Xứ Nghệ, thương còn không hết, ghét nhau chi!

04/08/2020 08:00 GMT+7

Tôi cho rằng được sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ là một diễm phúc mà không phải ai cũng có được, để rồi tôi lấy làm tự hào, lấy làm hãnh diện với mọi người lắm.

Có đôi lúc, niềm tự hào của tôi, chính tôi còn thấy chút vô tư ngây ngốc. Tôi tự hào đến mức chỉ trông chờ có ai hỏi quê hương của mình ở đâu để vội vàng “khoe” với họ. Tôi sống ở một chung cư gần trung tâm TP.HCM, niềm vui bình dị của tôi là mỗi lần đi thang máy vô tình bắt gặp được “đồng hương”. Bởi cũng một phần vì ngại nên tôi chỉ bắt chuyện vài câu rồi cười chào tạm biệt, nhưng trong lòng thổn thức như đang được trở về quê. Buồn cười nhất có lẽ là lúc tôi chạy xe ngoài đường, mắt cứ ngó ngó nghiêng nghiêng tìm xem thử có “đồng hương 37” hay không, rồi tự vui vẻ một mình. Hay như tôi nhớ ngày đầu cầm trên tay danh sách các thành viên trong lớp, ánh mắt tôi đã háo hức trông chờ biết bao ở mục quê quán có dòng chữ “Nghệ An” thứ hai. Phải chăng cái cảm giác tìm được chút “Nghệ”, nghe được thoáng chất giọng quê hương cũng đủ khiến lòng người ấm hơn giữa sự lạc lõng nơi thành phố xa lạ, đông người?
Những ngày làm một cô sinh viên Sài thành, tôi cũng thèm thuồng chút nắng xứ Nghệ, nhớ cái vị nắng hè đến bỏng rát lưỡi pha lẫn mùi gió Lào đầy oi bức, hanh khô. Dù là món “đặc sản” của nơi này, nhưng đến cả những đứa con ruột thịt cũng phải trải qua bao năm tháng “rèn giũa” tinh thần lẫn thể chất mới có thể nếm được trọn vị. Nếu nắng Sài Gòn vẫn còn đó ý tứ của người thiếu nữ mà dịu bớt đi thì "bà chị đỏng đảnh" thật phù hợp với cái nắng của nơi này. Mà trời nắng như vậy, có bát cơm canh rau muống luộc ăn kèm cà muối chấm mắm ruốc thì “ui cha mạ ơi hắn ngon chi chi luôn ni nả”, không thì làm đĩa nhút xào chua cay ngọt thơm có đủ, còn gì bằng. Rồi tôi lại “tham lam” muốn quay lại những lần đi đây đi đó, thăm thú hết những cảnh đẹp ở quê, nào là làng Sen, nào là đảo chè, nào là đền Cuông, nào là núi Quyết,… Nhớ lắm, thèm lắm dư vị quê nhà. Man mác đâu đây trong tâm trí tôi vẫn còn thoảng một hương sen tinh khiết…

Đảo chè, Nghệ An

Ánh; Khánh Hoan

Thương về xứ Nghệ là thương những năm hạn hán mất mùa, là xót những năm bão lũ làng quê trở nên xơ xác, là trân trọng tình người vẫn luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn. Tình làng nghĩa xóm, lúc khó khăn chia sẻ với nhau đắng cay ngọt bùi, thùng mì tôm, củ sắn, củ khoai cũng đã phần nào xoa dịu sự mất mát trong lòng. Những năm tháng bôn ba xứ người, có mấy ai không thương về xứ Nghệ, không rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh quê hương mình chìm trong lam lũ. Rời bỏ quê hương chỉ mong muốn tương lai thay đổi, nhưng trái tim mỗi người vẫn nguyên vẹn với quê hương nghĩa tình.
Xứ Nghệ luôn là nơi chốn mà những đứa con xa xứ đi học tập, lập nghiệp hướng về, mà như mối lương duyên từ lâu được định sẵn, mảnh đất ấy bỗng chốc hóa thành một người mẹ, luôn dang rộng cánh tay bao bọc, chào đón những đứa con bé bỏng của mình quay trở về.
Phải đến xứ Nghệ một lần, mới có thể cảm nhận được cái chất “Nghệ” đúng nghĩa. Phải sống với xứ Nghệ hết lòng, mới hiểu được cái đậm đà của giọng Nghệ. Mà phải gắn bó với xứ Nghệ, mới biết tình cảm dành cho nơi đây không bao giờ là đủ. Thế mới nói “Xứ Nghệ - Thương còn không hết, ghét nhau chi!”
“Anh có về Xứ Nghệ với em không ?
Đất miền Trung mưa dầm nắng gió
Về đó rồi, anh thương nhiều hơn nữa
Bởi nơi em, thắm đượm tình quê…”
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.