Tìm lại tòa cửu phẩm không còn nguyên vẹn

25/12/2017 06:59 GMT+7

Từ việc dựng tòa cửu phẩm của chùa Côn Sơn, những người làm trùng tu đã có thêm cách để khôi phục và tôn tạo các di tích không còn nguyên vẹn.

[VIDEO] Tu bổ, khôi phục các di tích không còn nguyên vẹn còn nhiều băn khoăn
Dấu xưa thành đền đài
Khi tìm thấy những dấu vết của tòa cửu phẩm liên hoa tại chùa Côn Sơn (Hải Dương), PGS-TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học, rất vui, và những người làm trùng tu còn vui hơn. Những dấu vết đó giúp cả các nhà khảo cổ lẫn người làm trùng tu hình dung rõ hơn về nền móng cũng như phán đoán thêm về hình hài của tòa cửu phẩm này. “Rất khó tìm kiến trúc vì không biết nó là vuông hay chữ nhật. Ở Hải Dương nó là hình vuông, còn ở Bắc Ninh nó là chữ nhật. Khảo cổ học cho biết mặt bằng của nó hình chữ nhật, còn có cả các chân tảng thời hậu Lê… Đó là một căn cứ quan trọng”, TS-KTS Hoàng Đạo Cương, quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), nói.
Nghiên cứu thống kê cho thấy ở VN có 6 cửu phẩm liên hoa, trong đó có 3 tòa còn nguyên vẹn. Đó là 2 tòa cửu phẩm ở Hải Dương và tòa ở Bút Tháp (Bắc Ninh). Trong đó, mặt bằng ở Bắc Ninh có sự tương đồng nhiều nhất với nền tìm thấy ở Hải Dương.
“Kiến trúc nhà Phẩm được thiết kế phục hồi dựa trên tham khảo kiến trúc chùa Bút Tháp, Bắc Ninh. Kiến trúc nhà có mặt bằng hình chữ nhật, 5 gian, 24 cột, 3 tầng mái. Không gian giữa 4 cột cái để đặt tháp cửu phẩm liên hoa bằng gỗ bên trong và tượng Phật A Di Đà đặt tại tầng trên cùng”, KTS Nguyễn Bá Tuấn, Phó giám đốc Công ty Hoàng Đạo - công ty thực hiện phục dựng tòa cửu phẩm của chùa Côn Sơn, nói tại hội thảo Khôi phục và tôn tạo các di tích không còn nguyên vẹn, do Viện Bảo tồn di tích tổ chức cuối tuần qua tại Hải Dương.
Tương tự, đền Kiếp Bạc (Hải Dương) cũng được phục hồi tòa Trung từ. TS Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cho biết: “Việc tu bổ, tôn tạo tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đạt hiệu quả cao khi tuân thủ các nguyên tắc khoa học”. Theo ông Minh, các nguyên tắc đó là: thái độ trân trọng yếu tố nguyên gốc; trước khi tu bổ phải nghiên cứu cặn kẽ di tích về các mặt giá trị, tình trạng, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa; các giải pháp tu bổ được trao đổi rộng rãi, lấy ý kiến ở các ngành; chỉ tu bổ khi có cơ sở dữ liệu khoa học chính xác để phần phục hồi phù hợp với nguyên gốc…
Soạn thảo bộ nguyên tắc chung
GS-KTS Hoàng Đạo Kính cho biết các di tích lịch sử và văn hóa đa phần trong tình trạng không còn nguyên vẹn: “Chưa có thống kê cụ thể, song có thể khẳng định 3.415 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đều đặt ra những đòi hỏi về cứu chữa, tu bổ, khôi phục từng phần hoặc toàn phần cùng sự khơi dòng để tồn tại tiếp nối”.
Ông Kính cũng lưu ý các di tích ở VN hầu hết bằng gỗ, đặt trên các chân tảng. Vì thế, khi mất đi chỉ để lại vết tích nền nhà, chân tảng và thành phần đất nung mà không hề lưu lại hình ảnh kiến trúc. Việc khôi phục theo khoa học là hầu như bất khả thi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Minh mong muốn được rút gọn quy trình, thủ tục xét duyệt tu bổ di tích: “Hãy để Bộ VH-TT-DL xét hồ sơ chứ đừng để Bộ Xây dựng làm. Cán bộ ở Bộ Xây dựng nhiều khi không hiểu khái niệm, kiến thức lịch sử, làm sao xét duyệt được? Họ đi thẩm định mà còn hỏi lại chúng tôi thì thấy ngược quá”.
Đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Khắc Minh, GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng tu bổ phải tôn trọng di tích gốc và muốn làm được điều đó cần xây dựng một lý thuyết chung về tu bổ, tôn tạo di tích.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, yêu cầu Viện Bảo tồn di tích tổng hợp các ý kiến tại hội thảo để báo cáo Bộ. Qua đó, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng một nguyên tắc chung về tu bổ di tích, thậm chí viết thành sách. Từ bộ nguyên tắc chung sẽ làm rõ quy trình, thẩm quyền trong việc quy hoạch, xây dựng và quản lý di tích, di sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.