Tin vào mùa xuân... - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Nghe tin ông già mới được một tờ báo nào đó đặt bài, mà lại là bài tết khiến cả xóm nháo nhào.

Cái tin ấy từ miệng thằng nhỏ đánh giày được truyền nhanh khủng khiếp. Nhanh đến mức mới xế chiều mà cả xóm dạo đã từ khắp mọi nẻo đường trở về đông đủ. Chỉ chờ nhân vật chính xuất hiện là nhao nhao hỏi. Nhuận bút báo tết chắc là cao lắm hả? Đủ tiền mua vé vào nam thăm cháu ngoại không ông? Ủa mà báo nào vậy nhỉ? Mày không biết chữ thì hỏi để làm chi? Thì để hôm đó đi bán báo tui còn rao: “Cô chú mua báo đi. Báo có bài của ông bạn già xóm dạo viết chơi. Mua đi! Mua đi! Bảy mươi năm mới có một lần”. Rao gì mà kỳ vậy mày, sao lại bảy mươi năm? Thì không phải năm nay ông già vừa tròn bảy mươi cái xuân xanh hay sao? Ông cứ nói khơi khơi là ông viết báo mà tụi mình đâu có thấy bài đăng. Hy vọng lần này tụi mình không mừng hụt. Hay là cược cái gì đó cho vui? Một chầu bia đã đời có kèm thêm mực nướng, chơi không? Ủa mà bài báo tên gì? Ai là nhân vật chính vậy ông ơi? Sau câu hỏi đó thì đám người lại nhao nhao: “Tui này! Tui này! Viết về tui đi này”. Ông già nãy giờ vẫn ngồi cười, gió lùa vào hàm răng đã có nhiều chỗ trống. Hỏi chỉ để vui vậy thôi chứ cả xóm này ai cũng biết nhân vật chính đâu có đến lượt mình.
Nhân vật chính là bà già từng bán xôi dạo nhưng giờ có khi không còn bán nữa. Chú Bảy xe ôm nói: “Hôm nọ đứng bắt khách ở bến xe tình cờ chở một người cùng quê với bà già. Nghe đâu bà già đã tìm thấy con trai ở mãi tận Sài Gòn nên bà gồng gánh vào đó cho gần con cháu”. Ông già nghe thấy thì vui lắm nhưng đêm vắt tay lên trán lại nghĩ ngợi hoài nghi. Giữa biển người mênh mông này muốn tìm lại người thân đâu có dễ. Nhất là khi bà thất lạc con từ lúc nó còn đỏ hỏn. Mà manh mối kiếm tìm chỉ dựa vào một nốt ruồi son ở đằng sau gáy. Có khi theo thời gian nốt ruồi đã mất đi, vài cái sẹo nào đó lại chen ngang trên mặt. Nhiều đêm ông mường tượng ra cảnh người đàn bà mình thương đang rong ruổi ở ngõ chợ, bờ sông hay đoạn đường vắng ngắt. Trên chiếc quang gánh là thúng xôi nóng hổi chỉ chờ cất tiếng rao là dậy lên hương vị. Bà già ấy lúc xới xôi cho khách luôn tìm cách nhìn vào gáy người ta. Đến cả lúc khách quay gót đi xa bà vẫn dán ánh nhìn vào gáy họ trút một tiếng thở dài khe khẽ. Thỉnh thoảng bà cũng kể câu chuyện về đứa con mất tích như một cách hỏi dò. Trong đó có đoạn “nó quấn chiếc tã được cắt từ chân quần cứng còng queo. Mắt nó đen láy tròn xoe. Hai bàn tay bụ mẫm như hai nải chuối mắn. Lúc nào cũng chỉ thích rúc vào ti mẹ. Ngày đó tôi ăn toàn sắn, sữa vừa ít vừa nghèo chất. Tội nghiệp thằng nhỏ…”. Người ta nghe cũng chỉ biết tặc lưỡi xót xa chứ kể như bà làm sao biết thằng nhỏ là đứa nào trong hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ thất lạc gia đình.
Hồi xưa ông hay chở xe ôm thuê trong nhà ga thành phố. Hành nghề lâu đến mức cái gốc bàng già được dân xe ôm mặc định đó là “nhà” của ông. Ngoài giờ đón khách mỗi khi tàu về ga, còn lại thời gian ông dựng chiếc xe cà tàng rồi nằm vắt vẻo trên đó đọc báo, ngắm người qua lại chờ một cái vẫy tay của khách. Ông ở đó suốt bốn mùa. Từ khi cây bàng khoác lên mình bộ áo già nua với những chiếc lá bám đầy bụi bặm. Cho đến khi cây bàng thay lá trụi trơ ông vẫn ngồi đó ngửa mặt nhìn trời qua cành nhánh khẳng khiu. Ngủ một giấc mùa đông, mở mắt ra đã thấy những chồi non bừng nở. Ngồi cho đến khi bà già xuất hiện thì ông bỏ nghề xe ôm đi bán nước trà. Thiên hạ hỏi đang làm xe ôm kiếm cũng được mà sao lại bỏ nghề? Ông cười bảo “già rồi, xương khớp yếu đi. Đâu có thể luồn lách ngoài đường mãi”. Vẫn gốc bàng xưa, vẫn chiếc xe máy cũ dọn thêm vài cái ghế cho khách ngồi thế là thành quán nước. Người đi tàu thường ghé qua quán của ông bắn điếu thuốc lào, làm cốc trà nóng. Ai cũng mê ông chủ quán hóm hỉnh, chuyện trên trời dưới đất đều thấy tỏ tường. Đâu ai biết ông thường nhòm vô gáy người ta đăm đăm kiếm tìm một cái nốt ruồi màu đỏ. Nhưng dễ gì mà thấy. Bà già nói nốt ruồi chỉ bằng cái đầu tăm. Mắt ông thì mờ. Đôi lúc muốn chạy lại vạch gáy từng người nhìn cho thật kỹ. Người trong xóm dạo bảo nhau “hèn gì ông bỏ nghề xe ôm. Nghề xe ôm thì suốt ngày ngồi phía trước cho người ta nhìn gáy của mình. Chứ có mấy khi ngó được gáy người ta”. Ừ nhỉ…
Ông già tính làm cái bảng ghi dòng chữ “tìm nốt ruồi son sau gáy” rồi treo dưới gốc bàng. Nhưng làm vậy kỳ lắm. Người có nốt ruồi son đã chắc gì người ta muốn nói. Nhiều khi chính họ cũng không biết gáy mình có nốt ruồi nhỏ xíu ấy hay không. Mà giờ giả dụ tìm được người có nốt ruồi son sau gáy cũng chẳng biết bà già ở đâu mà báo tin. Ông để thất lạc bà từ mùa đông ba năm về trước. Một sáng trước khi gánh thúng xôi đi bán bà có dặn “tối cứ ăn cơm trước, đừng chờ”. Thế rồi bặt tin nhau đằng đẵng. Manh mối tìm lại người thương không có gì nhiều ngoài “bà già bán xôi đi tìm nốt ruồi son”. Xóm dạo nghĩ thể nào ông già cũng bỏ việc cất công đi tìm bà khắp nơi. Nhưng không, ông vẫn ngồi đó dưới gốc cây bàng già ngóng về phía nhà ga thành phố. Bởi ông biết có tìm thấy cũng không giữ nổi bà. Một người mẹ chừng nào chưa tìm thấy con mình thì làm sao còn tâm trí sống những ngày thanh thản. Thỉnh thoảng ông có kể về bà với những người xuôi ngược bắc - nam. Ông tin rằng rồi sẽ có ngày một ai đó gặp bà, họ kể về ông già ngồi dưới gốc bàng già để đợi một bà già quay lại. Bọn nhỏ trong xóm dạo bảo nhau “chuyện tình già còn mùi mẫn hơn chán vạn tụi trẻ bây giờ. Cần gì phải yêu đương thề thốt mà vẫn giữ chặt được tim nhau”. Ừ thì…
* * *
Xóm dạo nằm lọt thỏm trong lòng thành phố. Từ đường lớn ồn ã rẽ vào một con ngõ nhỏ, đi quanh co chừng hút xong điếu thuốc là đến xóm dạo thôi mà. Gọi là xóm dạo vì cả xóm làm nghề bán dạo. Vé số dạo, báo dạo, cà phê dạo, đánh giày dạo đến thúng bánh đúc, bánh khoai, hàng hoa, mẹt quả cũng đều đi bán dạo khắp đường cùng ngõ hẻm. Yên tĩnh như một ốc đảo giữa thành phố, chui qua chiếc cổng vòm là hiện ra những mái nhà cấp bốn nối nhau. Gọn gàng, sạch sẽ chứ không giống như mường tượng về một khu ổ chuột dành cho những người lao động nghèo. Ngay cả những chiếc áo cũ sờn cũng thơm tho mùi nắng. Phòng nào cũng đơn sơ, đồ đạc chẳng có gì ngoài những vật dụng thiết yếu. Tủ đồ đã cũ, vài chiếc bát ăn cơm, những đôi giày được xếp ngay ngắn trong góc nhà. Chiếc đài cát sét thỉnh thoảng lại lẹt xẹt dò sóng. Cũng có phòng tậu được chiếc ti vi cũ sóng nhiễu nhập nhằng, mặt cô diễn viên bị kéo dài méo xệch từ góc này đến góc kia màn hình. Ngoài giếng những người về sớm ngồi quây lại nhặt rau, thái thịt. Họ hỏi nhau hôm nay kiếm được nhiều không? Khách có đông không? Thằng nhỏ đánh giày nói mai nó phải ra bưu điện gửi ít tiền về nhà đóng tiền học cho em. Chị bán vé số tính đi mua ít quần áo ấm cho chồng con, shop hàng thùng đầu ngõ mới mở kiện đẹp mà cũng hợp với túi tiền. Ông già ngồi nhìn cây đào bích đang khẳng khiu thay lá, đặt bút viết những dòng truyện tết đầu tiên.
Thực ra ông già đâu phải dân viết chuyên nghiệp. Ngày trẻ cũng thơ phú ra trò nhưng chỉ để bạn bè đọc cho vui. Hồi còn chở xe ôm, những lúc rảnh chẳng biết làm gì ông hay mua báo đọc chơi. Hôm bà già xuất hiện đến ngồi nhờ dưới gốc bàng bán xôi ông cũng đang đọc đi đọc lại tờ báo chi chít chữ trên tay. Bà già ngồi tỉ mẩn cắt những tờ báo cũ thành từng mảnh nhỏ bọc xôi cho khách. Ông để ý thấy bà cắt lạ lắm, chẳng theo hình khối gì. Như thể bà không nỡ cắt đôi một bài thơ hay chia năm xẻ bảy một trang truyện ngắn. Mỗi mảnh báo gói xôi là trọn vẹn một tác phẩm, một chân dung nào đó. Ông cười: “Cắt báo gói xôi thôi mà bà. Cần phải cắt có tâm đến vậy không? Bà cắt vậy để người ta vừa ăn xôi vừa đọc thơ tình yêu chắc? Trời ơi, sáng ra người ta bận trăm công ngàn việc. Nhiều khi cố nhét ít xôi vào bụng để có sức chiến đấu. Chứ còn thời gian, tâm trí đâu mà thưởng thức thơ văn”. Bà chép miệng “Ừ thì…”. Bà cứ hay “ừ thì” như thế, ông nghe cứ thấy xót lòng. Có bữa ngồi đọc Coi tay vào sáng mưa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bà già lấy tay áo lau nước mắt. Như thể từng câu chữ là muối trắng xát vào lòng người mẹ mất con. Tư kể về câu chuyện người đàn bà rất giỏi coi tay đoán vận mệnh cuộc đời. Do từ bé đã được đọc mười ba cuốn Thuật pháp nhân tướng học của ông nội. Sau này vì mải coi tay cho người ta mà bà để lạc mất con ở một cái chợ Sương nào đó. Người đàn bà ấy sau này đã bỏ nghề coi tay vì không chịu đựng được ý nghĩ “mình níu người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình”. Đến một ngày có người mang đến một bàn tay đã bị chém đứt lìa đặt trước mặt bà nhờ coi thử. Bàn tay xanh và lạnh ngắt ấy có một chiếc bớt đỏ trên cổ tay và lóng cuối cùng của ngón út bị gù do một lần đứt sâu băng bó cong queo. Đó là bàn tay đứa con mà bao năm nay bà chờ đợi, kiếm tìm. Cũng là bàn tay của tên tội phạm bị mã tấu chặt đứt trong một cuộc thanh trừng băng nhóm. Bà thầy bói già trong câu chuyện sau bao năm thất lạc con cuối cùng cũng chỉ tìm lại và níu giữ được một bàn tay đã chết. Ông già nhớ khoảnh khắc bà già bán xôi bo chặt lấy ngực mình. Như thể một cơn đau tim vừa mới chạy qua, nó mang theo hình ảnh nốt ruồi son sau chiếc gáy của một đứa trẻ còn thơm tho mùi sữa. Bà già lạc nó ở sân ga quê nhà. Lúc đặt nó nằm ngủ trong chiếc thúng, còn bà thì đội mẹt bánh gai, ngô luộc trên đầu chạy khắp các toa tàu mời khách. Tàu chạy, bà quay lại đã không thấy con đâu. Mấy chục năm qua bà chỉ biết lần theo nốt ruồi son bé xíu mong tìm thấy máu mủ của mình. Bà già từng ước ao: “Giá mà tôi cũng biết viết truyện như cô Tư thì có lẽ tôi sẽ viết về nốt ruồi son đằng sau gáy. Như một ngôi sao luôn lấp lánh ở phía trước, giúp tôi đi qua bao chặng đường tăm tối mịt mù”. Ông già nhủ thầm “có khó gì đâu...”. Kể từ đấy người xóm dạo thấy đêm nào ông già cũng chong đèn ngồi bên trang giấy. Họ không biết ông viết những gì? Viết gửi cho ai? Thằng nhỏ đánh giày từng ghé tai nói nhỏ với chị bán vé số: “Chiều nay thấy ông già đứng tần ngần trước cửa một tòa soạn báo. Tay ông cầm mấy trang giấy chi chít những dòng chữ ngoằn ngoèo”.
Biên tập viên cầm bản thảo của ông khẽ rụt cổ, lắc đầu. Thời đại công nghệ mấy ai còn viết văn bằng bút mực trên giấy trắng như ông. Bản thảo gửi đến tòa soạn chủ yếu qua hòm thư điện tử, được đánh máy sạch sẽ, trình bày đâu ra đấy. Ấy thế mà có khi còn bị bỏ xó vì lượng bài cộng tác gửi về nhiều quá, sức nào đọc nổi. Nhưng tác phẩm nào của ông già ban biên tập cũng phải phân công nhau đọc, không bỏ sót một chữ nào. Vừa đọc vừa dịch những nét chữ xô đẩy lẫn nhau. Vừa mường tượng ra một ông già run tay đêm nào cũng dồn hết tâm trí và sức lực vào cây bút. Có chỗ nét bút ghì xuống giấy hằn sâu như vết sẹo. Lại có chỗ nét bút bỗng dưng nguệch ngoạc như thể ông già vừa viết vừa chống chọi lại một cơn ho rạc cổ. Trong phòng khách của tòa soạn luôn có một ấm chè được pha sẵn chờ ông già ghé đến chơi. Người ta nói “văn mình, vợ người”. Nhưng chẳng ai như ông già, văn bị chê tả tơi mà vẫn cười hào sảng. Chê đâu sửa đó, ông già cần mẫn nhặt chữ dành dụm vốn liếng cho mình. Chắc vì đồng cảm với một ông già yêu chữ nghĩa. Nên ban biên tập bảo nhau “hay là tìm một truyện được nhất rồi biên tập lại để đăng cho ông già vui?”. Nhưng ông già phẩy tay chối từ: “Thôi khỏi. Đời cầm bút của tôi chỉ cần được đăng một lần duy nhất. Kể một câu chuyện duy nhất mà thôi”. Họ tò mò hỏi đó là câu chuyện gì? Ông chậm rãi rót trà, chậm rãi uống, chậm rãi kể về bà già bán xôi và cuộc kiếm tìm một nốt ruồi son mọc đằng sau gáy. Nghe xong hình như mũi họ cay, hình như ai đó vừa buông tiếng thở dài hoặc cũng có khi chỉ là tiếng gió. Họ ngậm ngùi bảo báo xuân năm nay sẽ dành hẳn một trang khổ lớn để ông già đăng tin tìm dấu vết thương yêu qua truyện ngắn của mình.
Truyện của ông được mở đầu dung dị như một lời thủ thỉ thế này: “Thằng nhỏ đánh giày kiếm đâu được một đôi giày vải tuy đã cũ nhưng chất thì “ngon lành lắm”. Nó nói để phần bà già đi bán xôi mùa đông vừa ấm lại vừa mềm. Không lo tấy đỏ gót chân sau mỗi ngày gánh rong ngoài phố như đi đôi giày nhựa cũ. Chú Bảy xe ôm vừa cầm áo rách mà than “giá mà bà già còn ở đây thì đã có người khâu áo giúp mình”. Thực ra đâu phải không có người để nhờ khâu áo. Nhưng khâu mà từng đường kim mũi chỉ thẳng thớm trên thớ vải thì chỉ có bà già mà thôi. Tụi trẻ bây giờ khâu qua quýt cho xong. Đâu có để hồn mình trong vết sờn vết rách. Nên cũng không có cảnh vừa khâu áo vừa than “chú em mặc áo rách chắc là muốn để ai ngó mà thương. Nhưng trước khi người thiên hạ xót lòng thì mình đã xót da xót thịt. Mình không thương mình thì còn mong ai thương hả chú em”. Có nhiêu đó thôi mà vẫn thường nhắc nhau. Như hôm gió mùa về, trong bữa cơm “chú em” bỗng dừng đũa chống cằm bảo: “Chẳng biết bà già đang ở đâu? Nơi ấy hôm nay liệu gió mùa về? Nếu chỉ một thân một mình không biết bà già có ăn uống điều độ hay không? Nói vậy thôi chứ bà già chắc biết tự thương mình”. Cây bàng già chỗ tôi với bà từng ngồi hình như nó vừa mới cựa mình. Những chồi non ẩn sâu trong lớp vỏ xù xì thức giấc vươn vai gọi mùa xuân đến. Bà từng ví chúng giống như những mầm yêu thương chồi lên trong tâm hồn già nua, cằn cỗi của mình.
Mùa xuân về thật rồi bà ơi. Mùa này người ta hay quàng khăn ấm cho nhau nên tôi ít nhìn thấy gáy...”.
Ông viết đến đó thì dừng bút vì vừa ngửi thấy trong gió xuân có mùi của hoa đào, hoa cúc. Xóm dạo có thêm người bán dạo vừa mới chuyển đến mấy hôm. Cũng một đôi quang gánh, mấy bộ quần áo rét và ít nồi niêu xoong chảo. Y như ngày bà già theo ông đến đây, đồ đạc không có gì ngoài một đôi quang gánh. Người mới đến đang đảo những mẻ mứt nóng hổi để sáng sớm còn kịp mang đi bán. Chị ta nói mình là người đàn bà bán mùa. Mùa thu bán cốm, mùa hè gánh bán hoa sen, mùa đông cần mang hơi ấm chuyền tay nhau trong mùi hạt dẻ. Đến mùa xuân thì để từng vị mứt kể câu chuyện vùng miền. Nhìn cái dáng lom khom nhóm bếp than của người hàng xóm mới khiến ông già nhớ tới bà. Dù ngày hè nóng bức hay mùa đông lạnh cắt da cắt thịt thì cứ bốn giờ sáng là bà đã thức dậy lụi cụi thổi xôi. Chiếc bếp ngoài trời được ông mua mấy tấm fibro xi măng lợp lên để che chắn mưa dầm sương lạnh. Mấy năm trước cũng vào những ngày này, cũng lất phất mưa bay. Ông dậy cùng bà nhóm bếp, hơ hai bàn tay lạnh cóng trên lửa ấm rồi chờ nồi xôi của bà vừa kịp chín. Giữa lúc ông mải đắm chìm trong ngọn lửa đầy ma mị thì bất chợt thấy gáy mình nóng ran. Bà từng bảo gáy ông cũng có nốt ruồi son nên mắt bà có đôi lần vướng víu. Trong ánh lửa bập bùng nốt son như một hòn than ấm. Âm ỉ và nung nấu tâm can…
Ông già viết xong truyện lúc người ta chở hoa về khắp phố. Những chợ hoa tự phát mọc lên, đào từ rừng xuống phố vẫn còn e ấp nụ. Trên sạp báo đã thấy có vài ấn phẩm báo xuân bày bán sớm. Thư ký tòa soạn nheo mắt qua cặp kính, khẽ thở dài:
- Viết buồn vậy làm sao đăng báo tết chú ơi?
- Không lẽ cứ cười nói khơi khơi mới là vui? Tôi đâu có viết buồn. Chẳng qua là tôi giấu cái vui trong từng con chữ đấy thôi. Mà vui hay buồn còn là do cảm nhận của từng người anh bạn à. Giả dụ nếu bà già bán xôi đọc được thì thể nào bà cũng sẽ thấy vui.
- Ông có chắc bà già ấy sẽ đọc được không?
- Thì như tôi đã viết ở cuối truyện đấy thôi. Bà già hay mua báo cũ để gói xôi. Nhưng trước khi mang gói xôi bà đều đọc rất kỹ. Thể nào cũng có ngày truyện của tôi được ủ ấm trong thúng xôi rong ruổi.
Anh thư ký tòa soạn khẽ tủm tỉm cười. Giờ thì anh thấy ông già nói đúng, trong những câu chữ buồn vẫn lấp lánh thứ niềm vui bình dị. Một bà già bán xôi, một nốt ruồi son nào đó bỗng nhiên khiến buổi sáng của anh dường như chậm lại. Anh pha trà mời ông già ngồi chơi, tần ngần hỏi:
- Liệu bà già trong truyện có tìm thấy con không?
- Tôi không dám chắc đâu. Vì anh bạn biết đấy, đâu phải mọi cái kết đều có hậu. Nhưng mà tôi hy vọng…
Họ lại ngồi im lặng bên nhau. Ngồi rất lâu, nghĩ gì đó rất sâu. Anh đủng đỉnh rót trà, đủng đỉnh trêu ông già đang ngồi vân vê những sợi râu mường tượng:
- Nhuận bút báo xuân của chúng tôi thấp lắm chú ơi.
- Thì tôi cũng chỉ cần được trả nhuận bút bằng một gói xôi thôi là đủ. Mà phải là xôi của bà già trong câu chuyện mới ngon.
Nhấp ngụm trà nóng, lùa lưỡi mình giữa khoảng trống trong vòm miệng, ông già than mới rụng hai cái răng. Nếu đợi lâu có khi xôi ngon cũng không còn ăn được. Anh thư ký tòa soạn nói “sẽ nhanh thôi mà chú. Báo in xong sẽ tỏa đi khắp nơi. Mấy mà sẽ đến tay người thương. Mấy mà sẽ quay về…”.
Ông tin chứ. Như mùa xuân người ta vẫn tin vào chồi non lộc biếc…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.