Tiểu thuyết lừng danh về quái vật ‘Frankenstein’ được bán với giá kỷ lục

Huệ Bình
Huệ Bình
21/09/2021 13:22 GMT+7

Ấn bản đầu tiên của Frankenstein - tiểu thuyết giả tưởng của nhà văn người Anh Mary Shelley, vừa được nhà đấu giá Christie’s tại London (Anh) bán với giá 1,17 triệu USD.

Tờ The Guardian ngày 20.9 đưa tin ấn bản đầu tiên của tiểu thuyết kinh dị Frankenstein (có tiêu đề phụ là The Modern Prometheus, tạm dịch: Prometheus thời hiện đại) đạt mức bán đấu giá kỷ lục 1,17 triệu USD. Tiêu đề phụ của Frankenstein là Prometheus thời hiện đại, ngụ ý về một vị thần Titan khổng lồ trong thần thoại Hy lạp, người đầu tiên được thần Zeus hướng dẫn để tạo nên nhân loại.
Với giá bán nêu trên, tác phẩm của Mary Shelley đã phá kỷ lục đối với dòng sách in của tác giả nữ. Kỷ lục sách in của tác giả phụ nữ trước đây thuộc về ấn bản đầu tiên của tác phẩm Emma của nữ văn sĩ Anh Jane Austen (năm 1816), được nhà đấu giá Bonhams bán vào năm 2008 với giá 205.080 USD.
Người phát ngôn của nhà đấu giá Christie’s mô tả đây là ấn bản “hiếm gặp”, ban đầu ước tính được bán với giá từ 200.000 USD đến 300.000 USD. Đại diện nhà đấu giá Christie’s cho biết: “Ấn bản đầu tiên, đặc biệt trong tình trạng tốt như thế này, rất được các nhà sưu tập mong muốn. Giá bán kỷ lục của tác phẩm Frankenstein cho thấy nhu cầu sưu tập các tác phẩm văn học kinh điển ngày càng nhiều”.

Bức vẽ nhà văn người Anh Mary Shelley

Ảnh: GI

Tác phẩm nổi tiếng Frankenstein được Mary Shelley viết sau chuyến đi nghỉ giữa nhà thơ người Anh Lord Byron và vợ chồng Mary Shelley vào năm 1816. Tờ The Guardian kể: “Mùa hè của năm 1816 là những cơn mưa lớn kéo dài. Sau thảm hoạ phun trào của núi lửa Tambora năm 1815, thời tiết trở nên lạnh, ẩm ướt và khó chịu. Tại biệt thự của Lord Byron bên hồ Geneva, cảm thấy chán nản với thời tiết bên ngoài, họ quây quần bàn bạc về sự khắc nghiệt của thiên nhiên và ngẫm nghĩ về chủ đề đang gây bàn luận thời bấy giờ là phương pháp chữa bệnh bằng điện. Liệu có khả năng nào để làm cho một xác chết sống lại hay không?”.
Mary Shelley khi đó 19 tuổi, đang đau đớn vì đứa con mới mất. Mary Shelley kể rằng bà đã mơ về một nhà khoa học sử dụng dòng điện để đưa sự sống vào những cái xác ông lượm lặt được ở những hầm mộ. The Guardian dẫn lời bà Mary Shelley: “Khi nhắm chặt mắt, tôi đã thấy một người học trò của thứ khoa học báng bổ đang quỳ bên những thứ anh ta đã sắp đặt cùng nhau. Tôi đã thấy ảo ảnh gớm ghiếc của một người đàn ông, nó duỗi dài ra khi một cỗ máy rất khỏe đang chạy, nó bộc lộ những dấu hiệu của sự sống, nó cựa quậy và chuyển động khó khăn, nửa sống nửa còn chết”.
Lấy cảm hứng từ một giấc mơ, cuốn tiểu thuyết Frankenstein nói về Victor Frankenstein - người tạo ra con người từ các bộ phận tử thi. Chỉ có 500 bản Frankenstein (gồm 3 tập) được xuất bản ẩn danh vào năm 1818 và khoảng 25 bản được tác giả giữ lại để gửi tặng bạn bè. Tên của Mary Shelley được xuất hiện trong lần tái bản ở Pháp năm 1823.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.