Tìm cách tạo nguồn thu nuôi di sản

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
23/03/2020 06:43 GMT+7

Hơn 320 năm hình thành và phát triển, với nhiều công trình kiến trúc cổ mang đậm nét văn hóa đặc trưng vùng đất Sài Gòn - Gia Định, TP.HCM đang hướng tới việc phát huy các giá trị di sản của tiền nhân để lại, nhưng không biết khi nào “con gà” mới “đẻ được trứng vàng".

Nhiều di sản chưa xếp hạng, tham quan miễn phí

Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM, có tình trạng nhiều di sản ở Sài Gòn... né xếp hạng. “Hiện nay, theo quy định, các công trình khi đã được trao bằng xếp hạng di tích thì bất cứ lúc nào muốn trùng tu hay sửa chữa (dù nhỏ nhất) mà gắn với yếu tố gốc phải được sự cho phép của UBND TP hoặc Cục Di sản văn hóa, do đó dẫn đến việc chủ sở hữu thường sợ rắc rối, hay từ chối thẳng”, ông Trương Kim Quân cho biết.
Vì vậy, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi nhiều di sản mang hồn cốt của Sài Gòn như nhà thờ Huyện Sĩ, chợ Tân Định, chợ Bến Thành, Bưu điện TP.HCM, nhà thờ Đức Bà... đều chưa được xếp hạng di tích. “Tâm lý chung của một số đơn vị chủ sở hữu di tích là nếu được xếp hạng thì chẳng được nhận cấp kinh phí gì nhiều mà lại gặp ảnh hưởng khi muốn xây dựng các công trình phụ cận: có thể bị khống chế về diện tích, chiều cao, không gian... Còn những cơ sở tôn giáo thì không muốn bị ràng buộc khi di tích đã xếp hạng nên cũng có tình trạng né”, ông Quân nói.
Tuy nhiên, theo ông Quân: “Các công trình dù chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di tích thì theo quy định của luật Di sản văn hóa, việc tu bổ, tôn tạo đều phải thực hiện các thủ tục giống như một di tích đã xếp hạng”.
Không xếp hạng, nhưng phần lớn các công trình, di tích này được khách tham quan rất chú ý và hiện nay việc tham quan hoàn toàn miễn phí. Trước khi xảy ra mùa dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc Bưu điện TP.HCM - cho biết: “Mỗi ngày tại số 2 Công trường Công xã Paris đón tiếp từ 700 - 1.000 khách du lịch, trong đó rất nhiều khách quốc tế. Đã đi nhiều nước, tôi thấy tòa nhà Bưu điện TP.HCM ở trung tâm Sài Gòn là một trong những địa điểm đẹp nhất trong khu vực và thế giới, nhờ luôn được đầu tư bảo dưỡng và tôn tạo. Lượng du khách đến rất đông nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn cho tham quan miễn phí”.
Một công trình đẹp, mang hồn cốt của Sài Gòn là nhà thờ Huyện Sĩ. Công trình kiến trúc độc đáo này trong giai đoạn 1882 - 1887 được cha sở Lucien E.Mossard (cha Mão) xây dựng lại bằng ngói thay cho ngôi nhà thờ lá tạm bợ ban đầu. Đến khoảng năm 1900 thì nhà thờ hỏng nặng, nhờ có vợ chồng Philipphê Lê Phát Đạt (tức Huyện Sĩ) dâng một số tiền lớn xây tặng cho họ đạo Chợ Đũi, nên sau này gọi theo tên ông thành quen. Nhà thờ Huyện Sĩ có lối kiến trúc tân gothic, là một trong số ít công trình tại Sài Gòn sử dụng vật liệu đá granit Biên Hòa, có tháp chuông cao 57 m, kể cả thánh giá và con gà trống Gaulois tuyệt đẹp. “Các đoàn khách du lịch gọi điện thoại đăng ký để đến tham quan liên tục nhưng chúng tôi đều từ chối. Nhà thờ chỉ tiếp đón những đoàn công giáo có linh mục đi theo mới cho vào tham quan và cầu nguyện. Du khách đến có thể tự do chiêm ngưỡng, chụp ảnh ở phía ngoài, chứ chúng tôi không bán vé tham quan gì cả”, ông Nguyễn Thanh Vũ, Văn phòng giáo xứ Chợ Đũi, nói ở thời điểm trước mùa dịch Covid-19.
Tìm cách tạo nguồn thu nuôi di sản1

Nhà thờ Huyện Sĩ

Ảnh: Quỳnh Trân

Ngoài ra, còn nhiều công trình di tích vào loại “độc nhất vô nhị” của TP.HCM như: Tu viện Saint Paul (công trình kiến trúc đầu tiên của người Việt), trụ sở Công ty hỏa xa Đông Dương, ngôi nhà cổ nhất Việt Nam (do vua Gia Long xây tặng giám mục Bá Đa Lộc), lăng tả quân Lê Văn Duyệt... rất đẹp và những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng: Nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, điện Ngọc Hoàng... vẫn chưa thu phí tham quan và ở ngoài xếp hạng di tích.

Để “con gà đẻ trứng vàng”

Với lợi thế gần 200 di tích được xếp hạng và hơn 100 công trình, địa điểm đã đưa vào danh mục kiểm kê trên toàn địa bàn TP.HCM, trong thời gian tới, nếu có sự bắt tay giữa cơ quan quản lý di tích và ngành du lịch có thể tạo ra nguồn thu ổn định, hỗ trợ ngân sách nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản. Tuy nhiên, trả lời PV Thanh Niên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến điều này”.
Rất bất hợp lý là hiện nay chỉ có 3 di tích: Rừng Sác - Cần Giờ, Địa đạo Củ Chi và Dinh Thống Nhất là “hái ra tiền”, còn lại hầu như các di tích tại TP.HCM đều cho tham quan miễn phí, trong khi chịu cảnh xuống cấp vì thiếu tiền. Ngay cả di tích lịch sử cấp quốc gia là Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 (đường Lý Chính Thắng, Q.3) được Bộ Văn hóa xếp hạng từ năm 1998 cũng ở tình trạng dột, thấm mà không có chi phí để sửa chữa.
Ở thời điểm trước dịch Covid-19, ông Ngô Văn Lập, chủ nhân căn nhà, cho hay: “Tôi thất nghiệp ngồi tiếp đón nhiều đoàn khách nước ngoài tới tham quan mà đâu dám đòi hỏi tiền bạc gì. Vé cũng đâu có bán mà ra tiền. Gần đây Sở VH-TT cấp mỗi tháng 2,5 triệu đồng phụ vào tiền điện, nước, giấy vệ sinh. Tôi phải bao sân hết mọi thứ của di tích, thiệt khổ”.
Lãnh đạo Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đồng tình với quan điểm là trong thời gian tới, ngành du lịch phải có sự phối hợp với chủ sở hữu di tích, tìm cách tạo ra nguồn thu để nuôi di sản. Một chuyên viên Sở VH-TT TP.HCM hiến kế thêm: “Chủ sở hữu di tích là người có toàn quyền đề xuất, phối hợp với cơ quan quản lý ở các quận, huyện bàn phương án, kế hoạch phụ thu. Có thể phụ thu 5.000 - 10.000 đồng/khách để trang trải công việc hậu cần. Thời gian tới sẽ xin ý kiến HĐND cho bán vé một số di tích nổi tiếng, lượng du khách đông để có kinh phí, quay trở lại đầu tư phục vụ khách tham quan tốt hơn, đồng thời tạo ra nguồn thu ổn định, chi trả việc trùng tu, sửa chữa di tích vào lúc cần thiết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.