Về với biển

24/07/2020 08:00 GMT+7

"Cậu đã bao giờ đứng trước biển lúc hoàng hôn chưa? Tôi hỏi và cậu ấy không trả lời. Lúc đấy cậu ấy chắc hiểu tôi đã chơi vơi thế nào giữa những câu nhớ thương và chờ đợi...

Chắc cậu ấy hiểu thế nào là nỗi sợ khi sóng và bóng đêm đều không thể chạm tới.
Bờ cát sau một ngày thật nóng, trải dài vô tận không có điểm dừng.
Và cũng nhạt nhòa giữa khoảng trời này như chúng ta đã từng.
Hoàng hôn biển là cả khoảng lặng mênh mông…
Tôi đã cố tìm một ý nghĩa nhỏ nhoi để sống.
Nhưng mãi mãi, dù tôi có kịp lớn khôn thế nào cũng không kịp hiểu…
Là cuộc đời này của chúng ta có ý nghĩa như thế nào?
Cậu ấy nằm xuống, tôi vẽ một vòng tròn quanh chúng tôi.
Điều này tôi học những người ở quê tôi, để ma không bắt chúng tôi đi được.
Nhưng rồi theo làn nước, cậu ấy chọn ra đi.
Còn lại mình tôi, cô độc, không cần phải là một ngày đứng trước biển.
Một ngày giữa những người thân yêu nhất, tôi đã lạc mất đường…
Cậu đã bao giờ đứng trước biển lúc hoàng hôn chưa?"
Đó là bài thơ mà cô đã viết cho cậu ấy khi cậu ấy chọn ra đi. Cậu ấy từng nói là cậu ấy sẽ mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh trầm cảm. Cậu ấy từng nói là cậu ấy sẽ nỗ lực để sống, nhưng rồi cậu ấy bỏ cuộc. Nếu ai đó đã từng đứng trước biển lúc hoàng hôn, thì hẳn đó là một người vô cùng cô độc, cô độc giữa những con sóng rộng lớn, cô độc với chính bản thân, như cảm giác của cô và cậu ấy ngày trước, như cảm giác của cô chính lúc này. Những ngày mệt nhoài ở Hà Nội khiến cô thật sự mất phương hướng. Cô tìm về nhà với bố mẹ mấy ngày, về với miền Trung thương nhớ của cô, về với biển, để biển rộng lớn xoa dịu những tổn thương trong lòng cô, để cô quên đi những bộn bề những áp lực với công việc, nhưng biển mênh mông đến thế lại càng khiến cô cảm thấy cô độc…

Ba nói: "Bất cứ khi nào con cảm thấy áp lực, hãy trở về quê mình, trở về với biển..."

Ảnh: Thiên Anh

Ngày thứ hai về nhà, là rằm tháng giêng, ba mẹ xuống nhà thờ thắp hương cho ông bà tổ tiên. Một mình ở nhà ngồi thu lu như con mèo nhỏ, cô bỗng thấy nỗi buồn của cô rốt cuộc có thể trở mình một cái, đất quê quá thênh thang để có thể đón cô, ôm trọn vẹn cả nỗi buồn của cô. Con Milu cứ đi ra đi vào rồi ngắm chủ. Hai con còn lại cô chưa kịp đặt tên nằm im một chỗ, mắt lim dim, thi thoảng vừa nhìn cô vừa lười nhác nhấc đuôi lên vẫy vẫy. Quanh cô, lũ gà đang chí chóe cãi nhau tranh thóc, tiếng sóng dư âm từ biển, tiếng chim kêu, tiếng máy nung đất từ lò gạch xóm dưới, và thoang thoảng mùi hương nhà ai thắp, thoang thoảng mùi lúa trải dài cả con đường quê... Những âm thanh quê hương quen thuộc, những mùi hương rất đỗi quen thuộc, nỗi buồn của cô cũng vì thế mà trở nên quen thuộc, như là nỗi buồn của những ngày bé thơ bị điểm kém, như là nỗi buồn lúc mẹ cô muốn cô phải nhường nhịn em trai dù cô không sai. Nhưng mà, nỗi buồn của hiện tại lại chẳng thể giản đơn như những ngày ấy nữa…
Ba vỗ vai khiến cô giật mình. Ba kể cho cô nghe vài câu chuyện linh tinh, những câu chuyện mang trọn vẹn dáng hình người đàn ông đã luôn yêu thương cô suốt cả cuộc đời, luôn chờ đón cô trở về như mảnh đất miền Trung đã luôn đợi chờ cô vậy. Ba biết là cô đang buồn đấy nhưng lại chẳng bao giờ hỏi trực tiếp cô. Ba nói: “Hoàng hôn là thời điểm mà mỗi người cần bỏ lại mọi mệt mỏi của một ngày để trở về nhà, bất cứ khi nào con cảm thấy áp lực, hãy trở về quê mình, trở về với biển, biển mênh mông đến thế mà còn phải dừng lại trước bờ…”.
Cô thiu thiu vào giấc ngủ, ngày mai cô sẽ trở lại Hà Nội, trở lại với công việc bộn bề và những áp lực cuộc sống. Lần này đi, hy vọng Hà Nội sẽ đón cô khác đi, hy vọng cô sẽ chẳng còn đau đáu buồn như bao lần rời quê vẫn chưa lớn khôn lên được. Cô tin, nếu như cô đủ bản lĩnh thì cuộc sống này sẽ hiểu cho giấc mơ của cô thôi. Giấc mơ cô đi mang theo hương lúa, thứ mùi hương chẳng lẫn vào đâu được và chẳng thể nào quên được, mùi hương của ba, mùi hương của biển. Đi về nơi cô rèn bản lĩnh, rồi lại được miền Trung yêu dấu sạc đầy đủ năng lượng, mỗi khi cô quay trở về…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.