Tốn tiền tỉ xây bảo tàng, nhà hát... vắng khách

08/08/2015 06:00 GMT+7

Nhiều bảo tàng, nhà hát được đầu tư xây dựng hàng chục đến hàng ngàn tỉ đồng, nhưng oái oăm thay…

Nhiều bảo tàng, nhà hát được đầu tư xây dựng hàng chục đến hàng ngàn tỉ đồng, nhưng oái oăm thay…

Tốn tiền tỉ xây bảo tàng, nhà hát... vắng kháchHệ thống âm thanh, ánh sáng bên trong nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cần sửa chữa mới có thể hoạt động - Ảnh: Quỳnh Trân
Khi con số nợ khổng lồ 1.589 tỉ đồng của Sở Xây dựng Hà Nội nợ Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex) từ việc xây Bảo tàng Hà Nội được công bố, nhiều người mới ngỡ ngàng tại sao ngành văn hóa lại nợ nần nhiều đến vậy. Nhưng ngành văn hóa bị oan. Món nợ đó thuộc về chủ đầu tư là ngành xây dựng. Số nợ đó nói lên sự bất ổn trong quy trình xây dựng bảo tàng. “Chủ đầu tư là ngành xây dựng. Họ xây bảo tàng. Còn khâu trưng bày - phần quan trọng cốt lõi của Bảo tàng Hà Nội - thì họ thuê ngành văn hóa làm”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói.
Bảo tàng chỉ có vỏ không có ruột
Theo ông Huy, nhiều bảo tàng đang được xây theo quy trình ngược. Chính ngành văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng như bị đẩy ra ngoài việc hình thành thiết chế máu thịt của mình. Ngoài chuyện chi phí xây dựng cơ bản choán hết đầu tư, lấn át phần đầu tư nội dung còn có chuyện bên xây dựng cũng cầm trịch luôn việc làm nội dung. Ngành văn hóa khi đó bị đi làm thuê ngay trên địa hạt của mình. Thậm chí, nếu bên xây dựng không thuê cán bộ Bảo tàng Hà Nội làm nội dung cho bảo tàng đó, mà thuê một nhóm khác, thì Bảo tàng Hà Nội cũng phải chịu. “Không chỉ Bảo tàng Hà Nội như thế, Bảo tàng Quảng Ninh cũng vậy”, ông Huy cho biết.
Đầu tư như thế, mấy chục tỉ đồng, rồi biến nó thành cái tào lao. Họ vứt toàn bộ cái nội dung đó đi, trưng bày cái khác... Nó như là phá hoại. Tốn của nhà nước bao tiền cho hết
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan
Còn nhớ, việc cân đối nội dung trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh đã khó khăn đến nỗi, dù được giải thưởng kiến trúc, nhưng công trình này vẫn gần như rỗng ruột. Theo một số nhà chuyên môn về bảo tàng, Bảo tàng Quảng Ninh không thể nói là có trưng bày hấp dẫn được. Thậm chí, ông Trần Trọng Hà, Giám đốc bảo tàng này, từng chia sẻ trên báo chí về cảnh “có vỏ không có ruột” của nó. Ông còn kể thêm nhiều bảo tàng địa phương như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương làm cả chục năm mà vẫn chưa trưng bày xong.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan từng được mời làm dự án nội dung cho Bảo tàng Nghệ thuật biểu diễn truyền thống VN. Dự án này do chính Bộ VH-TT khi đó làm chủ đầu tư. Ông Loan cùng đồng nghiệp đã đi điều tra khảo sát hiện vật. Nội dung dự án đã tính kỹ đến phương án trưng bày. Từng gian trưng bày, từng hiện vật, thậm chí cả tư liệu video để tương tác cũng đã được ghi, được chọn. “Đầu tư như thế, mấy chục tỉ đồng, rồi biến nó thành cái tào lao. Họ vứt toàn bộ cái nội dung đó đi, trưng bày cái khác. Phí cả công mời chuyên gia Pháp. Rồi sau đó biến cái bảo tàng đấy thành cái thứ khác. Nó như là phá hoại. Tốn của nhà nước bao tiền cho hết”, ông Loan nhớ lại.
Nhà hát không thể sáng đèn
Nhà hát chèo Kim Mã, Hà Nội cũng vậy. Khi các vở diễn của nhà hát chèo này đã theo lối thể hiện như sân khấu phương Tây thì người ta vẫn xây dựng một không gian ba mặt như trong đình làng xưa của chèo. Chính điều đó làm cho nhà hát không thể phù hợp với vở diễn. Và nếu như những người xây dựng nhà hát đó ngồi với các nhà văn hóa, nhà phê bình, nghệ sĩ… nghe góp ý phản biện thì sân khấu đó đã không cập kênh đến vậy.
Khi những nhà hát, bảo tàng cứ xây và không có khách, thì ông Huy lại đi làm những dự án nhỏ như Bảo tàng Hải quan, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên... “Tôi nghĩ bảo tàng không nhất thiết phải lớn mới được. Đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế của chúng ta, tại sao chúng ta không làm những không gian nhỏ mà có ý nghĩa, hấp dẫn”, ông nói.
Sự nhỏ nhắn, ý nghĩa, hấp dẫn đó theo ông Huy phải bắt đầu từ nội dung, từ các hoạt động được thiết kế cho công chúng. “Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc cắt băng khánh thành thì hoàn toàn sai lầm. Hoàn thành công trình về mặt kiến trúc thôi vẫn chưa đủ”, ông nói.
Với các nhà hát cũng vậy. Để các nhà hát sáng đèn, điều quan trọng không phải là to lớn hay không mà do chính những hoạt động được tổ chức ở đó. Nó phải vì cộng đồng, thân thiện ngay từ khoảng sân trở đi. “Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô có sân rất rộng. Và tôi ước gì sân đó được sử dụng để trẻ em chơi trượt patin hay tập hip hop”, ông Nguyễn Đình Thành - một chuyên gia về truyền thông văn hóa, nói.
132 Tỉ đồng vẫn... đóng cửa
Cách đây hơn 2 năm, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) được khởi công hoành tráng. Tuy nhiên, ngày 18.4.2015 dự định khánh thành nhà hát cuối cùng phải bị hoãn do các hạng mục không phù hợp: phòng vé thiết kế vị trí hiện hữu phải chuyển qua phòng căn tin để gần với lối đi vào; lan can của tầng lầu che khuất tầm nhìn khán giả phải chỉnh lại cho phù hợp; hệ thống đèn “khủng” chiếu sáng sân khấu phải đưa sang hai bên cánh gà; ghế ngồi trong khán phòng phải lắp ghép, sắp xếp lại theo kiểu so le để người bên dưới không bị vướng tầm nhìn do khán giả ngồi phía trước. Sân khấu thể nghiệm tại lầu 4 (298 chỗ ngồi) cũng phải chỉnh sửa thì mới có thể biểu diễn.
Chính vì vậy, công trình dù bỏ ra gần 132 tỉ đồng vẫn có đến khoảng... 10 hạng mục cần phải làm lại. Cho đến nay, “thánh đường” cải lương vẫn cửa đóng then cài, chưa thể đưa vào sử dụng.
Công Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.