“Tiền nhiều chẳng để làm gì” - Sách dạy cách thoát thân tại chỗ

08/11/2020 08:00 GMT+7

Với không ít tò mò, tôi đã đọc cuốn sách Tiền nhiều chẳng để làm g ì của nữ tác giả người Đức Heidemarie Schwermer (NXB Công Thương, 2020), để hiểu rằng mỗi con người chúng ta đều có khả năng tạo dựng và thay đổi thế giới mà chúng ta đang sống.

Trong xã hội hiện đại, con người có điều kiện sống tiện nghi hơn, sở hữu nhiều tài sản hơn, làm việc cũng được hỗ trợ “đến tận chân răng” với bao phương tiện hiện đại, thế nhưng, con người dường như lại lo lắng nhiều hơn, bất an hơn. Hầu như trong mỗi người, đều đang bị con virus tâm thần ăn mòn, mà ta không hề biết. Vậy chúng ta làm thế nào để thoát thân khỏi mớ bòng bong này? Thế nên khi nhìn thấy cuốn Tiền nhiều chẳng để làm gì của nữ tác giả người Đức Heidemarie Schwermer, do dịch giả Phạm Đức Hùng dịch từ nguyên bản tiếng Đức, NXB Công Thương xuất bản năm 2020, tôi đã lập tức chọn đọc nó. Lâu nay, tôi vốn đang tìm cách buông bỏ những gì không cần thiết, vật chất và cả phi vật chất, nên tôi kỳ vọng rằng cuốn sách này của một tác giả đặc biệt người Đức có thể mang lại cho tôi những gợi ý hữu ích.
Tác giả Heidemarie Schwermer vốn là một cô giáo và bác sĩ tâm lý, đã dùng chính đời mình để thực nghiệm lối sống không cần tiền, mục tiêu là để rời khỏi các cấu trúc xã hội hiện tại và dần sống tốt hơn với một sự tự do mới. Bà đã từng có phòng mạch riêng, lập nên Trung tâm Cho và Nhận, nhưng cuối cùng bà đã tặng đi hết tài sản của mình để dấn thân thực nghiệm Sống không cần tiền. Trong suốt 20 năm từ 1996-2016, bà đã sống tận hiến, mãnh liệt mà không cần đến tiền.

Tác giả Heidemarie Schwermer vốn là một cô giáo và bác sĩ tâm lý, đã dùng chính đời mình để thực nghiệm lối sống "buông bỏ" tiền

Ảnh: K.B.H

Với không ít tò mò, tôi đã đọc cuốn sách Tiền nhiều chẳng để làm gì một cách say mê. Cứ đọc được dăm, bảy trang, tôi lại gập mép sách đánh dấu trang, vì có đoạn thật hay, mà nhất định tôi sẽ đọc lại, xứng để chính tôi chiêm nghiệm, và rồi nhất định sẽ thực hành xem sao.
Xuất phát từ thực tế đời sống khi còn đi học của mình, Heidemarie Schwermer viết: “Biết đâu một người sẽ tự phát triển tốt hơn nếu ít bị kiểm soát hơn, có thể lắm chứ? Hay phải chăng là sự bao bọc vẫn thường thấy ở các gia đình quan trọng hơn sự tự do? Tôi cũng đã suy nghĩ về bệnh tật. Tại sao tôi trước đây, khi còn là một cô gái làm ra bộ đoan trang kiểu cách bất hạnh, rất hay bị ốm, còn giờ đây thì rất hiếm khi ốm? Phải chăng một tinh thần khỏe mạnh làm cho một cơ thể khỏe mạnh? Nếu là như vậy, thì thuốc men không phải là giải pháp”.
Trong quá trình điều hành trung tâm Cho và Nhận, nơi mọi thứ, hoặc dịch vụ được trao và nhận mà không phải sử dụng đến tiền, bà cũng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, hầu hết mọi người chỉ cảm thấy thoải mái khi mình đứng ở vị trí của người Cho, chứ không thích đứng ở vị trí người Nhận. Hầu như làm kẻ ban phát lại dễ hơn là làm kẻ đi xin. Chính vì thế, trong một sự kiện bà tổ chức, chỉ có những người Cho tìm đến, nhưng lại không có người Nhận nào đến cả! Như vậy, liệu có phải rằng, chỉ cần ta sẵn sàng Nhận, thì mọi thứ ta cần rồi sẽ đến với ta một cách tự nhiên. Vậy thì tại sao ta lại cần quá nhiều tiền, để làm gì, tại sao ta lại khổ sở để kiếm tiền và rồi quá lo lắng bảo vệ tiền? Trong khi chỉ cần ta mở lòng ra Nhận, thì mọi thứ sẽ đến với ta vào một ngày nào đó.
Có thực thế chăng? Trong cuốn Tiền nhiều chẳng để làm gì, Heidemarie Schwermer bằng lối văn tường thuật giản dị, kể chuyện chân thực nhưng rất hấp dẫn, đã chỉ ra việc bà phải đối diện với những nỗi sợ như thế nào khi bắt đầu cuộc sống không cần tiền. Ví dụ, khi bà rời bỏ bảo hiểm y tế, dịch vụ này khiến bà đắn đo hơn cả khi quyết định buông để sống tự do hoàn toàn khỏi những quy ước, luật lệ xã hội chung, bà đã sợ hãi khi đối diện vấn đề đầu tiên: một chiếc răng bị gãy! Bà tuyệt vọng trằn trọc trên giường không ngủ được với suy diễn kinh sợ: “những chiếc răng của mi sẽ rụng, cái nọ nối đuôi cái kia, nếu mi không đi điều trị”. Và rồi nhờ nhớ tới một bài báo về một “Người phụ nữ sống bằng ánh sáng” - người đã sống 5 năm vui vẻ mà không cần ăn, uống, chỉ nhờ vào ánh sáng tự nhiên, bà đã tìm ra câu trả lời để tự vượt qua nỗi sợ rụng răng. Sự vượt qua này mang tính biểu tượng, khiến bà lấy lại sức mạnh, tin tưởng vào ý tưởng của bản thân. Bà đã cầu nguyện và ngủ thiếp đi, sáng hôm sau, cơn đau thuyên giảm, những ngày sau đó, cơn đau càng giảm hơn, và rồi hoàn toàn biến mất!
Sự buông bỏ tiền, hóa ra đã mang lại cho tác giả cuốn sách nhiều tự do hơn cả, khiến bà đi được nhiều nơi thú vị, ở tại nhiều ngôi nhà khác nhau, làm quen nhiều người mới, và học được những bài học sâu sắc hơn. Bà cũng ngộ ra rằng, có rất nhiều sự thật trong những câu chuyện cổ tích, rằng thế giới này tốt đẹp và đầy phiêu lưu. Tất cả chúng ta đều có khả năng tạo dựng và thay đổi thế giới mà chúng ta đang sống. Cuốn sách Tiền nhiều chẳng để làm gì của Heidemarie Schwermer thực sự gợi lên suy ngẫm về hệ giá trị hiện tại của chúng ta, những ràng buộc và nỗ lực phi lý mà chúng ta đang trải nghiệm, từ đó khích lệ thái độ dám đương đầu với những khuôn mẫu cũ mòn, để rồi từ đó, chung tay, chúng ta sáng tạo nên lối sống trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn, kết nối với nhau chặt chẽ hơn trong niềm tin tưởng, trong hạnh phúc.
Có thể chúng ta không thể sống hoàn toàn không cần đến tiền như tác giả Heidemarie Schwermer, nhưng ít ra, nghiền ngẫm cuốn sách Tiền nhiều chẳng để làm gì của bà, ta cũng rút ra được một vài điều hữu ích cho chính mình, để tự thoát thân ngay hôm nay, ngay ở đây, sống tự do hơn với một số thay đổi trong cách nhìn, trong hành động và lựa chọn hàng ngày.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.