, khuyến khích mọi người dù ở vị trí công việc nào, mặc áo dài sao cho phù hợp với sinh hoạt hằng ngày của mình nhất. Ý kiến cũng được sự đồng thuận trong buổi họp để chuẩn bị đề cương trình UBND TP duyệt”, ông Hoàng nói.
Cũng theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng: “Áo dài dù chưa được công nhận chính thức bằng văn bản là quốc phục, nhưng trong trái tim, tiềm thức và kể cả trong nhận thức của nhiều người nước ngoài thì áo dài đã là quốc phục của người Việt rồi. Do đó, nếu phát động để tỉnh thành nào cũng có ngày áo dài, có thể trùng nhau, có thể khác nhau, nhưng đều để áo dài trở thành hình ảnh thân thuộc của người Việt Nam trên mọi miền đất nước thì cũng là ý hay. Chứ không nên địa phương này làm rồi thì địa phương khác không làm”.
Ông Sĩ Hoàng cũng mong muốn có thêm nhiều nơi trưng bày giới thiệu về áo dài. Bảo tàng Áo dài do ông xây dựng hiện cũng đang hoạt động tốt. “Làm sao để thế hệ trẻ thấy quý, thấy yêu và giữ gìn, phát huy áo dài. Nếu không sẽ mất gốc ngay chính trên quê hương mình. Tôi mong các trường coi việc đi bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Áo dài như một hoạt động ngoại khóa về lịch sử văn hóa”, ông Hoàng nói.
Nhà thiết kế này cũng mong muốn các văn phòng, công sở chọn áo dài làm đồng phục. “Trước đây ở Sài Gòn, bước ra khỏi nhà phải xỏ tay vô áo dài. Nhưng giờ đây có nhiều chọn lựa hơn. Chúng ta thấy khi có vụ việc truyền thông Trung Quốc nhận áo dài là của họ thì đã có chuyện mạo nhận văn hóa rồi. Như vậy việc mặc áo dài trở lại không chỉ là thẩm mỹ mà còn là văn hóa và trách nhiệm công dân. Nếu chúng ta ít mặc thì sẽ bị người khác lấy mất. Như vậy nó trở thành trách nhiệm công dân”, ông phân tích.
Nhóm Đình làng Việt có nhiều thành viên nam ủng hộ việc mặc áo dài 	 Ảnh: Đình làng Việt

Nhóm Đình làng Việt có nhiều thành viên nam ủng hộ việc mặc áo dài

Ảnh: Đình làng Việt

Ông Sĩ Hoàng cũng cho rằng các văn phòng hoàn toàn có thể có phòng thay đồ để nhân viên nếu không mặc được áo dài khi đi trên đường thì đến đó thay áo dài thành đồng phục được. “Nhân viên của tôi ở xưởng vẽ, xưởng thêu áo dài vẫn mặc áo dài. Vấn đề là kiểu dáng và chất liệu sao cho phù hợp tính chất công việc thôi. Ở chợ Đông Ba (Huế) có một chị bán nước mía vẫn mặc áo dài bán hàng. Mà không phải quay mía bằng máy điện đâu, bằng sức người luôn. Vì chị ấy mặc áo dài nên người ta thích đến đó uống nước mía của chị. Dễ thương lắm”, ông nói.
Về lâu dài, GS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, cho rằng: “Điều quan trọng là tôn trọng đa dạng văn hóa, để áo dài được phát triển nhiều hướng nhất. Nếu việc sử dụng áo dài là di sản phi vật thể thì nó liên tục phát triển. Mẫu áo dài đưa ra thì phải thích người ta mới mặc. Không nên nệ cổ quá, vì cổ là cổ nào, thời kỳ nào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.