Thưởng thức nghệ thuật cũng cần... học

Nguyên Vân
Nguyên Vân
13/07/2018 07:04 GMT+7

Nhiều khóa học cảm thụ âm nhạc, nghệ thuật do các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng giảng dạy cho thấy nhu cầu được biết, được hiểu để thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật nói chung rất được quan tâm.

Trường nhạc nhẹ MPU (TP.HCM) nơi nhạc sĩ Đức Trí làm hiệu trưởng, Học viện Young Hit Young Beat (Hà Nội) của các nghệ sĩ Anh Quân, Huy Tuấn, Mỹ Linh; Học viện Soul của nghệ sĩ Thanh Bùi, Ted Saigon nơi ca sĩ Bảo Lan (nhóm 5 Dòng Kẻ) làm phó hiệu trưởng… đều xây dựng những khóa học cảm thụ âm nhạc, nghệ thuật cho nhiều đối tượng trong thời gian gần đây. Mới đây, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết ông cùng họa sĩ - nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân cũng sẽ “đứng lớp” với khóa đào tạo cảm thụ nghệ thuật tại ADC Academy (TP.HCM). Theo các nghệ sĩ, không chỉ phụ huynh cho con trẻ tham gia mà cả những bậc cha mẹ, người chuyên môn lẫn không chuyên đều quan tâm và theo học.
Ca sĩ Mỹ Linh nhìn nhận: “Khi cuộc sống phát triển, con người sống đầy đủ hơn, sẽ tìm cách quay lại lựa chọn những giá trị khác không chỉ là cơm áo. Tâm hồn cũng cần được “ăn” và nuôi dưỡng đúng thì người ta mới sống an yên được”. Ở khía cạnh khác, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng: “Cảm thụ âm nhạc hay nghệ thuật nói chung là môn chưa bao giờ có trong nhà trường, dù bằng cách này cách khác nó từng tồn tại nhưng không chính thức. Những người làm nghệ thuật, làm âm nhạc đều tin rằng con người sẽ có bộ não phát triển thông minh hơn nếu có âm nhạc, điều đó khoa học đã chứng minh. Khi thấy thiếu, người ta ắt có nhu cầu được bù đắp”.
Cảm thụ âm nhạc là nền tảng nên có
Theo NSƯT Hoàng Điệp, người có kinh nghiệm giảng dạy cảm thụ âm nhạc tại các trường nhạc nhẹ ở TP.HCM và các tỉnh trong thời gian qua thì: “Cảm thụ âm nhạc (music appreciation) là sự cảm nhận để hưởng thụ và chia sẻ về âm nhạc. Ở VN có thể môn học này còn mới lạ nhưng ở các nước Âu Mỹ đã hình thành và phát triển từ hơn nửa thế kỷ qua. Cảm thụ âm nhạc giúp con người cách sử dụng âm nhạc làm phương tiện để khám phá, tìm hiểu về cuộc sống xung quanh. Từ đó các kiến thức, kỹ năng âm nhạc được đưa vào rất tự nhiên, gần gũi và trở lại phục vụ trực tiếp cuộc sống của con người”. Do đó, cảm thụ âm nhạc không chỉ dành riêng cho trẻ em hay những người có năng khiếu, chuyên môn âm nhạc.
Nhạc sĩ Dương Thụ, người sáng lập và điều hành không gian văn hóa dành cho giới trẻ Cà phê thứ 7, nhìn nhận: “Cảm thụ âm nhạc, nghệ thuật là một trong những nền tảng cần có của bất cứ người nào muốn trở thành chính mình, trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội. Các bạn trẻ hiện nay có thể chuyên sâu và rất giỏi một môn nào đó, nhưng nền tảng văn hóa chung lại có vấn đề. Mặt khác, do tính thời đại, gần như các bạn sống với công nghệ, với “mạng” nhiều, trong khi cảm xúc con người là cảm xúc thật. Bi trong cuộc đời thật khác so với xem những đau khổ qua mạng. Nói chuyện cũng thế, nghe tiếng một người con gái nói nhỏ nhẹ với mình xúc động lắm, khác với chat qua điện thoại. Đó là một trong những lý do khiến cảm xúc kém, thiếu đa tình”.
Không chỉ vậy, ông cho rằng lâu nay trong quan niệm về dạy nhạc, thì nhạc chỉ là phương tiện giáo dục để làm người. “Các cháu lớn lên chỉ hiểu “xòe bàn tay đếm ngón tay”, nghĩa là nhận bài học giáo dục chứ chưa nhận bài học âm nhạc. Thế nên về nền tảng âm nhạc xem như bị thiếu. Với tôi, cũng như những người làm âm nhạc, nghệ thuật nói chung là làm thế nào để người nghe có thể cảm thụ được âm nhạc. Chúng tôi muốn kết hợp với các tổ chức để bồi dưỡng nền tảng, cả về văn chương, hội họa, âm nhạc. Tôi cho rằng đây là việc làm của nghệ sĩ. Vì đã đến lúc chúng ta hiểu mình phải làm gì để thể hiện nghĩa vụ công dân của mình. Chúng tôi rất vui khi có nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn đi học nước ngoài, hiểu vấn đề này, để cùng chung tay”, nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.