Tiếp thị bảo tàng

22/04/2015 08:27 GMT+7

Bà Karin Rottmann - Phó giám đốc Cơ quan Giáo dục bảo tàng tại Cologne (Đức) đã mang đến cho các nhà làm bảo tàng VN một khái niệm hoàn toàn mới: tiếp thị bảo tàng.

Bà Karin Rottmann - Phó giám đốc Cơ quan Giáo dục bảo tàng tại Cologne (Đức) đã mang đến cho các nhà làm bảo tàng VN một khái niệm hoàn toàn mới: tiếp thị bảo tàng.
Bãi xác máy bay tại Bảo tàng Phòng không - Không quân - Ảnh: N.A
Bãi xác máy bay tại Bảo tàng Phòng không - Không quân - Ảnh: N.A
Buổi trao đổi giữa vị chuyên gia người Đức đã có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tàng với học viên là cán bộ của nhiều bảo tàng VN vừa diễn ra tại Hà Nội.
Nỗi buồn bảo tàng
Khi bà Karin Rottmann đề nghị các học viên chia sẻ về cách marketing bảo tàng hay hiểu đơn giản là cách thu hút khách tới bảo tàng tại VN, đại diện đến từ Bảo tàng Mỹ thuật VN nói: “Ở bảo tàng chúng tôi, không có người làm công việc này”. Ngồi chờ khách đến thăm thay vì đi “tiếp thị” chương trình tham quan tới du khách là thực tế đáng buồn ở hầu hết các bảo tàng VN. Đại diện của Bảo tàng Lịch sử quân sự VN cho hay, cán bộ của bảo tàng đã chủ động tìm đến các công ty du lịch đưa ra những lời mời chào hấp dẫn, đồng thời tiếp cận với các trường học. Đó là lý do vì sao Bảo tàng Lịch sử quân sự VN là một trong số hai bảo tàng quân đội ở Hà Nội được du khách lui tới tham quan nhiều nhất. Dù vậy, bảo tàng vẫn chưa thực sự là điểm đến hấp dẫn với du khách.
Ngay như giữa khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quân sự VN, đập vào mắt du khách là những khối sắt lớn nằm trên nền sân mọc những lớp rêu xanh. Một tấm bảng chỉ ghi chú thích ngắn gọn: xác động cơ một chiếc máy bay B-52D của quân đội Mỹ bị quân đội VN bắn rơi tại làng Ngọc Hà vào đêm 27.12.1972.
“Tình trạng chung đang xảy ra tại hệ thống bảo tàng ở VN là các hiện vật trưng bày thường đặt nằm im, không có sự tương tác nào với người xem. Những người làm công tác bảo tàng vẫn chỉ nghĩ đến việc đặt các hiện vật cạnh nhau một cách khô cứng”, ông Nguyễn Đình Thành - chuyên gia trong lĩnh vực quản trị văn hóa, nhìn nhận.
Tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Phòng không - Không quân, một chiếc máy bay lớn được đặt trưng bày. Khoang máy bay được mở cho khách tham quan, như một cách làm đem đến trải nghiệm khám phá thú vị. Nhưng không hiểu vì sao, những nhà làm bảo tàng lại để hiện vật trong tình trạng xập xệ, những tấm đệm ghế bị bong tróc nham nhở, thậm chí có khoang ghế đã bị hỏng, rơi cả xuống dưới sàn, rác thải khắp nơi. Không có câu chuyện sinh động gắn với chiếc máy bay được chia sẻ. Chỉ với một tấm biển chú thích nhỏ phía trước và nhìn hình ảnh, khó ai có thể hình dung nổi chiếc máy bay trực thăng vận tải này đã chuyên chở hàng vạn tấn hàng hóa, khí tài trang thiết bị phục vụ chiến đấu, thậm chí chuyên chở các loại máy bay cỡ nhỏ, ra đa, pháo cao xạ… cho chiến dịch Hồ Chí Minh như thế nào.
 
Xác máy bay trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VNXác máy bay trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN
Đừng để hiện vật “chết”
Bà Karin Rottmann chia sẻ kinh nghiệm: “Các bảo tàng ở Đức luôn phải biết cách tiếp thị, đưa bảo tàng đến với du khách, chứ không ngồi đó chờ du khách tự tìm đến bảo tàng. Chẳng hạn, có bảo tàng phân tích đối tượng khách đến thăm theo mục đích, lứa tuổi, rồi xây dựng các chương trình tham quan hấp dẫn, có bảo tàng khai thác riêng các chuyến xe buýt để vận chuyển du khách một cách tiện lợi… Ở Đức, đối tượng được các bảo tàng quan tâm đặc biệt và tìm nhiều cách để thu hút là giới trẻ”. Bà Karin Rottmann nói thêm cách làm kết hợp tham quan gắn với trải nghiệm thú vị tại một bảo tàng để thu hút học sinh: “Để hiểu rõ về một thời kỳ lịch sử, bảo tàng đã cung cấp các bộ trang phục trong cung điện xưa để các em có thể mặc lên người”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc có lần nói, ông vẫn nhớ hình ảnh những đoàn người dài xếp hàng vào tham quan một bảo tàng lịch sử, chiến tranh. Ở đó, du khách không chỉ được tham quan mà còn được trải nghiệm mặc áo tù, ăn cơm tù như những người tù binh trước kia.
Trong khi, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên vẫn nhớ hồi nhỏ, ông và các bạn cùng lớp được thầy giáo dẫn đến một cây cổ thụ kể chuyện cây có từ đời nhà Lê. Câu chuyện của thầy giáo khiến những đứa trẻ nhìn cái cây với sự kính cẩn, hơn nữa gợi lên sự tò mò, háo hức về lịch sử với chúng. Để bảo tàng “sống” - theo ông Thành - cần thay đổi tư duy trong trưng bày, lẫn truyền thông. Chẳng hạn, áp dụng bảo tàng số, số hóa hiện vật cùng với những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử…
Câu chuyện của bảo tàng sẽ không còn là câu chuyện của riêng nó, bởi bảo tàng chính là nơi lưu giữ lịch sử. “Nhìn xa hơn tư duy dạy lịch sử của chúng ta còn khô khan, không gắn với việc truyền cảm hứng, thiếu cập nhật cuộc sống hiện đại, điều đó khiến nhiều người trẻ thờ ơ, thiếu hiểu biết về lịch sử”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.