Tiểu thuyết trên ‘cây đinh’ chính sử

19/06/2017 07:01 GMT+7

Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư (Công ty văn hóa Đông A, NXB Văn Học ấn hành), Kim Thiếp Vũ Môn (NXB Văn Học ấn hành)... là những tác phẩm đang được quan tâm của dòng tiểu thuyết lịch sử VN trong thời gian gần đây.

Lưu Sơn Minh không còn là cái tên lạ với những độc giả mê tiểu thuyết lịch sử. Truyện ngắn lịch sử đầu tiên của anh - Chim sâm cầm chưa về, nói về án oan của thái sư Lê Văn Thịnh, được Báo Văn Nghệ Trẻ bình chọn là truyện ngắn của năm 1996. Anh ra mắt tác phẩm Trần Khánh Dư vào tháng 3 năm ngoái và mới đây là Trần Quốc Toản.
Thực chất, cuốn tiểu thuyết lịch sử Trần Quốc Toản là “phiên bản” phát triển từ truyện dài lịch sử cùng tên đã ra mắt 12 năm trước của anh. “Tôi viết truyện lịch sử Trần Quốc Toản trong 6 năm từ 1999 - 2005 với sự xuất hiện để lại nhiều ấn tượng của nhân vật Trần Khánh Dư. Bởi thế, tôi quyết định viết tiếp về Trần Khánh Dư. Sau khi viết xong, tôi nhìn lại cách viết của mình trong cuốn truyện về Trần Quốc Toản trước đó và nhận ra rằng khi viết cuốn sách này, tôi vẫn còn trẻ và bị mặc định trong đầu là viết cho thiếu nhi. Vì thế, những trăn trở, dằn vặt, ẩn ức của nhân vật, tôi đã chủ động giấu đi và nghĩ rằng không nên kể cho các em nghe, nhưng hình như tôi đã sai. Bởi vậy, tôi quyết định viết lại và mở rộng câu chuyện về Trần Quốc Toản với cuốn tiểu thuyết lịch sử ra mắt lần này”, Lưu Sơn Minh lý giải.
Tiểu thuyết lịch sử Trần Quốc Toản được viết theo đúng tinh thần “không phải là bản hùng ca về một cậu thiếu niên anh dũng và hồn nhiên xông vào chiến trận. Đây là khúc tráng ca về một chiến tướng oai hùng đã lưu danh vào chính sử” như tác giả nói. Lưu Sơn Minh đã xây dựng hình tượng một Trần Quốc Toản là một vị dũng tướng trẻ tuổi, mưu lược tham gia ba trận đánh có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương) cùng một đội quân trẻ nghịch ngợm, quả cảm và yêu nước. Còn Trần Khánh Dư được Lưu Sơn Minh viết trong 8 năm. Anh nói không muốn “bịa” ra những câu chuyện để minh oan cho nhân vật của lịch sử. Bởi vậy, chân dung Trần Khánh Dư được xây dựng đầy tài hoa nhưng cũng ngạo nghễ, ngang tàng, cô độc. So với những tác phẩm đã ra mắt trước đó, Lưu Sơn Minh ít dùng giọng văn, ngôn từ cổ, mà thay vào đó là cách viết hiện đại hơn như những gì anh cảm về nhân vật của mình: một con người ở thế kỷ 13 - 14 nhưng có những suy nghĩ như của một con người sống ở thế kỷ 20.
Cuốn Kim Thiếp Vũ Môn của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh vừa ra mắt là bản viết lại và bổ sung so với bản được xuất bản vào năm 2015. GS Trần Ngọc Vương cho rằng, Kim Thiếp Vũ Môn đúng hơn là một giả thiết khoa học được trình bày dưới dạng tiểu thuyết lịch sử. Trong tác phẩm, tác giả đưa ra những lý lẽ, những câu chuyện chứng minh cho giả thiết người Giao Chỉ - tức người Việt đã tạo ra súng thần cơ khoảng cuối thế kỷ 14, cuối đời nhà Trần. Nhà Minh đã giấu bí kíp làm súng thần cơ chiếm đoạt được của người Việt, và để rò rỉ sang phương Tây.
Ranh giới chính sử và hư cấu
Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh (tên thật là Trần Xuân Hoài) là một cây bút tay ngang, ông vốn là Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN. Ông đam mê nghiên cứu lịch sử và viết tiểu tuyết lịch sử.
Trong buổi ra mắt cuốn sách, ông chia sẻ, trong tác phẩm nếu có 10 phần thì chỉ có 1 phần ông hư cấu, còn lại 9 phần là dựa trên các sự kiện, dữ liệu có thật. Bởi vậy, dễ thấy xuyên suốt tác phẩm, tác giả ghi chú khá tỉ mỉ các chi tiết, sự kiện được tham khảo từ các nguồn sử liệu VN, Trung Quốc... Trong khi đó, tác giả Lưu Sơn Minh quan niệm, tư liệu lịch sử nhiều hay ít không quan trọng mà công việc của một nhà văn như anh là sàng lọc trong đó và đi vào những ngóc ngách ẩn sâu dưới những dòng chữ của lịch sử. Dù vậy, với anh, người viết không được quyền hư cấu hết biên độ mà phải có giới hạn, dưới sự cho phép của nhân vật. “Khi tôi đi quá ngưỡng, nhân vật không hài lòng với cái hư cấu của tôi, tôi phải dừng lại”, Lưu Sơn Minh nói.
Hiện nay, sự thật và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử vẫn dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Chẳng hạn, sau khi cuốn Trần Khánh Dư ra mắt, độc giả đã đặt dấu hỏi về chi tiết Trần Khánh Dư là con nuôi của Trần Thái Tông. Lưu Sơn Minh giải thích, chi tiết này có lý do là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã mời Trần Khánh Dư viết lời tựa cho cuốn sách của ông về quân sự của nhà Trần. Anh cho rằng về nguyên tắc, với những người câu nệ nghiêm khắc về thế thứ như Hưng Đạo Vương thì không đơn giản lại mời vị vương hàng cháu để viết lời giới thiệu, phải một người có vị trí như thế nào mới xứng đáng đặt bút như thế. Tuy nhiên, có độc giả lại cho rằng, đó chỉ là cách nhìn của người viết, còn các vị danh tướng có thể có cách dùng người khác, chứ không cần phải ngang hàng như vậy.

tin liên quan

Liên tục tái bản sách lịch sử cho thiếu nhi
Theo tác giả KTS Đoàn Bắc, trong tháng 3 này NXB Kim Đồng sẽ tái bản cuốn Tổ quốc nơi đầu sóng - cuốn sách được coi là “vỡ lòng” về biển đảo cho trẻ. Cuốn sách mới được ra mắt hồi cuối tháng 1 và đã mau chóng “cháy” trên các kệ sách.
Nói về tiểu thuyết lịch sử VN, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận có thời nhiều tác giả viết theo kiểu minh họa, tức là trong sử sách ghi lại thế này, thì chỉ diễn ra bằng văn, lựa theo đó để mà kể, có thời nhiều tác giả lại đề cao quan niệm của đại văn hào người Pháp Alexandre Dumas (cha) là lịch sử chỉ như cái đinh mà trên đó chúng ta treo những bức tranh. “Nhưng như thế nào thì tác phẩm cũng phải hấp dẫn. Lâu nay, trong văn chương, nghệ thuật chúng ta đề cao về tư tưởng, nội dung là đúng, nhưng cũng như món ăn, người đọc muốn ăn ngon thì chúng ta phải bày biện, trang trí... để rồi cuối cùng người ta mới đưa món ăn đó vào miệng”, Phạm Xuân Nguyên bày tỏ.
Trò chuyện Dân ta phải biết sử ta
Cuộc giao lưu, trò chuyện cùng thiếu nhi chủ đề Dân ta phải biết sử ta đã diễn ra sôi động vào sáng 18.6 tại Đường sách TP.HCM. Đây là hoạt động trong chuỗi chương trình Thiếu nhi vui hè cùng sách, do Ban Thường vụ Thành đoàn phối hợp cùng Ban giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM tổ chức.
ẢNH: BTC
Tại buổi trò chuyện, thầy Nguyễn Văn Sỹ - Phó khoa Ngôn ngữ và văn hóa VN, giáo viên bộ môn lịch sử và địa lý tại Trường quốc tế Canada - đã chia sẻ cách tạo cảm hứng trong việc học lịch sử và bí quyết học tốt môn này. Các em nhỏ đã có các hoạt động thú vị như xem các đoạn phim lịch sử (Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh... do Hãng phim Trẻ chiếu), tham gia những trò chơi liên quan đến lịch sử VN...
Lucy Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.