Tiến sĩ Trần Ngọc Dũng rời Đại học Sorbonne về quê lập bảo tàng nước mắm

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
20/07/2020 18:14 GMT+7

Trần Ngọc Dũng tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Quản trị kinh doanh tại Đại học Sorbonne danh tiếng của nước Pháp, từng có một quá trình kinh doanh thuận lợi ở nước ngoài nhưng về quê nhà lập bảo tàng nước mắm.

Trần Ngọc Dũng tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Quản trị kinh doanh tại Đại học Sorbonne danh tiếng của nước Pháp, từng có một quá trình kinh doanh thuận lợi ở nước ngoài nhưng về quê nhà lập bảo tàng nước mắm!
Trần Ngọc Dũng là người con của Phan Thiết, sinh năm 1975. Anh lớn lên tại làng chài Bình Hưng ven biển. Anh đậu thủ khoa khi thi vào trường Đại học Kinh Tế TP.HCM, được học bổng du học khoa Quản trị kinh doanh tại Melbourne (Úc) sau đó học Thạc sĩ và Tiến sĩ trường Đại học Sorbonne ở Paris.

Bảo tàng nước mắm tại Phan Thiết

ẢNH: H.Đ.N

Sau gần 20 năm hoạt động trong ngành nghiên cứu thị trường, anh đã tích lũy được nhiều kiến thức về con người, thị trường, văn hóa... cũng như thu thập sự hiểu biết về những mô hình quảng bá sản phẩm địa phương thông qua kênh du lịch văn hóa. Gần 20 năm làm thuê, làm chủ, rồi liên doanh và sau đó bán hết cổ phần cho phía đối tác Nhật Bản (một công ty nghiên cứu thị trường lớn nhất nước Nhật) anh để dành được gần 100 tỉ đồng, “ôm” số tiền này trở về quê hương để thực hiện dự án Làng Chài Xưa với bao hoài bão.
Nhiều người đặt câu hỏi: vì sao một người còn tương đối trẻ và năng động như anh lại không dùng số tiền đó để đầu tư vào một mô hình kinh tế có nhiều lợi nhuận khác? Tuy nhiên, qua cách anh thực hiện dự án Làng Chài Xưa, đáng để cho chúng ta khâm phục một con người luôn nặng lòng với “quê cha, đất tổ”, với làng nghề truyền thống của cha ông ngày xưa, để quyết tâm phục dựng lại thương hiệu “Nước mắm tĩn Phan Thiết”. Với khu phức hợp liền kề (gồm bảo tàng, nhà hát, nhà hàng, xưởng sản xuất nước mắm, nhà thùng, bãi đậu xe...) có tổng diện tích 15.000m2 (ở số 360 Nguyễn Thông, P.Phú Hài, TP.Phan Thiết). Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa do anh thành lập đã chính thức là “Bảo tàng nước mắm” đầu tiên tại Việt Nam.

Cảnh trong vở Huyền thoại làng chài

ẢNH: H.Đ.N

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh về bảo tàng độc đáo này.
- Tại nhà hát, ngoài show diễn Huyền thoại làng chài, anh còn thực hiện chương trình nào khác không? Anh nói rõ hơn về mối giao thoa văn hóa Kinh-Chăm trong show diễn này? Đại dịch Covid-19 chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của toàn bộ công trình, hiện nay tình hình chung đã ổn định chưa?
Trần Ngọc Dũng: Nhà hát được xây dựng và thiết kế riêng chỉ để diễn Huyền thoại làng chài (Fishermen Show), ý tưởng kịch bản từ chính bản thân tôi với mong muốn dựng lại câu chuyện về làng chài, cuộc sống mưu sinh cá, muối, mắm, tín ngưỡng thờ Cá Ông (cá voi) và đặc biệt là mối giao thoa văn hóa Kinh-Chăm thông qua 2 lễ Cầu Ngư và Kate tại vùng đất này. Thật thú vị khi cả 2 dân tộc cùng có câu chuyện tương đồng. Truyện cổ Chăm lưu truyền về vị thần Pô Riyak (thần Sóng biển) như sau: Ngày xưa, có chàng Eh Wa xuất thân từ nông dân nghèo, bị bọn cường hào ác bá áp bức, quyết tâm ra đi tìm thầy học đạo. Sau bao năm tháng học tập dù chưa xong, nhưng do nỗi nhớ quê nhà, chàng xin thầy cho về để giúp đỡ mọi người. Thầy không cho song chàng vẫn kết bè vượt sóng về cố hương. Bị lời nguyền của thầy, đến gần đất liền Eh Wa gặp phong ba bão tố, vỡ bè, chàng bị cá mập nuốt sống. Vong hồn Eh Wa nhập vào Cá Voi để cứu độ ngư dân khi bị nạn. Eh Wa chết vì sóng nên được người Chăm truyền tụng là Pô Riyak. Như vậy thần Pô Riyak và Cá Ông rất tương đồng, được cả 2 dân tộc thờ cúng.
Câu chuyện về Cá Ông và lễ Cầu Ngư hiện nay đã được chuyển thể, diễn hằng đêm trên sân khấu nước lung linh trong show diễn Huyền thoại làng chài của nhà hát 4 tầng. Tất cả nhân sự và diễn viên cho show diễn mỗi đêm là 60 người, toàn bộ là nghệ nhân, diễn viên địa phương nhưng đã được đào tạo chuyên nghiệp nhiều năm tại TP.HCM. 1/3 số diễn viên là người Chăm cũng đã được đào tạo, họ nói, múa hát tiếng Chăm, còn lại là người Việt. Trong Huyền thoại làng chài, mối giao thoa Kinh-Chăm đã được dựng lại một phần thông qua vũ điệu Shiva, lúc mạnh mẽ dữ dội, lúc thì chậm rãi huyền bí. Huyền thoại làng chài đã diễn được 2 năm thì mới xảy ra đại dịch Covid-19, phải tạm ngưng 3 tháng và bắt đầu diễn lại từ ngày 6.6.
Hiện lượng khán giả đã khá ổn định do được nhiều khách du lịch, nhiều công ty du lịch biết đến, nên đang tăng dần và hoàn toàn đủ để duy trì, tái đầu tư cho show diễn trong nhiều năm tới. Chương trình nghệ thuật này là một phần trong gói sản phẩm du lịch của Làng Chài Xưa bao gồm: tham quan bảo tàng nước mắm, ăn trưa hoặc ăn tối, mua sắm đặc sản sạch và xem show diễn. Do đó nguồn thu nhập về tổng thể là khả quan, nếu chỉ là sản phẩm đơn độc sẽ khó cân đối chi phí hơn.

Sắc dụ của vua Đồng Khánh và Khải Định công nhận “thương hiệu” nước mắm Phan Thiết

ẢNH: H.Đ.N

- Tại sao anh đề cao "nước mắm tĩn", bây giờ ở Phan Thiết có còn cơ sở nào sản xuất nước mắm tĩn? Vào Bảo tàng nước mắm, du khách sẽ được hướng dẫn viên dẫn dắt theo quy trình nào? Trong những cảnh quan phục dựng đình Vạn Thủy Tú có liên quan gì đến nước mắm? Nước mắm ở Bảo tàng do ai sản xuất? Nếu du khách mua sao không đựng trong loại tĩn xưa mà lại đựng trong chai gốm, bỏ trong hộp?
“Nước mắm tĩn” chính là cái tên đã có từ 300 năm trước nhưng đã thất truyền suốt 50 năm qua. Nước mắm tĩn chính là cô đọng tất cả tinh túy của làng nghề xưa ở Phan Thiết, từ nghề cá, nghề làm muối, nghề làm mắm, nghề làm gốm của vùng đất Hamu Lithit (tên cổ tiếng Chăm của Phan Thiết). Chính từ sự thừa hưởng kỹ nghệ ủ chượp của Chăm Pa (từ ủ chượp trong nước mắm có nguồn gốc từ tiếng Chăm) mà người Việt di dân vào Phan Thiết những năm 1693 đã phát huy, mở rộng quy mô sản xuất bằng thùng lều gỗ mít to và chế ra tĩn gốm đựng nước mắm chở ghe bầu bán khắp Việt Nam, biến Phan Thiết thành thủ phủ nước mắm lừng danh hàng trăm năm. Chúng tôi có một “nhà thùng” để sản xuất nước mắm với công thức xưa, cách làm xưa, nguyên liệu xưa. Nhưng tĩn nước mắm bằng gốm ngày nay đã được chúng tôi khôi phục lại như cũ chỉ là kích thước và hình thức được cách điệu cho tinh tế, đẹp hơn và tiện dụng hơn ngày nay, đó là loại tĩn gốm 500ml thay vì 3,5 lít như ngày xưa.
Bảo tàng Làng Chài Xưa được chia ra thành 14 không gian tương tác ánh sáng dạng phim trường. Du khách sẽ ngược dòng thời gian vào không gian Chăm Pa ngàn năm, làng chài xưa 300 năm, nghe nhạc tại phố cổ Phan Thiết, thử tài gánh muối, làm dân chài, tìm hiểu cách thức làm nước mắm truyền thống, cách soi nước mắm ngon của các bậc bô lão. Ở đây chúng tôi còn trưng bày di ảnh của những người đầu tiên sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, trong đó có cụ Trần Gia Hòa được coi là “Ông Tổ đầu tiên”, rồi bà Lục Thị Đậu, ông Cửu Phùng... Bảo tàng cũng sưu tầm và trưng bày 2 sắc dụ của vua Đồng Khánh và vua Khải Định công nhận “thương hiệu” nước mắm Phan Thiết.
Sở dĩ chúng tôi tái tạo đình vạn chài Thủy Tú vì đây là làng chài đầu tiên có tuổi hơn 300 năm của Phan Thiết, nơi lưu giữ bộ xương Cá Ông dài 22m, nặng 65 tấn lớn nhất Đông Nam Á và lễ Cầu Ngư tại đình Vạn Thủy Tú vừa được nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới tuần rồi tại Phan Thiết. Ngoài ra ở đây hiện cũng đang lưu giữ hơn 100 bộ xương cốt Cá Ông khác, với nhiều bộ có niên đại gần 300 năm. Bài Hò bá trạo của các ngư dân trong lễ hội Cầu Ngư cũng được tái hiện trong show diễn Huyền thoại làng chài.

Chân dung ông Hồ Lộng Địch

ẢNH: H.Đ.N chụp lại tư liệu

Ông Hồ Lộng Địch với nước mắm truyền thống

Đã có rất nhiều người hát ca khúc Hàn Mặc Tử của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (một người con của Phan Thiết), bài hát nói về mối tình tuyệt vọng của Hàn thi sĩ với người con gái Phan Thiết: Nữ sĩ Mộng Cầm. Trong bài hát có câu: “Người xưa nào biết chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa...”. Đó là ngày cưới của Mộng Cầm.

Chồng của bà là Hồ Lộng Địch (1907-1973), quê gốc ở Triệu Phong (Quảng Trị). Ông lập gia đình với bà Huỳnh Thị Nghệ (tức bà Mộng Cầm) năm 1942 ở Phan Thiết. Họ sinh được 4 người con (3 gái,1 trai). Đặc biệt, ông là người đầu tiên lập phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng nước mắm ở Phan Thiết. Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Phú Quốc đều gởi mẫu ra Phan Thiết để ông kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận. Theo quy định của chính quyền thời đó nước mắm trước khi ra thị trường phải qua kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng. Sản phẩm nào không có giấy kiểm định sẽ bị phạt rất nặng và bị cấm kinh doanh.

Điều thú vị là phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng nước mắm đầu tiên, uy tín nhất tại Phan Thiết thời đó của ông Hồ Lộng Địch (số 80A Trần Hưng Đạo - nay là 394 Trần Hưng Đạo), cũng là căn nhà mà gia đình ông Địch từng sinh sống  nhiều năm, người dân Phan Thiết thường gọi là nhà bà Mộng Cầm hay quán Mộng Cầm. Căn nhà này nay đã đổi chủ.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.