Tiếng Việt 'phiêu lưu ký'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
27/07/2019 06:00 GMT+7

Sáng 26.7, hội thảo Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu VN trong thế giới ngày nay do Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM tổ chức, đã đón nhận nhiều tham luận công phu, trong đó có gần 20 nghiên cứu của học giả đến từ Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

 

Người nhật biết đến tiếng Việt nhờ... bão

Đất nước VN bắt đầu được thế giới biết đến qua ghi chép của các giáo sĩ thừa sai, thương nhân và những nhà thám hiểm.
PGS-TS Đoàn Lê Giang khẳng định: “Trong những cuốn sách du ký đầu tiên của người châu Âu viết về Trung Hoa đã bắt đầu đề cập đến VN, sớm nhất có: Thập kỷ châu Á, những hành động mà người Bồ Đào Nha đã thực hiện trong cuộc chinh phục và khám phá vùng biển và vùng đất phía đông của nhà ngôn ngữ học João de Barros (xuất bản ở Lisbon năm 1563), có ghi chép về Côn Đảo. Tiếp đến là Ghi chép đầu tiên về Trung Hoa của giáo sĩ dòng Đa Minh Gaspar da Cruz, O.P (1569), về Đàng Trong. Tuy nhiên cả hai vẫn là sách ghi chép về Trung Hoa, chỉ “nhân tiện” nói VN mà thôi”. Đến Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristophoro Borri (1583 - 1632) thì mới có những ghi chép mạch lạc, khoa học về xã hội Đại Việt”.
Câu chuyện về sự du nhập của tiếng Việt vào Nhật Bản được GS Shimizu Masaaki (ĐH Osaka) chia sẻ tại hội thảo gây khá bất ngờ: “Vào thế kỷ 16 - 18, khi đó ở Nhật kỹ thuật vận tải thuyền buồm bắt đầu phát triển mạnh nên nhiều người tỏa đi làm ăn xa. Thời kỳ Edo, vì cần sưu tầm các thông tin ở nước ngoài nên Mạc phủ Edo tiến hành phỏng vấn những người trở về sau cuộc hành trình phiêu lưu về nơi họ đã đặt chân đến hoặc có ghi chép cẩn thận”. GS Shimizu Masaaki tiết lộ chi tiết: “Tháng 11.1765, sáu thương gia quê ở Isoharamura, Tagagouri và Hitachinokuni (quận Taga, nay thuộc tỉnh Ibaraki) ngồi trên một chiếc thuyền tên là Himemiyamaru lên đường đi Edo. Đang lênh đênh thì không may bị bão lớn lạc mất phương hướng. Thuyền trôi dạt đưa mọi người cập vào Tourane (Đà Nẵng) của nước An Nam tháng 12.1765. Phải hơn một năm rưỡi sau, họ mới trở về tới lại Nhật Bản. Lúc đó, Nagakubo Sekisui - nhà địa lý học và Hán học đương thời căn cứ vào những điều đã trải qua của họ mà biên soạn An Nam quốc phiêu lưu vật ngữ. Bộ phiêu lưu ký này có phần ghi bảng từ tiếng An Nam gồm khoảng 140 từ, được phiên âm bằng chữ Katakana. Qua đó, nhận thấy phương ngữ mà họ nghe được chính là tiếng miền Trung”. Đặc biệt sự xuất hiện của từ “đâu” trong sách được dịch ra là “ở mô” chứ không phải “ở đâu” vẫn thịnh hành ở Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến ngày nay.
Một bộ phiêu lưu ký nổi tiếng ở Nhật nữa mang tên Nam biều ký cũng ra đời trong hoàn cảnh… phong ba bão táp. Theo GS Shimizu Masaaki: “Vào tháng 8.1774, thuyền Daijoumaru gặp bão lớn phải phiêu du trên biển hơn 3 tháng mới tới được An Nam. Căn cứ vào kinh nghiệm của những người lang bạt ấy, tác giả Shihouken hoàn thành tác phẩm Nam biều ký dưới hình thức là một tác phẩm tiểu thuyết, gồm 5 quyển. Phần viết về tình hình VN thuộc các quyển từ 1 - 4. Ở quyển 2, tác giả ghi bản từ tiếng An Nam gồm 86 từ ngữ. Mặc dù rất khó xác định địa điểm đầu tiên đặt chân mà đoàn gọi là Tây Sơn tiểu thôn là nơi nào nhưng thông qua những từ ngữ, các nhà nghiên cứu cho rằng, rất có thể là miền Nam của nước An Nam thời đó”.

Những nhà Việt Nam học ngoại quốc đầu tiên

Tiếp nối các nhà du hành và truyền giáo nghiên cứu tiếng Việt và VN là thế hệ các nhà nghiên cứu Đông Dương thời Pháp. Những học giả VN học tiên phong trong giai đoạn này gồm các dịch giả đã chuyển ngữ thành công các tác phẩm văn học cổ điển VN ra tiếng Pháp. Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang: “Trước tiên phải kể đến Gabriel Aubaret, với việc dịch Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, rồi Abel des Michels hoàn thành dịch Truyện Kiều, cho xuất bản ở Paris năm 1884. Một năm sau, ông còn mang ra giới thiệu ở Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp, đó cũng là lần đầu tiên tác phẩm văn chương hàng đầu của người VN bước ra khỏi biên giới quốc gia”.
Nhiều học giả Nhật Bản sang VN nghiên cứu ở Viễn Đông Bác cổ học viện giai đoạn Pháp thuộc có hai người với nhiều đóng góp và nghiên cứu giảng dạy tiếng Việt là Matsumoto Nobuhiro với: Nhập môn tiếng An Nam phần ngữ pháp, phần hội thoại và phần đọc bài (Hội Xuất bản Đông Dương 1942) và Kin Eiken với Từ điển hội thoại Nhật - Pháp - An Nam (NXB Okakurashobou 1942)... Bên cạnh đó có một số công trình “quảng bá” tiếng Việt khác, như: Hisamochi dịch Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim sang tiếng Nhật, Muramatsu soạn giáo trình Tiếng An Nam cơ bản và Nakagawa Taichi viết Hội thoại tiếng An Nam...
Các nhà nghiên cứu tại hội thảo cũng khẳng định từ điển chính là những công trình ngôn ngữ học về tiếng Việt, nối VN ra khắp thế giới. Có thể kể đến Manuductio ad linguam Tunchinensem của Francisco de Pina, Việt - Bồ - La nổi tiếng của Alexandre de Rhodes, Từ điển An Nam - La tinh (J.L.Taberd, 1838), Từ điển Annam - La tinh (J.S.Theurel, 1877) và Từ điển An Nam - Pháp (J.F.M.Génibrel, 1898).
Như vậy, kể từ ghi chép đầu tiên Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristophoro Borri - có thể được xem là nhà “Việt Nam học” nước ngoài đầu tiên, thì ngành VN học đã có lịch sử gần 400 năm. Bên cạnh các học giả quốc tế uyên bác, còn có rất nhiều thế hệ VN học người Việt: Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Bùi Huy Bích, Nguyễn Văn Siêu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định... cho đến Trương Vĩnh Ký, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giàu, Phan Ngọc, Toan Ánh, Kim Định... đã góp phần quảng bá tiếng Việt, đưa ngôn ngữ dân tộc “du ký” khắp năm châu.
Hội thảo còn có nhiều tham luận hay về vấn đề giảng dạy tiếng Việt trong thế giới ngày nay tạo được sự quan tâm: Tình hình giảng dạy tiếng Việt trong các trường ĐH ở Nhật Bản (Bùi Duy Dương), Độ khó văn bản tiếng Việt và việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (Trần Trọng Nghĩa - Nguyễn Hoàng Phương), Một số khó khăn khi dịch thành ngữ Anh - Việt (Nguyễn Minh Chính), Lợi thế trong việc học tiếng Việt của người biết tiếng Hoa (Nguyễn Tuấn Nghĩa, Nguyễn Thị Diễm Phương), Ứng dụng công nghệ Edmodo vào quá trình dạy tiếng Việt cho sinh viên Thái Lan (Nguyễn Thị Hồng Chuyên - Songgot Paanchiangwong), Sự cộng tác giữa giáo viên và học viên người Hàn Quốc trong lớp học tiếng Việt (Cù Thị Minh Ngọc)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.