Tiếp tục phản hồi bài viết: Nhạc “sến” là nhạc gì?: Văn nghệ “sến”

28/08/2005 22:56 GMT+7

Dân điện ảnh mà bàn về âm nhạc là bàn chuyện ngoại đạo nhưng đọc ý kiến của bạn Hoàng Phủ Ngọc Phan (Thanh Niên ngày 23.8.2005) thấy có liên quan đến phim ảnh nên tôi xin tham gia cuộc phiếm luận.

 

Cái chuyện chia hai dòng văn chương nghệ thuật bác học với văn chương nghệ thuật bình dân có từ thời xửa thời xưa. Chẳng phải có nhà nho từng mỉa mai gọi thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Đình Chiểu là “văn chương nôm na mách qué”? Rồi cũng có thời người ta còn ca tụng thơ Đường trên mây trong khi họ không ngớt lời dè bỉu chê bai ca dao hò vè? Cái chuyện vọng ngoại đó thời nào không có? Vậy nên có một vấn đề cần phải phân biệt rõ ràng là chúng ta viết, vẽ, sáng tác nhạc, làm phim cho ai, giới nào thưởng thức? Do đó danh từ “sến” ấy không ám chỉ riêng cho ngành âm nhạc.

 

    

...Ngọc Sơn, Duy Mạnh, Quang Dũng - ai cũng có khán giả của riêng mình - ảnh: T.L


Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến về xuất xứ ngôn từ “sến” của bạn Hoàng Phủ Ngọc Phan song xin phép tòa soạn Báo Thanh Niên được bổ sung vài ý kiến. Thực ra nữ ngôi sao điện ảnh người Thụy Sĩ, gốc Áo Maria Schell này rất nổi tiếng. Maria Schell là ngôi sao điện ảnh quốc tế, sinh năm 1926 tên thật là Marghrette Schell-Noe đóng phim từ 1942 - 1985 với trên 30 bộ phim lớn. Maria Schell đã cộng tác với rất nhiều đạo diễn lừng danh thế giới từ các nước Anh, Pháp, Ý, Đức và Áo như Astruc và Chenal, Clément, Brooks, Daves, Cooper, Mann, Visconti, Chabrol, Guitry... trong đó có thể kể những bộ phim lớn nổi tiếng như Napoléon, Gervaise, Anh em nhà Karamazov, Con đường về hướng tây, Kẻ sát nhân thích âm nhạc, Trong lớp bụi mặt trời, Hồ sơ Odessa, Trưởng giả điên, Khách đến từ Sans-Souci... Maria Schell có người em trai rất nổi tiếng là diễn viên kiêm đạo diễn Maximiliam Schell, đoạt giải Oscar trong bộ phim Xử án ở Nuremberg, phim cũng đã chiếu ở Sài Gòn thập niên 1960. Như vậy việc chọn từ “sến” không hề xuất phát từ một diễn viên điện ảnh tầm thường mà là việc gọi trại tên từ một ngôi sao điện ảnh quốc tế Maria Schell theo giọng hài biếm. Còn vì sao lại chọn tên Maria? Dạo ấy các trường đại học Sài Gòn còn dạy tiếng Pháp nên giới báo chí Sài Gòn đã chọn cái tên Maria vốn là tên một cô gái Pháp rất phổ cập ở nước này.

 

Xin trở lại những năm 1954 sau Hiệp định Genève. Dạo đó ở miền Nam phần lớn các văn nghệ sĩ kháng chiến tham gia Việt Minh trừ một số tập kết ra miền Bắc còn phần đông thì ở lại Sài Gòn hoạt động hợp pháp. Đông đảo văn nghệ sĩ ký giả kháng chiến tập trung về Sài Gòn do phải hoạt động hợp pháp nên đã chủ trương chỉ sáng tác những chủ đề chủ điểm ngợi ca thôn quê Nam Bộ, ngợi ca tự tình dân tộc mang đậm phong cách dân ca, trữ tình nhưng phải dễ hiểu, dễ đọc, dễ ca để có đông đảo quần chúng thưởng thức nhằm đánh bại phong trào văn nghệ vọng ngoại (những năm đó là vọng Mỹ) của chính quyền Sài Gòn. Vậy nên có thể xem đây là một chủ trương của Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp giới trẻ miền Nam. Chúng ta có thể kể những tên tuổi nổi tiếng thời đó đã tham gia phong trào sáng tác này như Lý Văn Sâm, Viễn Phương, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Ngọc Linh, Trang Thế Hy, Hà Triều Hoa Phượng, Quy Sắc, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Hữu Thiết... Có thể nói dòng văn nghệ kháng chiến nội thành Sài Gòn mang phong cách Nam Bộ đã nở rộ thời kỳ ấy. Và thể loại âm nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ cũng phát sinh, nở rộ từ thời ấy.

 

Thực ra giới sinh viên, giới trẻ có học Sài Gòn những năm ấy không hề dị ứng với những nhạc phẩm của Lam Phương, Lê Dinh, Hoàng Thi Thơ... lúc các ca khúc này mới ra đời. Nhưng rồi dòng nhạc trữ tình này dần dần bị biến tướng qua phong cách biểu diễn uốn éo, sửa đổi ca từ, sửa cả giai điệu của các ca sĩ thời thị trường ở Sài Gòn nhằm chiều theo thị hiếu thẩm mỹ bình dân nên dần dần chỉ còn có giới bình dân thích thưởng thức loại âm nhạc mà giới báo chí Sài Gòn thời ấy đã gọi là dòng nhạc sến! Cũng có lúc giới sân khấu cải lương Sài Gòn sáng tạo ra thể loại nhạc “Tân cổ nhạc giao duyên”. Thế là các ca khúc kiểu như “Mưa rừng ơi mưa rừng... Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên...” lại tỏ ra thích hợp với dòng nhạc sến. Đó là lý do vì sao giới bình dân gọi là “Marie-Fontaine” thích thể loại ca khúc này. Chính do vậy mà giới trẻ có học Sài Gòn phần đông đã tẩy chay dòng nhạc sến.

 

 

Cần có một cái nhìn đúng đắn về nhạc “sến”

 

"Sến" không có nghĩa là xấu

 

Mọi người gọi nhạc "sến" không có nghĩa là không thích nghe nhạc đó. Giống như tôi thường thì chỉ nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, Phú Quang, và những bản nhạc do Tuấn Ngọc, Quang Dũng... hát. Nhưng đôi lúc, tôi cũng nghe những bản nhạc boléro cũ xưa. Tùy thời điểm và tùy tâm trạng mà người nghe cảm thấy thích nghe loại nhạc nào. Theo tôi, nhạc "sến" là những bản nhạc có giai điệu dễ nghe như boléro, rumba... cộng vào đó là ca từ bình dân, dễ hiểu, tả thực không cách điệu, không ẩn dụ. Nhạc sến không có nghĩa là những bài nhạc thời xưa, nhưng đa số những bài nhạc xưa đều mang giai điệu và ca từ như vậy. Ngày nay, cũng có nhiều nhạc "sến" như nhạc của Ngọc Sơn hay Duy Mạnh... Nói tóm lại, nhạc "sến" là nhạc có ca từ và giai điệu dễ nghe, dễ hát, hát lên ai cũng có thể hiểu được.

 

Tất cả những người nghe và không nghe nhạc "sến" hiểu rằng những bài nhạc "sến" thường có giá trị nghệ thuật thấp hơn những bài nhạc "sang" nhưng bù lại nó rất chân thật và gần gũi. (Huỳnh Như Vũ - Q.3, TP.HCM)

 

"Sến" là gì?

 

Tôi đang ở lứa tuổi trung niên (45), trình độ văn hóa khá, đã tốt nghiệp M.A. ở nước ngoài, có nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt... Tôi nói dài dòng như vậy để thấy rằng sự cảm thụ âm nhạc của tôi không đến nỗi "lạc hậu" hay "sến" như cách gọi của nhiều người.

Tôi đã sống ở Sài Gòn trước 1975. Thời đó, tôi còn nhỏ, có nghe rất nhiều loại nhạc tình, "nhạc vàng"... Rồi sau 1975, tuổi đủ lớn để cảm thụ dòng âm nhạc mới, tôi có nhận xét như sau:

 

1- Thời nào cũng có nhiều bản nhạc rất hay ví dụ như nhạc tiền chiến, nhạc tình trước 1975, nhạc cách mạng nhưng chỉ có nhạc trẻ hiện nay mà người ta cho là nhạc "sang" là tôi nghe không lọt lỗ tai. Đây là ý kiến của cá nhân tôi.

 

2- Chắc có nhiều người cũng đồng ý với tôi, vì vậy nếu gọi một loại nhạc nào là "sến" thì chẳng qua đó là một sự xúc phạm đến sự cảm thụ nghệ thuật của người khác, là một cách nói áp đặt đến quyền tự do của người khác, xúc phạm người sáng tác, người ca sĩ...

 

3- Đồng ý là cùng một bài nhạc, có người hát hay, người hát không hay nhưng cảm thụ nghệ thuật là tùy theo khuynh hướng thẩm mỹ của mỗi người, đó là quyền tự do cá nhân, không ai có quyền phê bình. Cũng như ai cũng có quyền sáng tác nhạc dưới mọi thể loại, miễn là không phạm pháp, không đạo nhạc là đáng trân trọng rồi. Nếu ai không thích loại nhạc tình ủy mị (tôi cũng vậy, vì tôi không ở trong tâm trạng thích hợp để cảm thụ nó), thì phải tôn trọng quyền thích của người khác, miễn là người đó không hát hay mở nhạc quá ồn ào làm phiền lòng người khác là được rồi... (Trần Thanh Sơn)

 

Nhạc "sến" có hồn thơ trong nhạc

 

Nếu cho rằng nhạc "sến" là bình dân thành thị với ý nghĩa khinh miệt thì đó là một sai lầm rất lớn. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng chỉ có nhạc hay và nhạc dở. Một bản nhạc là một sản phẩm tinh thần. Nếu người nghe nghe xong rồi quên, bản nhạc chỉ có đời sống ngắn ngủi vài tháng thì không thể là một sản phẩm tốt được. Nếu chúng ta biết nghe, biết cảm nhận dòng nhạc bị cho là sến, ta sẽ thấy được rằng sức sống của những bản nhạc này không chỉ ở một thế hệ. Vì sao? Nếu ta đem so sánh những ca từ, những lời ca của nhạc "sến" và dòng nhạc trẻ bây giờ, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt. Ca từ trong những bài nhạc của Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Cương, Vinh Sử, Nguyễn Ánh 9... rất trau chuốt, chan chứa hồn thơ trong từng ý nhạc mà những bài nhạc trẻ hầu như không có. Hơn thế nữa, người nghe có thể cảm nhận được hồn quê, tình yêu trong sáng trong từng ca khúc của họ.

 

Tôi sinh ra sau 1975, và tôi yêu những ca khúc đó. (Quang Thuần - Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

 

Đạo diễn Lê Văn Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.