'Tiểu thuyết gia cuồng loạn': Nỗi kinh hoàng ẩn giấu đằng sau trang viết

25/03/2018 14:10 GMT+7

Bộ phim tâm lý - kinh dị mới nhất của đạo diễn tài năng Roman Polanski hé lộ những góc khuất đen tối ẩn sau công việc của một nhà văn.

Viết là đối mặt với những bí mật sâu kín. Khi một nhà văn ngồi vào bàn làm việc, họ đang dấn thân vào cuộc hành trình soi thấu đến tận cùng tâm can. Hành trình ấy không hề dễ dàng mà phải đi qua những ngã rẽ tăm tối, những góc khuất khó ngờ, băng qua những đoạn hành lang dài dằng dặc cô đơn để phát hiện những nỗi đau mà ta luôn muốn quên đi, để đưa nó ra trước ánh sáng, để sám hối và chuộc tội. Đó là thách thức và cũng là sứ mệnh của nghề viết văn nói chung.
Nhà văn nữ Delphine Dayrieux trong Tiểu thuyết gia cuồng loạn cũng phải bước vào hành trình tăm tối ấy. Ở khía cạnh này, bộ phim như một khảo nghiệm tâm lý về những mâu thuẫn diễn ra trong quá trình sáng tạo.
Tiểu thuyết gia cuồng loạn (tựa gốc: Based on a true story) được chuyển thể từ nguyên tác cùng tên của Delphine de Vigan, xoay quanh quá trình khủng hoảng sáng tạo của nhà văn Delphine Dayrieux (Emmanuelle Seigner) sau khi cô xuất bản quyển sách best-seller. Kể từ đó cô thường xuyên bị người hâm mộ quấy rầy và không thể viết gì ra hồn trước áp lực của dư luận. Vào đúng lúc Delphine cảm thấy bế tắc nhất, Elle (Eva Green) bước vào đời cô. Họ nhanh chóng thân thiết với nhau và một mối quan hệ mờ ám, ngọt ngào nhưng cũng ẩn chứa vô vàn hiểm nguy chớm nở giữa hai người. Không chỉ có sự góp mặt của hai minh tinh hàng đầu nền điện ảnh Pháp, kịch bản phim còn do Oliver Assayas, đạo diễn của Personal Shopper, chấp bút.
Nội dung có vẻ diễm tình của phim thực chất chỉ là tấm bình phong
Lần này, Roman Polanski trở lại với một tác phẩm có nội dung tương tự Misery (1990) cũng xoay quanh mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả, giữa hư cấu và hiện thực. Tiểu thuyết gia cuồng loạn cũng gợi nhớ đến The Ghost Writer (2010) mà ông từng chỉ đạo trước đó, nhất là khi nhân vật Elle tự nhận mình là một “ghost writer” - kẻ viết thuê nấp bóng đằng sau bút danh của người khác, hay The Ninth Gate (1999) cảnh báo nguy cơ ẩn giấu đằng sau những văn bản cấm kỵ và danh tính tác giả. Vắng bóng các yếu tố kinh dị hay những chủ đề “đao to búa lớn”, Tiểu thuyết gia cuồng loạn dường như thuộc dòng phim ít tham vọng và đậm chất cá nhân của Roman Polanski.
Yếu tố giật gân, kinh dị là chất xúc tác cho bộ phim
Phần nội dung nghe có vẻ “diễm tình” thực chất chỉ là tấm bình phong để đạo diễn thực hiện công cuộc “mổ xẻ” tâm lý đầy tinh vi có trình tự và tăng tiến dần dần. Bằng cách làm nhòe lằn ranh phân cách giữa hiện thực và tưởng tượng, bộ phim mở ra bầu không khí lấp lửng căng thẳng. Khán giả sẽ hồi hộp dõi theo cách mà Elle dần dần “xâm chiếm” vào cuộc sống của Delphine, ban đầu chỉ là những việc nhỏ nhặt như trả lời email giúp hay khuyến khích Delphine bước tiếp trên con đường viết lách, cứ chậm rãi như thế, Elle dần tác động lên quan điểm sáng tác của Dephine rồi sẽ đến lúc nàng giành được vị thế kiểm soát mọi sinh hoạt của nữ nhà văn. Đỉnh cao là khi Delphine cho phép nàng mạo danh cô để đi đến một sự kiện trước công chúng, hay là khi Delphine bị ám ảnh đến nỗi nhìn thấy cả hình bóng Elle bên ngoài cửa sổ, vẫn trong trang phục và mái tóc đen tuyền cố hữu - một khoảnh khắc dọa người rất đậm hơi thở Stephen King. Những yếu tố giật gân được dùng như một chất xúc tác. Bên cạnh tâm lý học sáng tạo, bộ phim khám phá những ý tưởng rất điển hình như kẻ song trùng, sự hoán đổi nhân dạng, sự bất phân giữa thực tại và ảo tưởng.
Eva Green quyến rũ người xem trong từng khung hình
"Bông hồng nước Pháp" Eva Green vẫn lôi cuốn khi vào vai nàng thơ bí ẩn Elle. Sở hữu đôi mắt xanh sắc xảo, làn da tái nhợt và luôn vận trang phục đen huyền bí, dường như Eva Green sinh ra để hóa thân thành những nhân vật phức tạp xen chút hắc ám. Vợ của Roman Polanski, nữ diễn viên Emmanuelle Seigner thì lép vế hơn một tẹo.
Đáng tiếc thay, dù có ý tưởng đầy hứa hẹn và đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, thế nhưng Tiểu thuyết gia cuồng loạn không phải tác phẩm xuất sắc nhất của Roman Polanski. Hình tượng cặp đôi nữ chính trong phim có nét giống Mulholland Drive của David Lynch hay Persona của Ingmar Bergman, nhưng Tiểu thuyết gia cuồng loạn lại dễ đoán hơn rất nhiều và không giàu tính biểu trưng bằng.
Có lẽ do ý tưởng tương tự đã được Polanski khai thác trong The Ghost Writer nên đến phim này ông không còn nhiều thứ để bày biện nữa. Chưa kể phim được kể theo lối trần thuật truyền thống, trong khi cả Persona lẫn Mulholland Drive đều phải thay đổi điểm nhìn trần thuật thường xuyên để tạo nên hiệu ứng đa chiều cho bộ phim. Dù vậy, Tiểu thuyết gia cuồng loạn vẫn là tác phẩm ổn khi đặt cạnh một số bộ phim tâm lý đầy rẫy trên thị trường ngày nay.
Bộ phim hiện được chấm 5,4/10 trên IMDb và 47% trên Rotten Tomatoes.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.