Tiếng Việt được mô tả thế nào trong 'Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ'?

17/10/2020 15:24 GMT+7

Chương đầu tiên trong cuốn sách Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ của nhà ngôn ngữ học Gaston Dorren là chương về tiếng Việt. Và trong khi viết cuốn sách này, ông cũng đã cố gắng học tiếng Việt.

Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ (Nhã Nam phát hành) là công trình của tác giả Gaston Dorren - một nhà ngôn ngữ học người Hà Lan, đã chọn viết về 20 “người khổng lồ” trong số 6.000 ngôn ngữ của thế giới. Ông đã dành rất nhiều tâm huyết cho nỗ lực tìm hiểu các ngôn ngữ khác nhau. Và điều đặc biệt khi chương đầu tiên trong cuốn sách chính là chương về tiếng Việt. Được biết trong khi viết Babel, tác giả cũng đã cố gắng học tiếng Việt. 
Trong chương đầu tiên của Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ, mô tả tiếng Việt, tác giả viết: "Không một ngôn ngữ nào khác mà tôi biết lại có nhiều dấu phụ đến vậy. Khi còn là một cậu bé, tôi đã từng cảm thấy tờ tạp chí Paris Match của bố tôi kỳ lạ, bởi rất nhiều những ký tự é, à và vô vàn những dấu lược, nhưng so với tiếng Việt, tiếng Pháp trông vẫn còn đơn sơ và mộc hơn. Với không dưới 9 dấu phụ khác nhau (á, à, ả, ã, ạ, â, ăn, đ và ơ – tôi thích cách gọi không chính thống “o có râu” mà người ta dùng cho ký tự cuối cùng này), tiếng Việt là ngôn ngữ dành cho những người có đôi mắt tinh nhạy. Những dấu phụ này là thiết yếu để đảm bảo việc phát âm chính xác, nhưng chúng cũng bổ sung một phần đáng kể vào gánh nặng ghi nhớ. Chia động từ, thử thách của đa số ngôn ngữ ở châu Âu? Không đáng để nói đến trong tiếng Việt...".

Cuốn sách mang tính giáo dục đầy thú vị

Theo sách Sáng thế ký (cuốn đầu tiên của Kinh Thánh Cựu ước), thuở ban đầu, khi còn nói chung một ngôn ngữ, con người đã cùng nhau xây dựng tháp Babel, mong muốn chạm đến thiên đường. Thấy tháp Babel ngày một cao, Thiên Chúa đã ngăn chặn việc đó bằng cách tạo ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, gây ra sự bất đồng về ngôn ngữ, khiến con người không thể hợp tác với nhau dễ dàng như trước nữa. Tháp Babel trở thành ngọn tháp đại diện cho sự đa dạng của ngôn ngữ loài người.

Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ là một cuốn sách mang sắc thái hỗn hợp của cả niềm vui lẫn nỗi buồn, khi mà trên các châu lục, những ngôn ngữ nhỏ hơn không còn được sử dụng nữa

Ảnh: N.N

Tìm hiểu để đếm xem có bao nhiêu ngôn ngữ trên thế giới này là một việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, 6.000 là một con số thường được đưa ra khi ước tính số lượng ngôn ngữ nói và viết trên thế giới ngày nay (trung bình cứ 1,25 triệu người lại có một ngôn ngữ). Tuy vậy, nhiều người cho rằng chỉ cần thuần thục 4 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Quan thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hindi-Urdu, chúng ta đã có thể len lỏi suôn sẻ ở hầu hết các khu vực trên thế giới mà không cần tới thông dịch viên.
Trong Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ, mỗi chương bắt đầu với một hồ sơ ngắn về ngôn ngữ được bàn đến: các tên gọi khác nhau, ngữ hệ, số lượng người sử dụng, một số điểm cơ bản về ngữ pháp, phát âm và hệ thống chữ viết cũng như thông tin về từ mượn. Những con số ấy, tất nhiên, vẫn chưa có căn cứ chắc chắn, vì các số liệu thống kê về ngôn ngữ rất thất thường. Tác giả cho biết ông đã tham khảo nhiều nguồn, bỏ qua những trường hợp ngoại lệ đáng ngờ, lấy trung bình của các con số còn lại và làm tròn đến con số gần nhất và dễ nhớ.
Khác với một cuốn sách học thuật "khó nhằn", Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ được Dorren sử dụng một lượng chắt lọc các tri thức chuyên môn kết hợp với những chi tiết đời sống hấp dẫn, giúp cho việc đọc trở nên thú vị, rất dễ tiếp nhận, ngay cả với những độc giả không có nền tảng dày dặn về ngôn ngữ học. Bởi, tác giả có tài lý giải những khái niệm ngôn ngữ học khó hiểu nhất theo cách dễ hiểu và cách tổ chức các chương, mục vừa ngắn gọn, nhiều thông tin vừa hóm hỉnh, cuốn hút. Mà ví dụ về chương tiếng Việt là điển hình cho sự thú vị này.
Gaston Dorren là nhà ngôn ngữ học người Hà Lan, có khả năng nói được tiếng Hà Lan, tiếng Limburg, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha, đồng thời đọc được tiếng Pháp, tiếng Afrikaans, tiếng Frisian, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Catalan, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy, tiếng Thụy Điển, tiếng Luxembourg và tiếng Esperanto. Ông thường xuyên viết bài cho tạp chí ngôn ngữ học nổi tiếng Onze Taal, và biên tập cho trang blog Language Writter.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.